Giải toán trực tuyến W | A




Vẽ đồ thị trong Oxyz plot3D(f(x,y),x=..,y=..)
Vẽ đồ thị trong Oxy plot(f(x),x=..,y=..)
Đạo hàm derivative(f(x))
Tích phân Integrate(f(x))


Giải toán trực tuyến W|A

MW

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

TRUYỆN NGỤ NGÔN AESOP - Chương 1 .

TRUYỆN NGỤ NGÔN AESOP - Chương 1 .

Chương I - Kho tàng truyện ngụ ngôn Aesop
Mỗi câu truyện là một lời răn dạy

 nguồn : https://sites.google.com/site/ngungonaesop/ch1

1- DÊ CON VÀ CÁO

1. Một con dê con được người chăn dê để lại trên mái lá của chuồng dê để tránh cho nó khỏi bị nguy hiểm bởi thú dữ. Dê con đang chạy nhảy ra gần rìa mái lá thì bỗng nó nhìn thấy một con cáo và bắt đầu chế giễu cáo, nheo mũi và thỏa sức lăng mạ cáo.
“Ờ tao nghe mày chửi đây,” Cáo nói, “ và điều mày nói hay làm chẳng hề hấn gì với tao đâu. Khi mày đứng ở trên đấy thì không phải là mày nói đâu mà chính là cái mái lá sắp xụp kia đang nói thay cho mày đấy.”

*Bài học từ câu chuyện :
Đừng bao giờ nói bất cứ điều gì không nên nói.

2. Một hôm nọ, một con cáo bị rơi xuống một cái giếng. Nó đã mắc kẹt ở đó khá lâu. Cuối cùng, cũng có một con dê đi lang thang qua đó.
Con dê tò mò hỏi:  ” Bác đang làm gì vậy?”
“Tránh ra,” con Cáo cáu gắt:  “Đây là nước của ta.”
“Thật không công bằng chút nào”,  con Dê ngắt lời. “Tại sao bác lại được sở hữu tất cả chỗ nước này?” Trước khi Cáo có thể nói thêm lời nào, Dê nhảy ngay xuống giếng.
Nhanh như chớp, Cáo nhảy lên lưng Dê và thoát ra khỏi giếng. Nó sung sướng chạy  khỏi nơi đó, bỏ mặc Dê đang bị  kẹt trong giếng.

*Bài học từ câu chuyện :
Chớ luôn tin lời của người đang gặp khó khăn 

2- CHUỘT NHÀ VÀ CHUỘT ĐỒNG

Một con chuột nhà một hôm ghé thăm bạn ở đồng quê. Bữa trưa, Chuột Đồng dọn bữa ăn chỉ toàn là thân, rễ, và lơi bắp, với một chút nước lạnh để uống. Chuột Nhà chỉ ăn lấy lệ, nhấm nháp một chút món này, một chút món kia, và chẳng cần giấu giếm gì nó nói rằng nó ăn với chuột đồng một chút là chỉ để cho vui thôi.
Sau bữa ăn, hai con chuột trò chuyện rất lâu, nói cho đúng là Chuột Nhà cứ kể chuyện về cuộc sống của mình ở thành phố còn Chuột Đồng thì chỉ ngồi nghe. Rồi chúng vào trong một cái tổ chuột ở bờ rào và ngủ một giấc êm ái và thoải mái cho đến tận sáng hôm sau. Trong giấc ngủ, Chuột Đồng mơ thấy mình được ở thành phố với đủ mọi tiện nghi sang trọng và sung sướng mà nó đã được nghe bạn kể. Thế là sáng hôm sau, khi Chuột Nhà mời Chuột Đồng về nhà với mình ở thành phố, nó sung sướng nhận lời ngay.
Khi chúng về đến ngôi biệt thự mà Chuột Nhà sống, chúng thấy trên bàn ăn còn lại những thứ thức ăn thừa của một bữa tiệc rất sang trọng. Có cả bánh kẹo, mứt, phó mát, thực vậy, những thứ thức ăn hấp dẫn nhất mà Chuột Đồng có thể tưởng tượng được. Nhưng ngay khi Chuột Đồng vừa sắp nhấm nháp một chút bánh ngọt, nó nghe thấy tiếng con mèo kêu thật lớn và tiếng móng vuốt của nó nghiến trên sàn nhà. Quá sợ hãi, hai con chuột vội vàng tìm chỗ nấp, chúng nằm im một lúc lâu, hầu như không dám thở mạnh. Khi vào lúc cuối cùng chúng đánh bạo quay trở lại bàn tiệc, cánh cửa bỗng dưng mở ra và người đầy tớ bước vào dọn bàn, theo sau là một con Chó Nhà lớn.
Chuột Đồng khi còn xa mới đến chỗ ở của Chuột Nhà thì đã ngừng lại cầm lấy nón và bị.
“Bạn có thể có những thứ xa xỉ và những món ăn ngon mà tôi chẳng có,” nó vừa nói vừa chạy, “nhưng tôi lại thích những thứ thức ăn thanh đạm và cuộc sống giản dị ở đồng quê luôn có sự yên bình và thanh thản hơn.

*Bài học từ câu chuyện :
Nghèo mà thanh thản còn hơn giàu mà luôn phải lo lắng bồn chồn

3-CON CÁO VÀ CHÙM NHO

Một con cáo một hôm bắt gặp một chùm nho chín đỏ hấp dẫn trên một dây nho vắt ngang qua các nhánh của một cây cao. Chùm nho mọng nước tưởng chừng như sắp vỡ ra, và con Cáo cứ đứng nhìn thèm nhỏ rãi.
Chùm nho vắt qua một nhánh cây cao, nên con Cáo phải nhảy lên để hái cho được nó. Lần nhảy đầu tiên, nó vẫn còn cách chùm nho khá xa. Thế nên nó đi xa gốc cây ra một quãng và chạy lại để lấy đà nhảy lên, chỉ còn thiếu một chút nữa thôi là đến được chùm nho. Nó thử lại lần nữa và lại một lần nữa, nhưng tất cả đều vô ích.
Nó bèn ngồi xuống và nhìn chùm nho tức tối.
“Mình mới ngu ngốc làm sao,” nó bảo. “Mình mất bao nhiêu công lao chỉ để lấy một chùm nho chua lè chẳng đáng cho người ta dòm đến.
Và thế là nó khinh khỉnh bỏ đi.

*Bài học từ câu chuyện :
Có rất nhiều người tỏ ra chê bai, khinh miệt cái mà họ mong muốn có nhưng không được.

