Harper Lee - Giết con chim nhại , To kill a Mockingbird .
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
To Kill a Mockingbird
Bìa bản gốc tiếng Anh của truyện.
Thông tin sách
Tác giả Harper Lee
Quốc gia Hoa Kỳ
Ngôn ngữ tiếng Anh
Thể loại Nam Gothic (bán tự truyện)
Nhà xuất bản HarperCollins
Ngày phát hành 11 tháng 7 năm 1960
Kiểu sách Print (Bìa cứng và bìa mềm)
Số trang 336 (Ấn bản kỷ niệm lần thứ 40 bìa cứng)
ISBN ISBN 0-06-019499-5 (Ấn bản kỷ niệm lần thứ 40 bìa cứng)
Giết con chim nhại (nguyên tác tiếng Anh: To Kill a Mockingbird) là cuốn tiểu thuyết của Harper Lee; đây là cuốn tiểu thuyết rất được yêu chuộng, thuộc loại bán chạy nhất thế giới với hơn 10 triệu bản. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1960 và đã giành được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1961. Nội dung tiểu thuyết dựa vào cuộc đời của nhiều bạn bè và họ hàng tác giả, nhưng tên nhân vật đã được thay đổi. Tác giả cho biết hình mẫu nhân vật Jean Louise "Scout" Finch, người dẫn truyện, được xây dựng dựa vào chính bản thân mình.
Giết con chim nhại là một câu chuyện bao gồm nhiều mô-típ, như sự ích kỷ, sự thù hận, lòng dũng cảm, sự kiêu hãnh, định kiến, và các giai đoạn trong cuộc đời, đặt trong bối cảnh cuộc sống miền Nam Hoa Kỳ. Cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Robert Mulligan dựng thành phim với kịch bản do Horton Foote viết vào năm 1962. Cho tới nay, cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm được xuất bản duy nhất của bà Harper Lee.
Giới thiệu tác giả và sự xuất bản cuốn tiểu thuyết
Harper Lee sinh năm 1926 và lớn lên ở Monroeville, Alabama, nơi bà trở thành bạn thân của Truman Capote, một nhà văn nổi tiếng. Bà học trường Huntingdon College ở Montgomery trong các năm 1944-45 và sau đó theo học luật tại Đại học Alabama (1945–49). Khi còn là sinh viên bà đã tham gia viết cho các tạp chí văn học trong trường như là báo Huntress ở Huntingdon và tạp chí hài Rammer Jammer ở Đại học Alabama. Bà viết truyện ngắn và các tác phẩm khác về vấn đề ít được bàn luận ở trường học thời bấy giờ là kỳ thị chủng tộc. Năm 1950, bà đến ở thành phố New York và làm việc cho tập đoàn hàng không British Overseas dưới vai trò thư ký. Chính ở đây bà bắt đầu viết các tiểu luận và truyện ngắn về con người ở Monroeville. Bà gởi một tác phẩm đến một tổ chức văn học nhờ sự giới thiệu của Capote với mong muốn được xuất bản. Tổng biên tập tại J. B. Lippincott khuyên bà nên nghỉ việc ở công ty hàng không để tập trung vào nghiệp văn chương. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, bà dành một năm để tập trung viết sách.
Bà bỏ ra hai năm rưỡi để viết tiểu thuyết Giết Con Chim Nhại. Cuốn sách được xuất bản ngày 11 tháng bảy năm 1960. Lúc đầu được đặt tên là Atticus nhưng sau đó bà Lee đã đổi lại để cho thấy một câu chuyện vượt qua khuôn khổ chân dung về một nhân vật. Nhóm biên tập ở Lippincott nói với bà rằng có thể chỉ bán được vài ngàn cuốn. Năm 1964, bà Lee nhớ lại "Tôi không hy vọng tiểu thuyết sẽ thành công... Tôi lo rằng nó sẽ bị chết yểu bởi những nhà phê bình, nhưng đồng thời tôi mong rằng ai đó sẽ thích nó để tôi có được sự khích lệ. Khích lệ từ độc giả. Chỉ là hy vọng nhỏ nhoi thôi, như tôi đã nói, nhưng thành công lại rất lớn, và trong chừng mực nào đó thì điều này cũng đáng sợ như là cái chết yểu". Thay vì bị "chết yểu", Reader's Digest Condensed Books đã in lại cuốn sách dưới dạng từng phần, góp phần làm cho nó được nhiều người đọc hơn. Cuốn sách được tái bản thường xuyên kể từ lần xuất bản đầu tiên.
