THÔNG TIN KHOA HỌC .
Phần 5.
Lỗ hổng bảo mật đe dọa tất cả điện thoại, máy tính
Các nhà nghiên cứu bảo mật đã tiết lộ một loạt các lỗ hổng bảo mật mà họ cho là có thể tiếp tay cho các tin tặc lấy cắp thông tin nhạy cảm từ hầu hết các thiết bị máy tính hiện đại có chứa con chip của của các hãng Intel, Advanced Micro Devices và ARM Holdings.
Ảnh hưởng đến sản phẩm của Intel là rõ ràng nhất, nhưng một số thiết bị khác cũng bị ảnh hưởng như máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy chủ internet. Hãng Intel và ARM khẳng định rằng vấn đề không phải là lỗ hổng thiết kế, nhưng yêu cầu người dùng tải bản vá và cập nhật hệ điều hành để khắc phục.
Ông Brian Krzanich, Giám đốc điều hành Intel, cho kênh truyền hình CNBC biết trong một cuộc phỏng vấn: "Điện thoại, máy tính cá nhân, tất cả mọi thứ sẽ chịu một số tác động, với mức độ khác nhau tùy theo mỗi sản phẩm."
Các nhà nghiên cứu dự án Google Project Zero của công ty Alphabet Inc, kết hợp với các nhà nghiên cứu học thuật và công nghiệp từ nhiều quốc gia, đã khám phá ra hai sai sót.
Sai sót đầu tiên, còn được gọi là Meltdown, ảnh hưởng đến các chip Intel và cho phép tin tặc đọc bộ nhớ máy tính và ăn cắp mật khẩu. Sai sót thứ hai, được gọi là Spectre, ảnh hưởng đến các con chip của Intel, AMD và ARM và cho phép các hacker có thể lừa bằng các ứng dụng miễn phí không lỗi để đánh cắp thông tin bí mật.
Các nhà nghiên cứu cho biết Apple Inc và Microsoft Corp đã có bản vá cho người dùng máy tính để bàn bị ảnh hưởng bởi Meltdown. Microsoft từ chối bình luận và Apple chưa hồi đáp yêu cầu bình luận.
Người phụ nữ đầu tiên
đoạt 'Nobel toán học' qua đời ở tuổi 40
Maryam
Mirzakhani, giáo sư của Đại học Stanford, đồng thời là người phụ nữ đầu tiên và
duy nhất đoạt giải thưởng toán học Field danh giá, đã qua đời ở độ tuổi 40.
Theo Guardian, thông báo từ Đại học Stanford cho biết giáo
sư Mirzakhani qua đời ngày 15/7 do ung thư vú. Bà bị chẩn đoán mắc căn bệnh này
4 năm trước.
Nhà toán học 40 tuổi này là giáo sư của Đại
học Stanford từ năm 2008 và cũng là người phụ nữ đầu tiên của Iran được bầu vào
Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) hồi tháng 5/2016.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói sự ra đi
của thiên tài toán học Maryam Mirzakhani là nỗi đau lớn. Trong khi đó, Ngoại
trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng bày tỏ sự tiếc nuối.
"Giáo sư Maryam Mirzakhani, thiên tài trẻ
tuổi của Iran, đã qua đời. Thông tin này khiến tôi và mọi người dân Iran, những
người luôn tự hào về các nhà khoa học ưu tú của đất nước, vô cùng đau
đớn", ngoại trưởng Iran khẳng định.
Sinh thời, Maryam Mirzakhani từng mơ ước trở
thành một nhà văn. Tuy nhiên, niềm đam mê toán học cháy bỏng giúp bà nhận được
nhiều giải thưởng trong lĩnh vực này ngay từ khi còn trẻ.
Tốt nghiệp cử nhân toán học tại Đại học Công
nghệ Sharif của Iran vào năm 1999, Mirzakhani sang Mỹ và lấy bằng tiến sĩ toán
học của Đại học Harvard vào năm 2004.
Năm 2014, bà trở thành nhà toán học nữ đầu
tiên nhận giải thưởng Field, được coi là giải Nobel trong lĩnh vực toán học.
Đại học Stanford cho biết nhà toán học Iran
chuyên nghiên cứu các lý thuyết như không gian modul, thuyết Teichmuller, hình
học phi Euclid,... vốn được coi là những chuyên ngành rất khó.
Các công trình nghiên cứu của Mirzakhani tập
trung vào hình học phức tạp và có ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực, từ mật mã học
cho đến "lý thuyết vật lý về sự tồn tại của vũ trụ".