4-CÁO VÀ NGỖNG

Một con Cáo ăn uống quá tham lam, và bị mắc xương trong họng. Nó nuốt vào không được mà khạc ra cũng chẳng xong, và dĩ nhiên, là nó chẳng thể ăn được gì thêm. Dĩ nhiên, đối với một kẻ tham ăn như Cáo thì tình trạng này thật hết sức tồi tệ.
Thế nên nó vội vàng đi tìm cho được Ngỗng. Nó chắc chắn là, với cái cổ và chiếc mỏ dài, Ngỗng sẽ dễ dàng thò vào họng nó để kéo cho được chiếc xương ra.
“Tôi sẽ hậu tạ bạn,” Cáo nói, “nếu bạn giúp kéo được chiếc xương ra cho tôi.”
Con Ngỗng, bạn biết đấy, nghe thấy phải đút đầu vào họng Cáo thì chẳng phải là không biết sợ. Nhưng vì bản tính quá tham lam, nên nó làm theo lời Cáo.
Khi con Cáo đã được rút xương ra khỏi họng, nó liền bỏ đi một mạch.
“Nhưng phần thưởng của tôi đâu!” Ngỗng băn khoăn hỏi.
“Cái gì!” Cáo cằn nhằn, chạy vù đi. Mày chưa được thưởng à? Thưởng thế chưa đủ sao, mày đưa đầu vào họng tao, tao tha cho mà chưa cắn là thưởng cho mày đấy?”


*Bài học từ câu chuyện :
Đừng mong được những người xấu biết ơn

5-CON LỪA VÀ NGƯỜI CHỦ

1.Một con lừa đang được chủ dong đi trên đường ở triền núi, bỗng dưng nó nảy ra ý nghĩ ngu ngốc là phải chọn lấy con đường đi cho riêng mình. Nó nhìn thấy chuồng của nó ở dưới chân núi, và nó nghĩ lối gần nhất chỉ ở dưới bờ vách đá dựng đứng ngay cạnh đó. Ngay lúc nó sắp sửa nhảy xuống vách đá, người chủ thấy được tóm lấy đuôi nó và cố kéo nó lại, nhưng con lừa bướng bỉnh nhất quyết không chịu và dùng tất cả sức mạnh của nó để bứt ra lao xuống.
“Tốt lắm,” chủ lừa nói, “cho mày đi luôn, đồ súc sinh ngoan cố, để xem mày sẽ đi được đến đâu.”
Thế là anh ta buông nó ra, con lừa ngu ngốc rõi lộn cổ xuống vách đá bên sườn núi

*Bài học từ câu chuyện :
Những người không chịu lắng nghe điều hay lẽ phải mà cứ ngoan cố làm theo ý mình sẽ phải chuốc lấy tai họa

2. Ông Chủ, Con Trai, Và Con Lừa - Aesop
http://motsach.info/story.php?story=ong_chu_con_trai_va_con_lua

Một hôm, đã lâu lắm rồi, một ông chủ cùng đứa con trai trên đường đi ra chợ dẫn theo một con Lừa để bán. Họ dắt nó đi từ từ, vì họ nghĩ họ sẽ dễ bán Lừa hơn nếu giữ cho nó được tươi tắn khỏe mạnh. Khi họ đi trên đường có một vài người trông thấy họ bèn cười lớn.

“Sao lại ngốc thế nhỉ,” một người la lên, “có lừa không cưỡi lừa mà lại đi bộ như thế. Cái kẻ mà người ta cứ cho là ngu ngốc nhất trong nhóm này chắc chắn chẳng phải là con Lừa kia rồi.”

Chủ lừa không muốn người ta cười mình, nên ông bảo con trai leo lên lưng lừa mà cưỡi.

Họ đi thêm được một quăng đường nữa, lại gặp ba người lái buôn đi qua.

“Ô hô, cái gì thế này?” họ la lên. “Phải biết kính trọng tuổi già chứ, chú em! Khỏe mạnh như vậy thì xuống đi để cho ông già cưỡi chứ.”

Mặc dù ông chủ chẳng mệt, nhưng ông cũng bảo con trai xuống và ông leo lên cưỡi, để khỏi phải giải thích gì với họ.

Tại cổng làng họ gặp mấy người phụ nữ xách giỏ đầy những rau quả và trái cây đem ra chợ bán.

“Trông kìa cái ông già ích kỷ,” một người la lên. “Ông chỉ biết cưỡi có một mình, còn thằng con thì bắt phải đi bộ.”
Ông chủ hơi phật ý, nhưng để cho khỏi chướng mắt họ, ông bảo con leo lên ngồi sau lưng lừa.

Họ vừa mới bắt đầu đi tiếp thì lại nghe tiếng lao xao của một nhóm người bên đường.

“Tội nghiệp chưa,” một người la lên, “cả hai người cùng cưỡi để đè cho con vật không biết nói tội nghiệp kia chết luôn đấy! Hai người khỏe mạnh như thế thì khiêng nó cũng còn được ấy chứ, bắt nó cõng cả hai như vậy ra đến chợ thì chắc nó sụm mất.”

“Chắc là họ chỉ muốn bán có tấm da của nó thôi,” một người khác nói.

Hai cha con vội vàng leo xuống, và chỉ một lát sau, cả chợ ồ lên cười khi thấy hai cha con gánh con Lừa vào chợ. Họ ùa chạy ra để nhìn thấy cái cảnh tượng có một không hai này.

Con Lừa xưa nay đâu thích để cho người ta khiêng như vậy, mà lại rất nhiều người đến dòm và chỉ vào mặt nó vừa cười vừa la, nó liền đá tung lên và kêu be be, và ngay khi họ bước ngang qua một cái cầu, dây thừng buộc nó đứt ra và nó rơi tòm xuống nước, bị nước cuốn trôi mất.
Ông chủ Lừa tội nghiệp buồn bã bỏ đi về. Vì cứ làm theo lời người ta, cuối cùng cũng chẳng biết ai là có lý, nhưng Lừa thì ông đã mất.

*Bài học từ câu chuyện :
Không thể làm vừa lòng tất cả mọi người

3. Một ngày nọ có con lừa của một người nông dân bị ngã xuống đáy giếng. Con lừa khóc lóc thảm thương trong vài giờ đồng hồ trong khi người chủ tìm cách giải thoát cho nó. Cuối cùng người nông dân quyết định rằng con lừa cũng đã già rồi và cái giếng cần phải được lấp đi, ông không cần phải cứu con lừa nữa.
Người nông dân kêu hàng xóm của ông đến và giúp một tay. Họ cầm xẻng và bắt đầu xúc đất đổ xuống giếng. Ban đầu, con lừa biết chuyện gì đang xảy ra và nó lại bắt đầu khóc vì tuyệt vọng. Nhưng sau đó mọi người lại thấy ngạc nhiên vì nó bỗng dưng trở nên im lặng.

Một lúc sau người nông dân nhìn xuống giếng và ông ta phải kinh ngạc vì những gì xảy ra trước mắt. Với mỗi xẻng đất mà người ta hất xuống giếng, con lừa đã làm một việc thật : nó lay người để giũ hết cho đất bùn rơi xuống và tiếp tục bước lên trên.
Với mỗi xúc đất của người ta hất xuống giếng, con lừa lại rung mình và bước một bước lên trên đống đất. Chỉ sau một lúc, mọi người đều kinh ngạc vì con lừa đã lên được đến miệng giếng và vui vẻ thoát ra ngoài.


