Chương II-Kho tàng truyện ngụ ngôn Aesop
Mỗi câu truyện là một lời răn dạy
Nguồn : https://sites.google.com/site/ngungonaesop/chii
1-Hiệp sĩ hói đầu
Một hiệp sĩ hói đầu, đội một bộ tóc giả, vào rừng đi săn. Thình lình, một cơn gió mạnh thổi bay cả nón và tóc, liền theo đó là tiếng cười vang của đám bạn bè vọng tới. Ông dừng ngựa lại, vẻ mặt hân hoan và cũng tham gia đùa, “chẳng có gì đáng ngạc nhiên tóc ơi, mày mọc trên đầu chủ mày mà mày còn bỏ đi được thì huống gì là tao?”
*Bài học từ câu chuyện :
Niềm kiêu hãnh to lớn đè bẹp nỗi tủi nhục bé nhỏ
Đừng lo buồn về chuyện bị chê cười .
2-Lão Hói Và Con Ruồi
Một con ruồi đậu và cắm cái vòi của nó trên trán của một người hói đầu. Bực mình, lão liền giơ tay đập cho nó một cái thật mạnh. Bay thoát được, ruồi liền nhạo báng, “Ngươi muốn trả thù ta sao? Ngươi muốn ta chết luôn sao chỉ vì cái chích của một con côn trùng tí teo? đấy xem ngươi đã làm cái gì cho ngươi, vừa đau lại vừa nhục. Lão hói trả lời, “ tao đánh tao chẳng đau, vì tao biết mình chẳng có ý định đánh mình. Nhưng mà mày, đồ côn trùng kinh tởm đáng ghét thích hút máu người, giá mà tao đập chết được mày thì có đau hơn thế tao cũng chịu.”
*Bài học từ câu chuyện :
Gậy ông đập lưng ông
3-Lão Hói Và Con Ruồi
Một hôm, vào một ngày mùa hè nóng nực, một người hói đầu làm việc xong ngồi nghỉ. Một con ruồi bay đến và vo vo trên cái đầu hói của ông, thỉnh thoảng lại chích một cái. Lão hói cong tay đầm mạnh một cái vào kẻ thù bé nhỏ của mình, nhưng cú đấm lại đi thẳng vào đầu lão, con ruồi lại tiếp tục quấy rối lão, nhưng lần này, lão hói khôn ngoan hơn và tự bảo:
Mình sẽ chỉ tự hại mình nếu mình cứ để tâm đến những kẻ thù nhỏ mọn
*Bài học từ câu chuyện :
Mình sẽ chỉ tự hại mình nếu mình cứ để tâm đến những kẻ thù nhỏ mọn
4-Dơi và Chồn
Một con dơi té xuống đất bị một con chồn bắt được cầu khẩn chồn xin tha mạng. Con chồn từ chối, nói rằng nó là kẻ thù của mọi loài chim. Dơi cam đoan với chồn là mình không phải là chim, mà là chuột, và được chồn thả ra. Chẳng bao lâu sau đó, dơi bị té rõi xuống đất lần nữa và bị một con chồn khác bắt được. Dơi cũng van xin chồn đừng ăn thịt mình. Chồn bảo rằng chồn cực kỳ căm ghét chuột. Dơi cam đoan với chồn là mình không phải là chuột, mà là dơi, và thoát chết lần thứ hai.
*Bài học từ câu chuyện :
Khôn ngoan phải biết xoay chuyển tình thế
Gió chiều nào che chiều nấy
5-Dơi, chim và họ nhà thú
Họ hàng các loài chim chóc và họ hàng các loài thú cãi vã nhau kịch liệt. Khi hai bên dàn quân chuẩn bị đánh nhau, dơi lưỡng lự chẳng biết theo bên nào. Lũ chim bay ngang chỗ dơi đậu và bảo: “Theo chúng ta, “ nhưng dơi bảo:” tôi là thú vật”. Sau đó, lũ thú vật đi ngang phía dưới chân dơi nhìn lên và bảo:”theo chúng ta”, nhưng dơi lại bảo :” tôi là chim mà.”. May thay, cuối cùng hai bên cũng dàn hòa, và không có đánh nhau, nên dơi đến với lũ chim và bảo muốn tham gia ăn mừng, nhưng tất cả lũ chim quay ra đuổi dơi khiến dơi phải bay đi. Dơi bèn đến với đám thú vật, nhưng thú vật cũng chẳng niềm nở tiếp đón, may là chúng cũng chưa thèm xé xác dơi ra. “à”. Dơi bảo, “ A! Ta hiểu ra rồi”.