Bà từng mô tả công việc của mình "như
đang lạc trong rừng rậm và tìm cách vận dụng mọi kiến thức nhằm đưa ra phương
pháp mới, cùng một chút may mắn để tìm thấy lối ra"
Chủ tịch Đại học Stanford Marc Tessier-Lavigne
khẳng định Maryam Mirzakhani là nguồn cảm hứng để hàng nghìn phụ nữ quyết tâm
theo đuổi toán học cũng như các ngành khoa học khác.
Xem
https://goo.gl/XNksnG
Trí tuệ nhân tạo có thể có phản ứng ngược
Với những tiến triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nguy cơ do các tin tặc gây ra khi sử dụng công nghệ này để mở các cuộc tấn công tàn độc ngày càng tăng, các nhà nghiên cứu hàng đầu cảnh báo trong một phúc trình được công bố ngày 21/2.
Chẳng hạn như các tin tặc có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để biến các máy bay không người lái dùng trong tiêu dùng và các loại xe tự hành trở thành vũ khí, các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học như Oxford, Cambridge và Yale cũng như các tổ chức như OpenAl được Elon Musk hỗ trợ viết trong một phúc trình.
Phúc trình có tên “Dùng trí tuệ nhân tạo một cách hiểm ác” cảnh báo trước các mối đe dọa an ninh khác nhau do việc sử dụng không đúng cách trí tuệ nhân tạo.
Chẳng hạn như các loại xe tự hành, có thể được điều khiển để hiểu sai một bảng hiệu giao thông và gây ra tai nạn, trong khi một loạt các máy bay không người lái, điều khiển bằng một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể sử dụng để do thám hay mở những cuộc tấn công nhanh chóng, có phối hợp, phúc trình cho biết.
Theo phúc trình, những máy móc thông minh, có thể hạ giảm chi phí những cuộc tấn công trên mạng bằng cách tự động hóa một vài công tác cần nhiều nhân lực và hữu hiệu hơn trong việc tiêu diệt các mục tiêu.
Một ví dụ phúc trình đề cập đến là “lừa đảo qua mạng” khi kẻ tấn công dùng những thông điệp cá nhân hóa cho mỗi mục tiêu nhắm đến, để lấy cắp tin tức nhạy cảm hay tiền bạc.
Trên mặt trận chính trị, trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để do thám, tạo nên nhiều phương cách tuyên truyền có mục tiêu và loan truyền tin thất thiệt.
Chẳng hạn như “những video giống như thật” về các nhà lãnh đạo quốc gia dường như đưa ra những lời bình luận gây tổn thương mà họ chưa bao giờ nói, có thể được làm bằng cách sử dụng những cải tiến về hình ảnh và tiến trình ghi âm, theo phúc trình.
Trí tuệ nhân tạo có thể đã được dùng để tạo ra những hình ảnh giả mạo, thêm vào người khác trong video. Chẳng hạn như video có tên là “deepfakes” hoán đổi khuôn mặt các diễn viên trong phim dành cho người lớn để tạo ra các bộ phim giả.
Các nhà nghiên cứu nói những kịch bản trong phúc trình không phải là những tiên đoán rõ ràng về các phương thức sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách bất lương—một vài kịch bản về phương diện kỹ thuật có thể không thể sử dụng được trong năm năm tới trong khi một số đã được sử dụng dưới một dạng thức hạn chế.
Phúc trình ngày 21/2 không đưa ra cách thức rõ ràng để chặn tình trạng này.
SpaceX sắp phóng 2 vệ tinh truyền internet đầu tiên
SpaceX sẽ tiếp tục phóng tên lửa Falcon 9 vào cuối tuần này. Tên lửa dự kiến phóng đi từ California vào sáng 18/2, mang theo vệ tinh quan trắc trái đất có tên Paz của Tây Ban Nha.
Tên lửa cũng sẽ mang theo 2 vệ tinh là các mẫu thử nghiệm do SpaceX chế tạo để thử công nghệ truyền dẫn internet từ vũ trụ.
Việc đưa lên vệ tinh thử nghiệm này, có tên Microsat-2a và Microsat-2b, là bước đi lớn đầu tiên trong kế hoạch dài hạn của SpaceX về chế tạo vệ tinh truyền dẫn internet.
Công ty muốn tạo ra mạng lưới khổng lồ gần 12.000 vệ tinh hoạt động với sự phối hợp nhịp nhàng trong quỹ đạo bên trên trái đất, truyền internet tới các anten thu trên bề mặt hành tinh.