*Bài học từ câu chuyện :
Đừng nản lòng khi gặp khó khăn . 


6-ĐÔI BÒ VÀ CẶP BÁNH XE

Một đôi bò ra sức kéo một chiếc xe chất đầy hàng qua một con đường quê lầy lội. Chúng phải lấy hết sức lực mới kéo nổi chiếc xe, nhưng không hề phàn nàn kêu ca.
Cặp Bánh Xe thì lại khác hẳn. Mặc dù nhiệm vụ của chúng phải làm là hết sức nhẹ nhàng so với việc của đôi bò, chúng cứ kẽo kẹt rên rỉ theo mỗi vòng quay. Đôi bò tội nghiệp, mặc dù đã phải hết sức mới kéo được chiếc xe đi trong bùn sâu, lại còn phải ù tai vì những tiếng kêu ca phàn nàn nhức óc của Cặp Bánh Xe. Việc này, ai cũng biết, làm cho công việc của chúng trở nên nặng nề khó chịu đựng hơn.
“Im đi!” Đôi Bò cuối cùng cũng phải la lên, mất hết cả kiên nhẫn. “Bánh Xe chúng mày phải làm những gì mà kêu ca phàn nàn nhức óc thế? Tụi tao phải kéo cả chiếc xe nặng nề, chứ không phải chúng mày, nhưng chúng tao có kêu ca gì đâu.”

*Bài học từ câu chuyện :
Người sung sướng nhất lại hay kêu ca nhiều nhất.

7-SƯ TỬ VÀ CHUỘT

Một con sư tử nằm ngủ trong rừng, đầu gục trên đôi chân. Một con chuột nhắt rụt rè bất ngờ đụng phải sư tử, quá hốt hoảng và vội vàng bỏ chạy, nó đạp cả lên mũi sư tử. Ngứa mũi tỉnh dậy, sư tử giận dữ giơ chân chộp lấy chuột nhắt nhỏ bé để giết chết.
“Xin tha cho cháu!” Chuột nhắt bé nhỏ van xin. “Xin ông thả cháu ra đến một ngày nào đó cháu sẽ đền đáp công ơn ông.”
Sư tử quá buồn cười khi nghĩ rằng con chuột bé tí này có khi nào lại giúp được gì cho mình. Nhưng nó rộng lượng và cuối cùng thả cho chuột đi.
Ít ngày sau, trong khi mải mê đuổi theo con mồi, sư tử đã dính vào bẫy lưới của một thợ săn. Cựa quậy măi cũng không thể thoát ra được, sư tử gầm rống vang khắp rừng. Chuột nhắt nghe tiếng gầm biết sư tử bị nạn liền chạy lại thấy sư tử đang nằm trong lưới. Chạy đến một trong những sợi thừng to nhất đang buộc chặt sư tử, chuột nhắt nhấm cho đến khi dây đứt ra, và chỉ một lát sau, sư tử đã được tự do.
“Ông đã cười khi cháu bảo sẽ có ngày cháu đền đáp.” Chuột nhắt bảo sư tử. “Giờ thì ông đã thấy rồi đấy, bé xíu như chuột nhưng vẫn có thể cứu được cả sư tử.”

*Bài học từ câu chuyện :
Việc làm tốt không bao giờ vô ích

8-CHÚ BÉ CHĂN CỪU VÀ CON CÁO

Một chú bé chăn cừu cho chủ thả cừu gần một khu rừng rậm cách làng không xa lắm. Chăn cừu được ít lâu, chú cảm thấy cuộc đời chăn cừu thực nhàm chán. Tất cả mọi việc chú có thể làm để giải khuây là nói chuyện với con chó hoặc thổi chiếc kèn chăn cừu của mình.
Một hôm, khi chú đang  ngắm nhìn đàn cừu và cánh rừng yên tĩnh, và suy nghĩ mình sẽ phải làm gì khi gặp một con Cáo, chú nghĩ ra một trò chơi cho đỡ buồn.
Chủ bảo với chú rằng khi Cáo tấn công đàn cừu thì phải kêu cứu, để Dân Làng nghe thấy và đuổi nó đi. Thế là, mặc dù chú chẳng thấy con gì giống Cáo hết, chú cứ chạy về làng và la to, “Cáo! Cáo!”
Đúng như chú nghĩ, Dân Làng nghe thấy tiếng kêu bỏ cả việc làm và tức tốc chạy ra cánh đồng. Nhưng khi họ đến nơi họ chỉ thấy chú bé ôm bụng cười ngặt nghẽo vì đã lừa được họ.
Ít ngày sau chú bé chăn cừu lần nữa lại la lên, “Cáo! Cáo!” Và một lần nữa Dân làng lại chạy ra giúp chú, nhưng lại bị chú cười cho một trận.
Thế rồi vào một buổi chiều nọ, khi mặt trời lặn xuống sau cánh rừng và bóng tối bắt đầu phủ đầy lên cánh đồng, một con Cáo thực sự nấp sau một bụi cây bỗng phóng ra và chụp được một con cừu.
Quá hoảng sợ, chú bé chăn cừu vội chạy về làng và la to “Cáo! Cáo!” Nhưng mặc dù Dân Làng có nghe tiếng chú kêu, nhưng không ai chạy ra cả để giúp chú như những lần trước. “Lần này không thể để cho nó đánh lừa được mình nữa” họ bảo.
Cáo giết chết rất nhiều cừu của chú bé và biến mất vào rừng rậm.

*Bài học từ câu chuyện :
Người ta cũng không tin kẻ nói dối ngay cả khi hắn nói thật.

9-MUỖI MẮT VÀ CON BÒ

Một con muỗi mắt bé tí xíu bay qua cánh đồng cỏ kêu vo vo thật lớn và đậu trên mỏm sừng của một con bò. Sau khi nó nghỉ ở đó một chút, nó lại chuẩn bị bay đi. Nhưng trước khi nó bay đi, nó xin lỗi bò vì đã dùng chiếc sừng bò làm chỗ nghỉ chân cho nó.
“Ông chắc hẳn sẽ rất vui mừng nếu tôi bay đi," nó bảo
“Cũng vậy thôi,” Bò trả lời. “Tao còn chẳng biết là mày đang đậu ở đó nữa là.”
Chúng ta thường đánh giá mình quá cao so với đánh giá của người khác.

*Bài học từ câu chuyện :
Càng ngu ngốc lại càng kiêu.