*Bài học từ câu chuyện :
Kẻ hai mặt chẳng bao giờ có bạn
6-Gấu và cáo
Một con gấu khoác lác là mình rất nhân hậu, nó bảo là nó có lòng bác ái, nhất là đối với người, nó xem trọng người đến mức nó chẳng bao giờ đụng đến xác người chết. Một con cáo nghe được liền cười mỉa và bảo gấu rằng, “Ồ, nghĩa là ngươi chỉ ăn thịt người sống thôi chứ người chết thì không ăn, phải không nào?”
*Bài học từ câu chuyện :
Đạo đức giả
Khẩu phật tâm xà
7-Gấu và hai người du khách
Có hai người du khách đang đi với nhau trong rừng thì thình lình gặp một con gấu ra chặn đường. Một người nhanh chân leo lên một cây cao ẩn mình trên những cành cây đó. Người còn lại, thấy là thế nào mình cũng bị tấn công, liền nằm lăn ra đất, khi gấu lại gần và dí mõm vào anh ta ngửi khắp người, anh ta nín thở và giả bộ như đã chết thực sự. Chẳng bao lâu, con gấu bỏ đi, vì người ta bảo rằng, gấu không bao giờ đụng đến xác chết. Khi con gấu đã đi khỏi, người ở trên cây leo xuống, và đùa cợt hỏi thăm người bạn mình là gấu đã thầm thì điều gì vào tai anh thế. “Nó khuyên tôi,” người bạn trả lời, “Đừng bao giờ đi với một người bạn bỏ mình khi gặp nguy hiểm.”
*Bài học từ câu chuyện :
Khi gặp gian nan mới thấu rõ tình bạn
8-Ong và thần Jupiter
*Bài học từ câu chuyện :
Gieo nhân nào gặt quả nấy
Chơi dao sẽ chết vì dao
9-Bụng và các bộ phận khác của cơ thể
Vào một ngày đẹp trời, các bộ phận của cơ thể bỗng nghĩ ra rằng chúng phải làm tất cả mọi việc trong khi cái bụng chẳng làm gi mà lại được ăn hết mọi thứ. Vì vậy, chúng tổ chức một buổi họp, và sau một hồi bàn luận, liền quyết định đình công cho đến khi nào bụng cũng phải chịu gánh một phần công việc. Thế là khoảng một hai ngày sau, tay từ chối không lấy thức ăn nữa, miệng không chịu mở ra cho thức ăn vào, và răng chẳng có gì để nhai. Thế nhưng vài ngày sau nữa, các bộ phận cơ thể bỗng thấy mình không còn mạnh mẽ: Tay không cử động nổi, miệng khô ran, chân không đứng nổi. Vì thế chúng mới nghĩ ra rằng cái bụng tuy âm thầm nhưng lại làm các việc rất cần thiết cho cả cơ thể và mọi bộ phận đều phải làm việc cùng với nhau không thì cơ thể mới tồn tại khỏe mạnh được.
*Bài học từ câu chuyện :
Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết
10-Người săn chim, gà gô và gà trống
Một người săn chim vừa chuẩn bị ngồi vào bàn ăn bữa chiều đạm bạc chỉ toàn rau thì bỗng dưng một người bạn của anh ta đến. Bẫy thì trống rỗng chẳng có con gì, thế nên anh ta buộc phải giết con gà gô sọc đen trắng mà anh ta đã huấn luyện làm chim mồi để làm bữa. Gà gô khẩn khoản xin tha mạng:” Ông sẽ làm gì nếu không có tôi mỗi khi ông giăng lưới?. Ai sẽ hót để ru ông ngủ? Ai sẽ gọi ông mỗi khi lũ gà gô vào lưới. Người săn chim liền tha cho nó, và quyết bắt một con gà trống vừa mới trổ mào để làm thịt. Nhưng gà trống đứng đó thảm thiết phân trần:”nếu ông giết tôi, ai sẽ báo cho ông biết bình minh đến? ai sẽ đánh thức ông dậy để làm việc mỗi ngày hoặc lúc nào là lúc phải đi thăm bẫy vào buổi sáng? Anh ta trả lời, “Mày nói đúng lắm. Mày là loài chim rất cừ về việc báo giờ. Nhưng mà tao với bạn tao đây phải có gì để ăn chiều bây giờ chứ?”