4425 vệ tinh sẽ ở cách trái đất 1126 km, 7518 vệ tinh khác sẽ ở cách 320 km và hoạt động trên một tần số vô tuyến khác. Toàn bộ số lượng vệ tinh khổng lồ sẽ liên tục chuyển động quanh hành tinh và về lý thuyết sẽ truyền dẫn tín hiệu đến bất kỳ chỗ nào trên trái đất.
SpaceX tiên liệu rằng hệ thống này, có tên là Starlink, sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Các dự báo tài chính mà Wall Street Journal có được hồi năm 2017 cho thấy công ty dự kiến sẽ có hơn 40 triệu thuê bao dịch vụ vào năm 2025, đạt lợi tức 30 tỷ đôla trong năm đó.
Sẽ có nhiều vấn đề phức tạp đối với hệ thống mà SpaceX cần phải xử lý trước. Công ty cần có khả năng đồng thời phối hợp hàng ngàn vệ tinh không ở trong quỹ đạo địa tĩnh, đồng nghĩa là chúng sẽ không đứng ở một vị trí cố định bên trên hành tinh.
Tiếp đó là cần có công nghệ cần thiết để thu được internet ở trên bề mặt trái đất. Các vệ tinh sẽ liên tục di chuyển qua các vùng đất khác nhau, do đó các anten thu sẽ cần phải nhanh chóng tìm ra vệ tinh nào sẽ kết nối tốt nhất tại một thời điểm cụ thể.
(theverge.com, mercurynews.com)
Công nghệ thực tế ảo cho phép người sử dụng đi vào một thế giới khác thông qua cảnh vật và âm thanh. Giờ đây, các nhà nghiên cứu còn tạo điều kiện cho chúng ta chạm vào thực tế ảo nữa, khiến cho thế giới ảo còn có vẻ thật hơn nữa. Khả năng cảm nhận được một vật thể trong thế giới ảo có khá nhiều ứng dụng thực tế.
Rất khó để mở những quyển sách và tài liệu cổ xưa được niêm phong mà không làm hư hại chúng. Giờ đây, các nhà khoa học ở Thụy Sĩ đã hoàn thiện một kỹ thuật X-quang để đọc các tài liệu dễ hỏng mà không cần phải chạm vào chúng.
Lưu giữ các tài liệu kỹ thuật số trong các ngân hàng bộ nhớ thương mại (còn được gọi là công nghệ lưu trữ đám mây) là cách lưu trữ lâu dài những tài liệu, hình ảnh, phim, nhạc một cách tiết kiệm và tiện lợi. Người sử dụng cá nhân cũng như doanh nghiệp có thể truy cập từ bất kỳ đâu và chia sẻ dữ liệu với bất kỳ ai mà họ chia sẻ mật mã. Các nhà cung cấp như Dropbox, Google Drive hay Amazon S3 nói dịch vụ của họ an toàn bảo mật tuyệt đối, nhưng các chuyên gia máy tính nói cách bảo mật nên nằm trong tay người sử dụng.
Stanford thử vaccine ung thư trên người sau thành công với chuột
Một loại vaccine ung thư thành công đến 97% trong việc loại bỏ khối u ở chuột giờ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là thử nghiệm trên người, và trung tâm làm ra vaccine này thuộc Đại học Stanford hiện đang tìm kiếm tình nguyện viên.
Dù không hẳn là một loại vaccine theo định nghĩa thông thường có thể mang lại khả năng miễn dịch lâu dài trong cơ thể, song nó áp dụng việc tiêm giống như vaccine để tiêm hai chất kích thích miễn dịch, chúng kích hoạt các tế bào T của hệ miễn dịch để loại bỏ các khối u trên khắp cơ thể.
Vaccine này đã được phát triển như là một phần của liệu pháp miễn dịch dùng hệ miễn dịch của cơ thể để tấn công các khối u và chống lại ung thư.
Ông Ronald Levy, giáo sư nghiên cứu ung thư tại Stanford và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Đây mới là giai đoạn đầu và chúng tôi vẫn nghiên cứu về tính an toàn cũng như tìm cách làm cho nó tốt nhất có thể được”.
Ông nói thêm: "Làm cho hệ miễn dịch chống lại ung thư là một trong những tiến triển gần đây nhất trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư”.
Việc điều trị sẽ gồm một lần xạ trị liều lượng thấp cộng với hai lượt tiêm tác nhân kích thích, và không có hóa trị.
Tuy nhiên, nó không bao giờ có tác dụng với mọi loại ung thư và do đó đội ngũ của Stanford đang tìm kiếm những người bị ung thư hạch bạch huyết cấp độ thấp. Họ cần khoảng 35 đối tượng để thử nghiệm lâm sàng ở người.