10-CÂY TIÊU HUYỀN

Có hai người du khách, đi dưới trời nắng, tìm kiếm một bóng cây to để nghỉ mát. Khi họ nằm nhìn lên tán cây mát rượi, họ mới nhìn ra đó là một cây Tiêu Huyền.
“Cây Tiêu Huyền chẳng có ích gì đâu!” một người nói. “Nó đã chẳng có trái, lại còn lắm lá xả đầy xuống mặt đất."
“Đồ vô ơn!” từ trên cây có một tiếng kêu lớn. “Ngươi nằm ngay dưới bóng mát của ta, thế nhưng ngươi lại bảo ta vô ích! Vậy chẳng là vô ơn đó sao, Ô thần Jupiter, loài người có đáng được hưởng phúc không!”

*Bài học từ câu chuyện :
Chúng ta thường có phúc mà không biết

11-BÁC NÔNG DÂN VÀ CON CÒ

Một con cò tính tình hiền lành chất phác gặp một bầy ngỗng trời phá phách rủ đi đến một cánh đồng lúa mới cấy. Nhưng rốt cuộc cả bầy phải rầu rĩ vì đã sa vào bẫy lưới của bác nông dân.
Cò bèn năn nỉ bác nông dân tha cho nó.
“Xin bác thả cho cháu ra,” nó năn nỉ. “Cháu thuộc họ nhà cò xưa nay vốn lương thiện và là loài chim có tính tốt. Hơn nữa, cháu đâu có biết lũ ngỗng đi phá lúa của bác.”
“Mi có thể là loài chim rất tốt,” bác nông dân bảo, “nhưng ta bắt mi cùng với lũ ngỗng ăn cướp nên mi phải cùng chịu chung hình phạt với chúng.”

*Bài học từ câu chuyện :
Người ta nhìn bạn bè của bạn để đánh giá bạn.

12-CỪU VÀ HEO

Một hôm, một người chăn cừu phát hiện ra một con heo mập trên cánh đồng anh ta đang thả cừu cho ăn. Anh ta nhanh chóng bắt lấy heo, nó rống hết sức kêu eng éc vang cả cánh rừng khi người chăn cừu mới chạm tay vào nó. Bạn có lẽ đã nghĩ, nghe heo thét lên như thế, chắc là nó phải bị  đau lắm. Nhưng mặc cho nó kêu và giãy giụa để thoát ra, người chăn cừu trói lấy nó và bắt đầu quảy nó về để đưa ra chợ bán cho hàng thịt.
Đàn cừu trên cánh đồng hết sức ngạc nhiên và buồn cười khi nhìn thấy heo hoảng sợ như thế, và chúng đi theo người chăn cừu cùng con heo đến đầu cánh đồng.
“Sao bạn lại phải la lối như vậy?” một con cừu hỏi heo. “ông chăn cừu vẫn thường bắt một đứa trong chúng tôi và đưa đi đấy nhưng có sao đâu. Chúng tôi sẽ rất lấy làm xấu hổ nếu lại làm ầm ĩ lên như bạn.
“Nói đúng cả đấy,” heo trả lời, kêu éc lên và đá loạn xạ. "Khi lão bắt bạn lão chỉ cần lông của bạn thôi. Nhưng lão lại muốn lấy thịt của tôi! Éc ééééééééééééc!”

*Bài học từ câu chuyện :
Làm ra vẻ can đảm rất dễ khi chưa có gì nguy hiểm

13-HAI NGƯỜI DU KHÁCH VÀ CHIẾC VÍ

Hai người khách bộ hành đang đi cùng nhau trên một con đường thì một người bỗng nhặt được một chiếc ví đầy cứng.
“Tôi may mắn quá!” anh ta nói. “Tôi đã nhặt được một chiếc ví. Nó nặng như thế này thì chắc chứa đầy tiền đây.”
“Đừng nói là ‘tôi đã nhặt được như thế,’” người bạn đồng hành với anh ta nói. “Phải nói cho đúng là ‘ chúng ta đã nhặt được và ‘chúng ta may mắn quá.’ Bạn đồng hành với nhau thì phải chia nhau cả cái may lẫn cái rủi trên đường mới phải.”
“Ố không, không đâu, “ người kia giận dữ nói. “Tôi đã nhặt được thì nó là của tôi.”
Ngay khi đó họ nghe thấy tiếng quát to “Đứng lại, đồ ăn cắp!”. Họ nhìn quanh và thấy một đám người cầm gậy gộc đang đi về phía họ.
Người nhặt được chiếc ví đâm ra hoảng sợ.
“Chúng ta chết mất nếu họ tìm được trong người chúng ta chiếc ví của họ,”
“Ồ không, không” người kia đáp, “Hồi nãy ông không chịu bảo là ‘chúng ta’, thì bây giờ ông cũng đừng có nói là ‘chúng ta' đấy nhé. Phải giữ lấy lời. Phải nói là ‘Tôi sẽ chết mất.”

*Bài học từ câu chuyện :
Chúng ta đừng mong người ta chia sẻ với mình cái rủi mà lại không chịu chia sẻ với họ điều may mắn.

14-SƯ TỬ VÀ LỪA

Một hôm Sư tử kiêu hãnh đi xuống một cánh rừng, các loài thú vật nhìn thấy đều kính cẩn nhường đường cho sư tử, nhưng một con lừa be be buông lời ra một lời nhận xét đầy khinh thị.
Sử tử cảm thấy hơi tức giận. Nhưng khi nó quay đầu nhìn lại và nhìn thấy kẻ đã nói, nó liền lặng lẽ tiếp tục bỏ đi. Nó chẳng muốn phí sức với một kẻ ngu ngốc, thậm chí chẳng thèm giương lên một cái vuốt.

*Bài học từ câu chuyện :
Không nên bực mình vì lời nói của một kẻ ngu ngốc, cứ coi như chẳng có gì.

15-LŨ ẾCH MUỐN CÓ VUA

Lũ ếch đã chán chường mệt mỏi với việc tự trị. Chúng đã được tự do quá nên lại đâm ra hư hỏng, chúng chẳng làm gì, cứ ngồi chán chường kêu ộp ộp và muốn có một chính phủ giúp cho chúng có được cuộc sống đế vương hoàng tộc, và cai quản chúng theo một cách thức để chúng biết là chúng có người đứng đầu cầm quyền.  Chúng ta không thể vô chính phủ như thế này nữa, chúng tuyên bố. Thế là chúng trình thư kiến nghị lên thần Jupiter để xin một ông vua cho chúng.
Thần Jupiter thấy chúng thô thiển và ngu ngốc quá, nhưng muốn chúng không kêu gào nữa và để cho chúng biết là chúng có vua, thần liền ném xuống một khúc gỗ lớn, rõi xuống ao văng nước lên tung tóe. Lũ ếch nấp mình vào đám lau sậy, nghĩ rằng chúng đã có một ông vua mới quyền uy đáng sợ. Nhưng chẳng bao lâu, chúng đã phát hiện ra Vua Khúc Gỗ của chúng hiền lành ít nói chẳng khác gì cục đất. Chẳng mấy chốc mấy con ếch con đã dùng vua để làm cái bệ nhảy để lao xuống nước, còn mấy ông ếch già lại dùng vua để làm nơi hội họp, ở đó chúng lớn tiếng phàn nàn với thần Jupiter về chính phủ của chúng.
Để dạy cho lũ ếch một bài học, vị thần của các thần này liền phái xuống một con Ngỗng để làm vua nước ếch. Con Ngỗng tỏ ra khác hẳn so với vị vua Khúc Gỗ cũ. Nó gộp gộp quát lũ ếch đứng nghiêm, quay trái, quay phải suốt ngày, chẳng mấy chốc lũ ếch đã nhận ra sự ngu ngốc của mình. Ộp ộp rên rỉ, chúng van nài thần Jupiter rút lại vị vua tàn bạo này không thì cả lũ ếch của chúng chắc sẽ chết hết.
"Thế nào!” Thần la lớn “Bây giờ lũ các ngươi vẫn chưa hài lòng sao? Các ngươi đã muốn gì có nấy thì bây giờ có sao các ngươi cũng cứ phải chịu.”