*Bài học từ câu chuyện :
Khi cần thì phải xác định việc nào là quan trọng hơn
11-Sói cái và lũ sói con
Một con sói cái, sắp đẻ con, khẩn khoản nài xin người chăn cừu một chỗ để nằm đẻ. Khi đã xin được chỗ đẻ, nó lại xin phép được nuôi con luôn tại chỗ. Người chăn cừu cũng đồng ý cho. Nhưng cuối cùng, khi có lũ sói con đã khôn lớn bảo vệ, sói cái trở mặt giành luôn chỗ và không cho cả người chăn cừu được phép đến.
*Bài học từ câu chuyện :
Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà
12-Người mù và sói con
Một người mù quen phân biệt các con vật khác nhau bằng cách dùng tay rờ. Người ta đưa đến cho ông một con sói con và bảo ông rờ và nói xem nó là con gì. Ông rờ nó, nghi ngờ, và nói rằng:” tôi không biết rõ nó là sói con hay cáo con, nhưng tôi biết rõ điều này : cho nó vào chuồng cừu thì chẳng an toàn đâu.”
*Bài học từ câu chuyện :
Bản chất độc ác thể hiện ngay từ thời ấu thơ
13-Thợ săn và sư tử
Một người thợ săn giỏi tài cung tên vào núi đi săn để tìm vui, nhưng mọi thú rừng thấy anh ta đến đều lẩn trốn. Chỉ mình sư tử là dám thách thức anh ta đánh nhau. Người thợ săn lập tức bắn một mũi tên và nói với sư tử:” ta gởi đến ngươi sứ giả của ta để ngươi được nếm mùi”. Con sư tử bị thương sợ hãi bỏ chạy mất, và khi gặp cáo – kẻ đã chứng kiến từ đầu đến cuối , bảo nó là hãy can đảm lên và đừng bỏ cuộc ngay khi mới bị tấn công phủ đầu – Nó bèn trả lời : “Mày khuyên tao vô ích, vì nó gởi đến một sứ giả đáng sợ như vậy, thì làm sao tao chịu nổi khi nó trực tiếp tấn công tao?”
*Bài học từ câu chuyện :
Hãy đề phòng những người đánh từ xa
14-Thằng bé lấy hạt phỉ
Một thằng bé thò tay vào một cái bình đầy hạt phỉ. Nó nắm một nắm thật to, nhưng khi nó rút tay ra thì bị kẹt lại ở cái cổ bình. Không muốn bỏ lại một hạt phỉ nào, nhưng vẫn muốn rút tay ra, nó bật khóc và cay đắng than van về nỗi thất vọng của mình. Một người đứng xem nói với nó:”lấy một nửa nắm thôi, thì mày mới rút tay ra được.”
*Bài học từ câu chuyện :
Chớ quá tham lam
15-Thằng bé và cây cỏ gai
Một thằng bé bị cỏ gai đâm. Nó chạy về nhà và kể với mẹ:” con chỉ rờ nhẹ nó thôi mà nó chích con đau lắm.” “Vậy nó mới chích con đau đấy.” Mẹ bảo “Lần sau con rờ nó, phải nắm chắc lấy nó, con sẽ thấy nó sẽ mềm như bông và sẽ ít bị nó chích đau nhất.”
*Bài học từ câu chuyện :
Làm gì thì cũng nên làm đúng cách
16-Thằng bé tắm sông
Một thằng bé tắm trên một dòng sông đang sắp bị chết đuối. Thấy một người đi ngang qua, nó liền kêu cứu, nhưng thay vì chìa tay giúp đỡ, lão ta thản nhiên đứng và la mắng thằng bé cẩu thả. “Ồ, ông ơi!” thằng bé la lên,” cứu cháu đã rồi hãy la mắng cháu sau”.
*Bài học từ câu chuyện :
Răn dạy mà không lo cứu giúp thì cũng vô ích
17-Thằng bé bắt châu chấu
Một thằng bé đi bắt châu chấu. Nó bắt được khá nhiều rồi thì bỗng nó thấy một con bò cạp, nó tưởng là châu chấu liền thò tay ra bắt. Con bò cạp, ngỏng đuôi giơ ngòi lên, nói: “vừa rồi mày mà đụng đến tao, thì mày không những không được tao mà còn mất cả đám châu chấu của mày nữa rồi đấy!”