Theo các nhà nghiên cứu, sau khi thử nghiệm trên người, họ sẽ xin Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp giấy phép và quá trình này có thể mất một hoặc hai năm.
(IBTimes, Daily Mail)
Thiên tài vật lý Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76
Stephen Hawking, nhà vật lý người Anh nổi tiếng thế giới, đã qua đời hôm 14/3, thọ 76 tuổi. Ông là người đã nghiên cứu về một loạt các chủ đề vũ trụ, từ sự khởi đầu của vũ trụ cho tới những giả thuyết về các hố đen.
Phát ngôn viên của gia đình cho biết ông đã ra đi thanh thản tại nhà riêng ở thành phố Cambridge, nơi ông làm việc trong hàng chục năm với tư cách Giáo sư Lucasia về Toán học tại Đại học Cambridge.
Trong một tuyên bố, các con ông - Lucy, Robert và Tim - nói: "Ông là nhà khoa học vĩ đại cũng như một con người phi thường, việc làm và di sản của ông sẽ còn hiện diện trong nhiều năm".
Ông Hawking được chẩn đoán bị xơ cứng cột bên teo cơ ở tuổi 21, căn bệnh về sau đã khiến ông phải ngồi xe lăn và làm ông mất khả năng nói, buộc ông phải giao tiếp qua một máy tạo giọng nói.
Các bác sĩ dự đoán ông chỉ sống thêm được vài năm, nhưng trái lại, ông đã vẫn duy trì sức khỏe, tập trung vào công việc, bao gồm tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa Thuyết Tương đối của Albert Einstein mô tả sự chuyển động của các vật thể lớn và Thuyết Cơ học Lượng tử liên quan đến các hạt hạ nguyên tử.
Ông Hawking nói: "Mục tiêu của tôi thật đơn giản, đó là hiểu biết đầy đủ về vũ trụ, tại sao nó là như vậy và tại sao nó lại tồn tại".
Cuốn sách năm 1988 của ông, “Lược sử về thời gian”, đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất thế giới và làm cho ông nổi tiếng.
Một trong những thành tựu nổi tiếng nhất của ông là nghiên cứu về hố đen, cho thấy rằng một lượng nhỏ bức xạ có thể thoát được lực hấp dẫn của chúng. Hiện tượng này thường được gọi là bức xạ Hawking.
Một dấu hiệu khác về mức độ nổi tiếng của ông Hawking là hồi tháng 10 năm ngoái, khi trường Cambridge lần đầu đưa ra luận văn năm 1966 của ông lên mạng, nhu cầu về tài liệu này đã lên cao đến mức trang web của trường đã bị sập.
Ông Hawking cũng là người ủng hộ việc đưa người tới mặt trăng và sao Hỏa, một nỗ lực mà ông cho là sẽ giúp đoàn kết nhân loại trong mục đích chung là tỏa ra, đi xa hơn ngoài trái đất.
Ông Hawking nói việc thực hiện những động thái đầu tiên đi vào vũ trụ sẽ "nâng tầm nhân loại" bởi vì việc đó sẽ phải có sự tham gia của nhiều quốc gia.
"Chúng ta đang hết dần không gian và chỉ còn có thể đi đến những thế giới khác. Đã đến lúc khám phá các hệ mặt trời khác. Tỏa ra có thể là điều duy nhất cứu chúng ta khỏi chính bản thân mình. Tôi tin rằng con người cần phải rời khỏi trái đất", ông nói hồi năm ngoái. "Nếu nhân loại muốn còn tiếp tục tồn tại thêm cho một triệu năm nữa, tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc dũng cảm đi đến những nơi mà không ai khác đã đi tới trước đó”.
Thiên tài vật lý người Anh có một chút gắn bó với Việt Nam. Năm 1990, ông nhận làm cha đỡ đầu cho cô Nguyễn Thị Thu Nhàn, sinh năm 1980, là trẻ mồ côi tại Làng SOS ở Hà Nội. Đến mùa đông năm 1997, ông đã sang Việt Nam thăm cô Nhàn. Sau đó 3 năm, người cha đỡ đầu đã đón cô Nhàn sang Anh thăm gia đình ông trong 1 tháng.
Love not the world, neither the things that are in the world. If any man love the world, the love of the Father is not in him. For all that is in the world, the lust of the flesh, and the lust of the eyes, and the pride of life, is not of the Father, but is of the world.
1 John 2:15-16 KJV
Chớ yêu thế gian cùng những gì trong thế gian. Nếu ai yêu thế gian thì sự kính yêu Thượng Đế không ở trong người ấy.
I Giăng 2:15