*Bài học từ câu chuyện :
Đừng đứng núi này trông núi nọ

16-CÚ MÈO VÀ CHÂU CHẤU

Cú mèo có thói quen luôn ngủ vào ban ngày. Vào lúc mặt trời lặn xuống, khi chút ánh sáng hoàng hôn còn lại phía chân trời đang dần tắt và bóng đêm từ từ bao phủ lấy cánh rừng, cú mèo mới bắt đầu xù lông, chớp mắt bay ra khỏi chiếc tổ bọng cây mục nát của nó. Tiếng kêu kỳ quái “hu- huu- huu –uu – uu” của nó vang vọng khắp cánh rừng yên tĩnh, và nó bắt đầu săn mồi là những con rệp, bọ cánh cứng, ếch nhái và chuột là những món khoái khẩu của nó.
Giờ đây cú mèo về già đă trở nên khó tính khó nết hiếm khi vừa ḷng với ai, nhất là khi có ai đó không để cho nó được ngủ yên vào ban ngày. Một buổi chiều mùa hạ nóng bức khi cú đang ngủ gà ngủ gật trong tổ của nó là một bọng cây sồi mục nát, một con châu chấu gần đó vui vẻ ca hát nhưng tiếng hát của nó lại làm cho cú mèo hết sức khó chịu. Thò đầu ra khỏi một cái lỗ của bọng cây mà nó vẫn dùng để làm cửa sổ lẫn cửa ra vào,
“Đi chỗ khác đi ông,” Cú mèo bảo châu chấu. “Ông không biết cách cư xử gì hết à? Ít ra ông cũng phải biết kính trọng tôi già cả và để yên cho tôi được ngủ chứ!”
Nhưng châu chấu ngang ngược trả lời rằng nó có quyền làm gì thì làm ở nhà nó cũng như cú có quyền làm gì thì làm ở nhà cú vậy. Và vậy là nó lại cất giọng cao hơn và tiếp tục hát nghe còn chói tai hơn nữa.
Cú già khôn ngoan từng trải biết rõ rằng cãi nhau với tên châu chấu này, hoặc với bất kỳ ai khác nữa về việc này thì cũng chẳng được gì. Hơn thế nữa, mắt cú cũng đã kèm nhèm không còn nhìn rõ vào ban ngày nên nó cũng không thể trừng trị được châu chấu cho thích đáng với tội của nó. Nghĩ vậy, cú không dùng những lời lẽ hằn học với châu chấu nữa mà quay ra nói ngon nói ngọt với nó.
“Ông nói thế là đúng rồi,” Cú bảo, “giá mà tôi thức được, th́ tôi cũng thu xếp xuống dưới đó hát với ông cho vui. À mà tôi mới nhớ ra, tôi còn ít rượu vang ngon tuyệt vời, từ trời đem xuống đấy, nghe nói thần Apollo dùng để uống mỗi lần trước khi hát cho các vị thần cấp trên nghe. Hãy đến nhấm nháp thử một chút. Tôi chắc chắn ông sẽ hát  hay như thần Apollo vậy.”
Châu chấu ngu ngốc nghe những lời lẽ nịnh hót của cú tưởng thật. Thế là vù một cái, châu chấu liền bay vào tổ cú, và ngay khi vừa mới bay đến chỗ mà cú có thể nhìn rõ được châu chấu, cú liền vồ lấy châu chấu và nuốt chửng.

*Bài học từ câu chuyện :
Chớ tin lời nịnh hót

17-CON CÁO VÀ CÁI BÓNG

Một con cáo tinh thần đang vui vẻ thèm ăn rời hang đi tìm mồi. Khi nó chạy, nắng chiều chiếu xuống trên lưng nó làm bóng nó đổ dài trên mặt đất, nhìn y như là nó cao lớn hơn mọi hôm gấp nhiều lần.
“Ô, xem kìa!” con cáo tự hào la lớn, “mình mới cao lớn làm sao! Sao mình lại phải bỏ chạy mỗi khi thấy thằng sư tử bé nhỏ ấy nhỉ! Mình sẽ cho nó biết ai mới xứng đáng làm vua khu rừng này, nó hay là mình.”
Ngay khi đó, một cái bóng khác khổng lồ bao trùm lấy nó, và trong chớp mắt nó đã té xuống chỉ với một cú đấm của sư tử.

*Bài học từ câu chuyện :
Đừng để trí tưởng tượng của bạn làm bạn quên mất cả sự thực

18-THẦN HERCULES VÀ NGƯỜI ĐÁNH XE

Một anh nông dân đánh xe đi trên một con đường quê lầy lội sau một cơn mưa lớn. Hai con ngựa không thể kéo nổi chiếc xe chở hàng nặng qua khỏi đám bùn sâu, và cuối cùng phải đứng hẳn lại khi bánh xe đã lún đến giữa trục.
Anh nông dân leo xuống và đứng bên cạnh xe nhìn nhưng chẳng làm gì cả để đưa chiếc xe lên. Anh chỉ biết đứng nhìn và nguyền rủa cái số xui xẻo của mình và kêu la xin thần Hercules đến cứu giúp. Bỗng dưng thần Hercules hiện ra thật, nói cùng anh ta rằng:
“Anh hãy đặt vai mình vào bánh xe mà đẩy, rồi thúc ngựa kéo đi. Anh tưởng cứ đứng đó nhìn và than van là anh có thể đưa được chiếc xe ra đó sao? Thần sẽ không giúp anh nếu anh không biết cố gắng tự cứu lấy mình.”
Nghe vậy anh nông dân liền đặt vai vào bánh xe, vừa đẩy vừa thúc cho ngựa kéo, chiếc xe tiến tới một cách dễ dàng, và chẳng bao lâu anh đã có thể vui vẻ dong xe và rút ra được một bài học kinh nghiệm.