*Bài học từ câu chuyện :
Không cẩn thận nhiều khi mất cả chì lẫn chài
18-Bọn nhỏ và lũ ếch
Mấy đứa nhỏ, đang chơi gần một cái ao, nhìn thấy mấy con ếch liền bắt đầu liệng đá tới tấp vào lũ ếch. Khi chúng đã ném chết nhiều con thì bỗng một con, cất đầu lên khỏi mặt nước và la lớn:” thôi các cậu ơi: trò chơi của các cậu là cái chết của chúng tôi đấy.”
*Bài học từ câu chuyện :
Niềm vui của người này có thể là nỗi đau cho người khác
19-Người thợ rèn và con chó
Một người thợ rèn có một con chó nhỏ, rất được chủ cưng chiều và luôn bầu bạn cùng ông. Khi ông đang quai búa rèn những thanh kim loại thì con chó nằm ngủ, nhưng khi ông vào bàn và chuẩn bị ăn thì con chó thức dậy và vẫy đuôi như thể nó muốn cùng được ăn với ông vậy. Một hôm, giả vờ nổi giận và vung cây gậy lên dọa nó, ông nói,” đồ oắt con khốn kiếp lười nhác! Mày muốn gì? Lúc tao đang ra sức quai búa trên đe, mày ra thảm nằm ngủ, và sau khi tao lao động cật lực vừa ngồi vào bàn ăn, mày lại thức dậy và vẫy đuôi xin ăn. Mày phải biết là có lao động thì mới làm ra được mọi thứ để mà hưởng thụ, và chỉ những người có làm thì mới có ăn chứ”
*Bài học từ câu chuyện :
Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa, sang đâu đến kẻ say sưa suốt ngày
20-Hai anh em
Một người cha có một đứa con trai và một đứa gái, đứa con trai thì đẹp mã, còn đứa con gái thì cực kỳ xấu xí. Lúc còn nhỏ, khi đang chơi với nhau, chúng tình cờ nhìn vào một cái gương để trên cái ghế của mẹ. Đứa trai hớn hở khen mình đẹp, đứa gái nổi giận và không chịu nổi cái lối kiêu căng của anh mình. Nghe anh khen anh thì nghĩ là anh cố tình chê mình xấu (nó đâu biết làm gì khác hơn?). Đứa gái chạy lại mách bố để bố trị tội anh, nó nói rằng anh đã lấy hết cái phần đẹp mà lẽ ra chỉ nên dành cho con gái là nó. Người bố ôm cả hai đứa, hôn và âu yếm cả hai đứa và bảo,”bố muốn là cả hai con mỗi ngày đều phải nhìn vào gương. Con, là con trai, con có thể sẽ bị xấu đi vì những thói hư tật xấu, và con, con gái của bố, con có thể làm cho mình đẹp hơn bằng chính đức hạnh của mình.