*Bài học từ câu chuyện :
Tự cứu mình là tốt nhất.
Trời chỉ cứu những ai biết tự cứu lấy mình.

19-ĐẠI BÀNG VÀ QỤA XÁM

Một con chim Đại Bàng, từ trên cao lao xuống với đôi cánh mạnh mẽ, giương vuốt cắp lấy một chú cừu non và bay tuốt về tổ. Một con quạ xám thấy vậy, nó chợt có ý nghĩ ngu ngốc là nó cũng to khỏe và mạnh mẽ để làm được như Đại Bàng vậy. Thế là vỗ mạnh đôi cánh lao xuống với một tốc độ dữ dội, nó nhanh chóng bấu vào lưng một con cừu đực lớn. Nhưng khi nó bay lên, nó mới thấy mình không thể bay nổi, vì bộ móng của nó đã dính chặt vào lông cừu. Và khi nó vẫn chưa thoát ra khỏi được cừu đực, thì cừu đực đã kịp nhận ra nó.
Người chăn cừu nhìn thấy quạ xám giãy giụa liền lập tức nhận ra sự việc. Ông chạy nhanh tới, bắt quạ và bẻ cánh nó. Chiều đến, ông mang quạ về cho lũ trẻ con chơi.
“Ô con chim gì ngộ quá! Chúng vừa nói vừa cười, “bố gọi nó là con gì thế hả bố?”
“Nó là quạ xám đấy con ạ. Nhưng nếu con mà hỏi nó, thì nó sẽ bảo nó là Đại Bàng.”

*Bài học từ câu chuyện :
Đừng để tính kiêu căng tự phụ của bạn làm bạn đánh giá mình quá cao.

20-ẾCH VÀ BÒ

Môt con bò đi xuống một đầm lầy đầy lau sậy để uống nước. Khi đưa chân xuống ao làm văng nước tung tóe, nó đạp bẹp một con ếch con xuống dưới bùn. Ít lâu sau, khi ếch mẹ nhớ đến ếch con bèn hỏi các ếch anh và ếch chị rằng ếch út đâu rồi.
“Có một con quái vật to lớn,” một con ếch la lên, “ có cái chân to lắm đã dẵm bẹp ếch út của mình rồi!”
"Nó to lắm à! ếch mẹ nói, phồng bụng lên. “Nó có to bằng như thế này không?”
“Ồ không, nó to hơn nhiều!” chúng la lên.
Ếch mẹ phồng bụng lên nữa.
“Làm sao mà nó có thể to hơn như thế này được,” Ếch mẹ bảo. Nhưng lũ ếch nhất mực bảo rằng con quái vật ấy to, to hơn thế rất nhiều và Ếch mẹ cứ thế phồng bụng, phồng bụng lên mãi và rồi cuối cùng, nổ đùng như một chiếc bong bóng.

*Bài học từ câu chuyện :
Đừng cố gắng làm những việc quá sức mình

21-RÙA VÀ VỊT

Rùa đi đến đâu cũng cõng ngôi nhà theo trên lưng. Mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng nó cũng không thể ra được khỏi nhà. Người ta bảo rằng thần Jupiter phạt nó như thế, vì nó là kẻ lười biếng lúc nào cũng nằm ở nhà và đã không chịu đi dự đám cưới của thần, mặc dù thần đã ưu ái mời riêng nó.
Sau nhiều năm, Rùa bắt đầu hối tiếc đã không dự đám cưới đó. Khi nhìn thấy chim chóc ríu rít bay lượn, Thỏ và Sóc cùng mọi loài thú vật khác chạy nhảy tung tăng đây đó, luôn hăng hái khám phá mọi thứ trên đời, Rùa cảm thấy buồn và bất mãn. Nó cũng ao ước được nhìn thấy thế giới, nhưng căn nhà nặng nề cõng trên lưng cùng với đôi chân ngắn nhỏ bé khiến nó không thể đi đâu xa.
Một hôm, nó gặp một đôi Vịt và tâm sự mọi điều đó cho Vịt nghe.
“Chúng tôi sẽ giúp bạn thấy được thế giới,” Vịt bảo. “Hãy cắn chặt cây gậy này, chúng tôi sẽ đưa bạn lên cao để bạn nhìn được tất cả xứ sở. Nhưng nhớ là không được mở miệng, nếu không thì bạn sẽ phải hối hận đấy.”
Rùa hết sức vui mừng. Nó dùng răng cắn chặt lấy cây gậy, đôi Vịt quặp hai đầu cây và đưa nó bay lên cao đến tận mây xanh.
Bỗng dưng có một con Quạ bay ngang. Nó hết sức ngạc nhiên nhìn thấy cảnh tượng đó và la lên:
“Đây chắc đúng là Vua của loài rùa rồi!”
“Sao lại không chắc ------“ Rùa mở miệng nói.
Nhưng ngay khi buông ra những lời ngu ngốc đó thì cậy gậy tuột ra khỏi miệng nó, rùa liền rõi xuống đất, đụng phải đá và tan ra từng mảnh.

*Bài học từ câu chuyện :
Tính tò mò  và kiêu căng ngu ngốc mang đến điều bất hạnh

22-CÁO VÀ DÊ CON 

Ngày xưa có một chú dê con đang nhú sừng nghĩ rằng mình đã lớn và có thể tự lo cho mình được. Thế nên vào một buổi chiều, khi đàn dê từ đồng cỏ bắt đầu quay về chuồng thì dê mẹ gọi, nhưng dê con chẳng thèm nghe và cứ kiếm cỏ non gặm tiếp. Lát sau, khi nó ngẩng đầu lên thì đàn dê đã về hết.
Nó chỉ còn lại một mình. Mặt trời đang lặn xuống. Các bóng cây đổ dài trên mặt đất. Một cơn gió nhẹ lạnh run lướt qua đồng cỏ rít lên những tiếng động đáng sợ. Dê con rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến tên Cáo khủng khiếp. Nó bắt đầu chạy lung tung khắp cánh đồng, kêu be be mẹ ơi mẹ. Nhưng mới được một tí, tên Cáo bỗng xuất hiện, gần một bụi cây!
Dê con biết là mình chẳng còn nhiều hy vọng gì nữa.
“Cháu xin ông, ông Cáo,” dê con run rẩy nói, “cháu biết là ông sẽ ăn thịt cháu. Nhưng trước khi ăn, xin ông hãy thổi kèn lên giúp cháu, vì cháu muốn được nhảy múa cho vui vẻ trước khi chết.”
Cáo thấy trước khi ăn được nghe nhạc chút ít cũng thích thú, nên nó liền lấy kèn thổi cho Dê Con nhảy múa tưng bừng.
Trong lúc đó, đàn dê đang trên đường từ từ trở về chuồng. Trong buổi chiều im ắng tiếng kèn của Cáo được gió thổi đi xa. Mấy chú chó chăn dê vểnh tai lắng nghe. Chúng liền nhận ra bài Cáo vẫn thường hát trước khi ăn, chỉ một thoáng, chúng đã phóng như bay trở lại cánh đồng cỏ.  Cáo đột ngột ngừng thổi, và bỏ chạy, nhưng không còn kịp nữa vì lũ chó đã đến gần, nó bèn trách mình sao ngu ngốc đi thổi kèn để làm vui lòng dê, thay vì cứ để tâm đến cái công việc sát sinh của mình.

*Bài học từ câu chuyện :
Đừng bao giờ để bất cứ việc gì gây sao nhãng mục tiêu chính của mình

23-NGƯỜI NÔ LỆ AN DU 

Ngày xưa, có một người nô lệ tên là An Du một hôm trốn thoát khỏi nhà chủ và đi vào rừng. Đang khi lang thang trong rừng, anh ta gặp một con sư tử đang nằm rên hừ hừ. Thoạt đầu, anh ta quay đầu bỏ chạy nhưng sau đó, thấy con sư tử không đuổi theo, anh ta quay trở lại và đi đến gần chỗ nó. Khi anh ta tiến lại gần, con sư tử đưa chân ra, bàn chân sưng phồng và rướm máu. An Du thấy có một cái gai to găm vào và nó chính là nguyên nhân gây ra đau đớn cho sư tử. Anh lấy cái gai ra và băng lại vết thương cho sư tử. Chẳng mấy chốc, sư tử đã có thể đứng dậy được và liếm tay An Du như một con chó trung thành liếm tay chủ. Sư tử dẫn An Du về hang và  hàng ngày săn mồi kiếm thịt về cho anh ăn. Nhưng chẳng bao lâu, cả sư tử và An Du đều bị bắt và anh nô lệ này bị kết án làm mồi cho sư tử ăn, sau khi sư tử đã bị bỏ đói nhiều ngày. Tên bạo chúa và triều thần của y đến để xem trò ngoạn mục này. Một lát sau, sư tử được thả ra và gầm lên, phóng mình về phía nạn nhân của nó. Nhưng ngay khi lại gần An Du, nó liền nhận ra người bạn của mình và vẫy đuôi mừng, liếm tay anh thân thiết như chó liếm tay chủ. Tên bạo chúa kinh ngạc và cho gọi An Du đến hỏi. Anh ta kể lại toàn bộ câu chuyện. Sau đó, An Du được tên bạo chúa thả ra và trả lại tự do còn sư tử thì được thả trở lại về rừng.

*Bài học từ câu chuyện :
Lòng biết ơn chỉ thể hiện nơi những tâm hồn cao thượng


24-LÒNG THAM VÀ THÓI GANH GHÉT

Hai người hàng xóm đi đến thần Jupiter và cầu xin thần ban cho họ điều họ mong ước. Người thứ nhất lòng đầy tham lam, người thứ hai lòng chỉ toàn sự ganh ghét. Vì vậy, để trừng trị cả hai, thần liền ban cho họ rằng mỗi người sẽ có được điều mình muốn, nhưng với điều kiện là người kia sẽ có được gấp đôi của mình. Người tham lam bèn ước rằng mình có được một căn phòng đầy ắp vàng. Chưa kịp  nói xong thì đã có, nhưng nỗi vui mừng của hắn lại trở thành đau khổ vì người kia lại được những hai căn phòng đầy ắp kim loại quí giá. Rồi đến lượt người ganh ghét, tên này không thể chịu nổi một tí nào khi tên kia có sự vui mừng. Nên nó cầu xin cho nó được mất một mắt, và như thế thì tên kia sẽ hoàn toàn bị mù lòa

*Bài học từ câu chuyện :
Thói xấu của mình trừng phạt chính mình

25-ĐEO CHUÔNG CHO MÈO 

 Ngày xưa, loài chuột có cả một tổng hội đồng để họp bàn các phương án có thể sử dụng để đối phó với kẻ thù chung, là mèo. Con thì nói thế này, con thì nói thế kia, nhưng cuối cùng một con chuột nhắt đứng dậy và bảo nó có một đề nghị mà nó cho là phù hợp. “Các bạn sẽ đồng ý ngay,” nó bảo, “mối nguy hiểm chính của chúng ta nằm ở cái sự kín đáo gian manh của kẻ thù khi nó tiếp cận chúng ta. Bây giờ, nếu chúng ta có được một tín hiệu gì đó báo cho chúng ta biết khi nó đến, chúng ta sẽ dễ dàng chạy thoát nó. Vì vậy, tôi mạo muội hiến kế là, chúng ta sẽ tìm một cái chuông nhỏ, gắn vào một cái dây đeo quanh cổ con mèo. Bằng cách này, khi nào nó đi đâu chúng ta cũng sẽ biết, và dễ dàng lẩn trốn khi nó đến gần.”
Lời đề nghị này được nhiệt liệt tán dương, cho đến một lúc sau, một con chuột già đứng dậy và nói:”tốt lắm, thế nhưng ai sẽ là người đeo chuông cho mèo đây?”. Lũ chuột cứ con này nhìn con kia không con nào nói gì. Thấy vậy, chuột già liền bảo :

*Bài học từ câu chuyện :
Nói thì bao giờ cũng dễ nhưng làm thì  mới khó

26-CHIM , THÚ VÀ DƠI 

 Loài chim khai chiến với loài thú, và mỗi bên lần lượt giành ưu thế. Một con dơi, lo sợ tai vạ trong cuộc chiến, luôn đứng về bên nào mà nó cho là đang mạnh. Khi hòa bình được công bố, cả hai đối thủ đều nhận thức rõ về hành vi lừa lọc của dơi và đều kết án dơi về tội danh lừa gạt, nó bị cấm không được ló mặt vào ban ngày, vì vậy phải ẩn mình  vào những nơi tăm tối, luôn đi một mình vào ban đêm mà thôi.