*Bài học từ câu chuyện :
Cái nết đánh chết cái đẹp
21-Anh hề và người nông dân
Một hôm, một nhà quí tộc giàu có khai trương nhà hát của ông ta và cho mọi người được vào xem mà không phải mua vé, ông dán bảng thông báo với công chúng rằng ông ta sẽ thưởng hậu hĩnh cho bất cứ ai mang đến một trò vui nào đó trong dịp này. Trong đám đông dân chúng có rất nhiều người đến tham dự để mong giành giải. Trong số đó có một anh hề rất nổi tiếng về những trò gây cười của mình, và nói rằng, anh ta có một trò tếu chưa bao giờ xuất hiện trên sàn diễn. Tuyên bố này làm mọi người xôn xao, và nhà hát chật ních không còn chỗ trống. Anh hề xuất hiện một mình trên sàn diễn, không một dụng cụ mà cũng không có người nào khác đồng diễn, và khán giả nín thở chờ đợi. Anh ta thình lình cúi gập đầu xuống đến ngực và bắt chước tiếng lợn con kêu ủn ỉn cực kỳ hay, đến độ khán giả kêu lên đúng là anh ta có một con lợn giấu trong áo khoác, và yêu cầu anh bỏ nó ra. Khi anh ta cởi áo khoác ra thì chẳng thấy gì cả, khán giả reo hò cổ vũ và tán thưởng anh ta bằng hàng loạt tràng pháo tay. Một anh nhà quê trong đám đông, đứng xem từ đầu đến cuối, nói rằng,”Xin thần Hercules giúp, anh ta không thể hơn tôi cái trò này đâu!” và lập tức tuyên bố rằng hôm sau anh ta cũng sẽ trình diễn như vậy, và còn hay hơn cả anh hề nữa. Ngày hôm sau, khán giả chen chúc trong rạp còn đông hơn cả hôm trước, nhưng nói chung, do cái tâm lý thiên vị người tài năng,họ vẫn cho là anh hề giỏi hơn, nên họ quay ra giễu cợt anh nông dân thay vì xem anh ta biểu diễn. Cả hai người xuất hiện trên sàn. Anh hề khụt khịt và ủn ỉn trước, và nhận được, như ngày hôm trước, những tràng phào tay và reo hò tán thưởng của người xem. Tiếp đó, người nông dân bước ra, và giả như đang giấu một con lợn trong áo ( nhưng anh ta có giấu thực, mà khán giả lại không ngờ). Anh ta ôm nó trong lòng và nhéo tai để nó kêu. Khán giả, tuy thế, lại đồng thanh la lên rằng anh hề làm giống hơn nhiều, và gào lên bảo anh nhà quê xéo xuống. Nghe vậy, anh nhà quê liền thò con lợn ra khỏi áo để mọi người xem chứng cớ rành rành về cái sai lầm lớn của họ. “Xem đây,” anh ta nói, “ cái này sẽ cho quí vị thấy cái tài đoán xét của quí vị.”
*Bài học từ câu chuyện :
Thành kiến là một não trạng đôi khi còn tồi tệ hơn cả sự ngu dốt
22-Bò và bê
Một con bò đực đang cố hết sức co mình để đi qua một lối hẹp đến chuồng. Một chú bê nhỏ chạy lại, và bảo để nó đi trước dẫn đường cho bò đi thì mới vào được chuồng. “Thôi chú nhóc khỏi mất công,” bò đực nói,” Tao biết cái lối ấy từ lâu rồi, lúc mày còn chưa ra đời nữa đấy con à.”
*Bài học từ câu chuyện :
Trứng khôn hơn vịt
23-Bò và dê
Một con bò đực, vừa thoát khỏi tay sư tử, chạy vào ẩn mình trong một cái hang mà một vài người chăn dê đã chiếm. Vừa khi nó chạy vào, một con dê đực còn lại trong hang dùng sừng tấn công bò. Bò nhẹ nhàng nói với dê: “Cứ cố mà húc đi. Tao chẳng sợ mày đâu, tao chỉ sợ sư tử thôi. Cứ để cái con quái vật sư tử ấy đi khỏi rồi tao sẽ cho mày biết thế nào là sức mạnh của dê và sức mạnh của bò.
*Bài học từ câu chuyện :
Vị ông thần nể cây đa
24-Bò, sư tử con và người thợ săn heo rừng
Một con bò đực thấy một chú sư tử con đang nằm ngủ liền dùng sừng húc chết. Sư tử mẹ chạy lại, khóc lóc thảm thiết trước cái chết của con. Một người săn heo rừng, thấy sư tử mẹ đau buồn, đứng ở đằng xa và nói với nó, “Nghĩ thử xem đã có bao nhiêu người than khóc vì mất con, những người có con đã bị ngươi giết chết.”
*Bài học từ câu chuyện :
Phải đặt mình vào vị trí của người khác mới hiểu được tâm trạng của họ
25-Bó đũa
Một cụ già sắp chết kêu các con lại để nói lời trăn trối. Ông sai người hầu mang đến một bó đũa, và nói với người con cả:”Con bẻ đi.” Anh con cả cố hết sức bẻ nhiều lần mà vẫn không bẻ được bó đũa. Các người con kế tiếp cũng thử, nhưng cũng chẳng ai bẻ được. “Tháo bó đũa ra”. Người cha bảo, “và mỗi con cầm một chiếc.” Khi mỗi người đã lấy một chiếc, ông liền bảo họ:”rồi, bẻ đi” và mỗi người bẻ được chiếc đũa của mình dễ dàng. “Các con hiểu ý của cha rồi đấy.” Người cha nói.
*Bài học từ câu chuyện :
Đoàn kết gây sức mạnh
hoặc
Đoàn kết thì sống
Chia rẽ thì chết
26-Chim trong lồng và dơi
Một con chim hay hót bị nhốt trong một cái lồng treo ngoài cửa sổ, và có thói quen chỉ hót vào ban đêm khi tất cả các loài chim khác đã ngủ. Một đêm, một con dơi bay đến treo mình vào lồng, và hỏi chim tại sao ban ngày lại im lặng rồi đến đêm mới hót. “Có lần, tôi đang hót vào ban ngày thì một người săn chim nghe thấy và đặt bẫy gài tôi và bắt được tôi. Kể từ khi ấy, tôi không bao giờ hót nữa trừ phi là ban đêm.” Nhưng dơi đáp lại, “Bạn làm vậy cũng vô ích thôi khi bạn đã vào lồng. Giá mà bạn làm thế trước khi bị bắt thì có lẽ giờ đây bạn vẫn được tự do”
*Bài học từ câu chuyện :
Mất bò mới lo làm chuồng
27-Lạc đà
Lần đầu tiên khi con người thấy lạc đà, anh ta quá sợ hãi vì thấy con vật to lớn nên bỏ chạy. Một lúc sau, biết được con vật rất hiền lành và ngoan ngoãn, anh ta thu hết can đảm tiến lại gần nó. Chẳng bao lâu sau, thấy nó chỉ là con vật mà lại kém trí khôn, anh ta đã đủ bạo dạn cột dây vào mõm nó, và giao cho một đứa trẻ chăn dắt.
*Bài học từ câu chuyện :
Hãy can đảm vượt qua nỗi sợ hãi
28-Lạc đà và người chủ xứ A rập
Một người chủ lạc đà xứ A rập, sau khi chất hàng lên lưng con lạc đà, hỏi nó xem nó thích gì nhất, đi lên đồi hay xuống núi. Con vật tội nghiệp trả lời, không phải là không có lý: “sao ông lại hỏi tôi như thế? chẳng lẽ con đường bằng phẳng ngang qua sa mạc đã bị đóng lại rồi sao?”
*Bài học từ câu chuyện :
Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
29 - Mèo và bầy chim
Một con mèo đang ngày càng ốm yếu gầy còm. Bạn cũng có thể đoán biết, đó là vì nó không có đủ thức ăn. Một hôm, nó nghe biết có một Bầy Chim gần đó đang bị bệnh và cần có bác sĩ. Thế là Mèo liền đeo kính vào, cầm theo một hộp da trong tay, đến gõ cửa tổ chim.
Bầy Chim kêu chim chíp vọng ra, và Bác sĩ Mèo, hết sức sốt ruột, hỏi chim có khỏe không. Nó bảo nó sẽ rất vui khi được chữa bệnh cho chim.
“Chíp, chíp,” lũ Chim cười. “Tử tế quá, phải không nào? Chúng tôi rất khỏe, cám ơn bác sĩ, và chúng tôi sẽ còn khỏe hơn nữa, nếu được ông cút đi cho.”
*Bài học từ câu chuyện :
Thận trọng với kẻ lừa đảo
30-Mèo và gà trống
Một con mèo bắt được một con gà trống, và suy nghĩ xem có cớ gì hợp lý để ăn thịt gà trống hay không. Nó buộc tội gà trống gây phiền toái cho người ta vì gà gáy vào ban đêm không để cho người ta ngủ. Gà trống biện hộ cho mình là nó làm việc đó có lợi cho người, để người dậy cho đúng lúc mà đi làm. Con mèo trả lời, “Mày có lắm cách biện bạch xem ra hợp lý đấy. Nhưng tao sẽ chẳng nhịn bữa tối này đâu”; nói xong nó liền ăn thịt gà.
*Bài học từ câu chuyện :
Cái lý của kẻ mạnh
Nguồn : https://sites.google.com/site/ngungonaesop/
-------------------------------------------------------------------------------------------
Người có học biết mình ngu dốt. The learned man knows that he is ignorant.
Victor Hugo.
Trang này có nhiều Truyện cổ tích và truyện ngụ ngôn hay nhé mn
Trả lờiXóa