*Bài học từ câu chuyện :
Kẻ luôn làm vừa lòng tất cả mọi người thì sẽ không bao giờ có bạn

 27-SƯ TỬ , THẦN JUPITER VÀ VOI

 Sư tử thường xuyên than phiền với thần Jupiter : “ Thật vậy, thưa ngài Jupiter”. Y nói :”sức mạnh của tôi phi thường, hình hài tôi đẹp đẽ, tôi tấn công rất mạnh mẽ. Tôi có đôi hàm đầy những răng, chân tôi đầy móng vuốt nhọn và tôi là chúa tể mọi loài thú vật trong rừng này. Nhưng có một điều nhục nhã thay, tiếng gáy của một con gà trống lại làm tôi sợ hãi. Jupiter trả lời: “ Sao ngươi lại trách ta vô lý như vậy? Ta đã ban cho ngươi đủ thứ mà ta có. Lòng can đảm của ngươi chỉ rời xa  ngươi trong mỗi tình huống như vậy mà ngươi cũng kêu ca sao?”. Khi nghe Jupiter nói thế, sư tử vẫn cứ làu bàu và than van, tự trách mình hèn nhát, nó chỉ mong chết đi cho xong. Đang khi những ý nghĩ ấy xâm lấn vào trong đầu thì nó bỗng gặp một con voi và tiến lại gần để bắt chuyện. Sau đó một lúc, nó bỗng để ý thấy con voi cứ thường xuyên vảy tai. Nó hỏi voi có chuyện gì thế và làm sao lại cứ thỉnh thoảng lại phải rung tai lên như vậy. Ngay lúc đó, một con muỗi mắt bay đến và đậu trên đầu voi. Voi trả lời:” ngươi có thấy cái con côn trùng bé tí bay vù vù này không?. nếu chẳng may mà nó chui vào lỗ tai ta thì ta hết kiếp, ta sẽ chết ngay lập tức”. sư tử nghĩ :” thôi thế cũng được, một con vật to lớn thế kia mà còn sợ một con muỗi mắt bé tí thì mình cũng chẳng than van nữa làm gì mà cũng chẳng cần phải chết nữa. Mình thấy đấy, cứ như mình đây thì cũng còn giỏi hơn cái con voi kia nhiều”.

*Bài học từ câu chuyện :
Không ai có thể là kẻ mạnh nhất

28-KIẾN VÀ SÂU BƯỚM 

 Một con kiến lanh lợi chạy tới chạy lui dưới ánh nắng để kiếm ăn đi ngang qua chỗ một con sâu đang sắp đến thời kỳ lột xác. Sâu ngoe nguẩy đuôi làm con kiến chú ý, đây cũng là  lần đầu tiên kiến thấy một con sâu sống động như vậy. “ôi thật tội nghiệp. con vật đáng thương!” kiến la lên với cái giọng của kẻ bề trên. “thật đáng buồn cho thân phận của ngươi!. Trong khi ta có thể chạy tới chạy lui tùy thích, và nếu ta muốn, ta có thể leo lên một cái cây cao nhất. còn ngươi thì cứ nằm chết gí ở đây trong cái vỏ của mình, chỉ đủ sức để cựa quậy được một vài đốt của cái đuôi toàn là vảy của ngươi”. Sâu nghe thấy hết, nhưng chẳng muốn trả lời gì cả. Một vài ngày sau, khi con kiến đi ngang qua đó lần nữa, nó chẳng trông thấy gì ngoại trừ một cái vỏ rỗng không. Kiến đang thắc mắc tự hỏi không biết cái phần trong của con sâu đã biến thành gì rồi thì bỗng nhiên, kiến thấy một đôi cánh rực rỡ tuyệt đẹp của một con bướm bay ngang, che tối cả một vùng và quạt vù vù trên đầu mình. “nhìn ta này !” bướm kêu lên :” ngườibạn đáng thương của ngươi đây ! Nào, bây giờ hãy khoe khoang về sức mạnh của ngươi giúp ngươi có thể chạy và leo trèo miễn là ngươi có thể bắt được ta phải nghe”. Nói vậy, bướm bay vọt lên không, lượn ngang lượn dọc trong cơn gió nhẹ nhàng của mùa hạ, rồi sau đó mất hút trong tầm mắt của chàng kiến.

*Bài học từ câu chuyện :
 Hình thức bên ngoài chỉ là giả tạo

29-KIẾN VÀ CHIM BỒ CÂU 

 Một con kiến đi đến bờ sông để thoả mãn cơn khát của mình bị trượt chân xuống dòng nước xiết và bị cuốn trôi, đang lúc sắp bị chết đuối  thì một con chim bồ câu đang đậu  trên một cành cây vươn ra trên mặt nước nhìn thấy bèn mổ lấy một chiếc lá và thả xuống dưới dòng nước cho trôi theo. Con kiến bèn leo lên chiếc lá và trôi dạt an toàn vào bờ. Ít lâu sau, một kẻ săn chim đứng dưới gốc cây, đặt một cái bẫy lên cành để bắt chim, kiến nhìn thấy và bỗng nhận ra ý đồ của hắn ta, liền cắn vào chân hắn. Kẻ săn chim đau quá đánh rõi chiếc bẫy gây ra tiếng động làm chim biết và bay đi mất.

*Bài học từ câu chuyện :
Ở hiền gặp lành, làm ơn lại được trả ơn

 30-KIẾN VÀ CHÂU CHẤU 

 Trên cánh đồng nọ vào một ngày mùa hạ, có một con châu chấu đang nhảy nhót, chíp miệng và ca hát cho thoả thích trong lòng. Một con kiến đi ngang qua, mệt nhọc kéo lê một mẩu bắp về tổ của mình.
“lại đây nói chuyện với tớ cho vui “ Châu chấu nói với kiến : “sao mà lại cứ phải lao động cật lực vất vả như vậy?”
“tôi đang cố gắng tìm và tích trữ lương thực cho mùa đông sắp đến” Kiến nói:” tôi nghĩ anh cũng nên làm như vậy”
“sao lại phải bận tâm đến mùa đông làm gì?” châu chấu bảo kiến: “ bây giờ chúng ta đang có thừa mứa thức ăn”. Nhưng con kiến vẫn đi và tiếp tục công việc vất vả của mình. Mùa đông đến, châu chấu chẳng còn gì để ăn và cảm thấy sắp chết vì đói. Nó nhìn thấy kiến đang đứng bán bắp và ngũ cốc mà kiến vẫn thu nhặt được hàng ngày khi còn mùa hạ. bấy giờ châu chấu mới biết :

*Bài học từ câu chuyện :
Phải chuẩn bị sẵn sàng những gì cho những ngày mà chúng ta sẽ cần đến




Nguồn :  https://sites.google.com/site/ngungonaesop/


 ------------------------------------------------------------------------------------------- 

 Khoa học là một điều tuyệt vời khi không phải dùng nó để kiếm sống. 

 Albert Einstein .

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Cám ơn lời bình luận của các bạn .
Tôi sẽ xem và trả lời ngay khi có thể .


I will review and respond to your comments as soon as possible.,
Thank you .

Trần hồng Cơ .
Co.H.Tran
MMPC-VN
cohtran@mail.com
https://plus.google.com/+HongCoTranMMPC-VN/about

*******

Blog Toán Cơ trích đăng các thông tin khoa học tự nhiên của tác giả và nhiều nguồn tham khảo trên Internet .
Blog cũng là nơi chia sẻ các suy nghĩ , ý tưởng về nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau .


Chia xẻ

Bài viết được xem nhiều trong tuần

CÁC BÀI VIẾT MỚI VỀ CHỦ ĐỀ TOÁN HỌC

Danh sách Blog

Gặp Cơ tại Researchgate.net

Co Tran