Giới thiệu cốt truyện
Cuốn tiểu thuyết kể về câu chuyện của hai đứa trẻ ở lứa tuổi mới lớn, Jean Louise "Scout" Finch và Jeremy Atticus "Jem" Finch, sinh trưởng ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama, nằm sâu trong miền nam nước Mỹ trong thập niên 1930. Chuyện xảy ra trong vòng 3 năm, được kể lại bởi người em. Trong truyện, cha của hai đứa trẻ, luật sư Atticus Finch được chỉ định để bào chữa một người da đen tên là Tom Robinson, bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng tên là Mayella Ewell.
Giải thích tên tác phẩm
Sau khi tặng quà Giáng sinh cho hai anh em Jem và Scout là mấy khẩu súng hơi, ông Atticus dặn lũ trẻ là mặc dù chúng có thể "bắn bao nhiêu chim giẻ cùi xanh tùy thích", chúng phải nhớ "giết hại chim nhại là tội ác". Sau này cô Maudie Atkinson, hàng xóm của lũ trẻ, giải thích đó là vì chim nhại không bao giờ làm điều gì có hại, nó mang lại niềm vui bằng tiếng hót của chúng: "nó chẳng làm điều gì khác ngoài việc mang đến tiếng hót từ tận con tim cho chúng ta". Con chim nhại (mockingbird) được dùng lặp đi lặp lại như một hình tượng của nạn nhân và sự trong trắng trong suốt tác phẩm. Nó là biểu tượng của sự trong trắng và cái đẹp chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và lòng hận thù.
Tóm tắt truyện
Câu chuyện diễn ra trong 3 năm của cuộc Đại suy thoái tại Mỹ, ở một "thị trấn cổ chán ngắt" Maycomb, tiểu bang Alabama. Nhân vật dẫn chuyện, cô bé Scout Finch 6 tuổi, sống với anh trai Jem và người cha Atticus, một luật sư tuổi trung niên. Một mùa hè nọ, Jem và Scout kết bạn với một cậu bé tên Dill khi Dill đến chơi với dì mình ở Maycomb vào mùa hè. Ba đứa trẻ cảm thấy vừa sợ vừa hứng thú về người hàng xóm "Boo" Radley, sống ẩn dật trong một ngôi nhà kế bên trong suốt nhiều năm mà không hề ra ngoài khi trời còn sáng. Những người lớn ở Maycomb thường dè dặt khi nói về Boo và trong nhiều năm rồi không ai thấy ông ta. Bọn trẻ bổ sung vào trí tưởng tượng của mình những lời đồn đại xung quanh bề ngoài của ông và nguyên nhân mà ông phải trốn tránh, trong đó trứ danh nhất là anh ta đã đâm vào chân cha đẻ của mình trong một cơn nóng giận, rằng anh ta lẻn ra khỏi nhà hàng đêm, ăn thịt mèo, sóc và rình mò xung quanh nhà hàng xóm.
Mùa thu năm ấy Scout đến trường lần đầu tiên. Ngày đi học đầu tiên của cô trôi qua không hề yên ả chút nào, nhưng từ đó độc giả biết đến gia đình Ewell qua một bạn học cùng lớp với cô, là con của ông Bob Ewell, một người có tiếng nghiện ngập, vô công rồi nghề và nghèo khó, ông ta có một túp lều trên bãi rác của thị trấn. Trên đường về nhà, cô bé và Jem tìm thấy mấy món quà dành cho họ, để trong một hốc cây trên mảnh đất của nhà Radley. Mùa hè năm sau, Dill quay lại. Cùng cậu, Scout và Jem bắt đầu trêu chọc anh chàng Boo Radley, nhưng ông Atticus bắt bọn trẻ phải thôi mấy trò nghịch ngợm ấy lại. Ông nhắc lũ trẻ phải thông cảm với người khác trước khi phán xét họ.
Tuy nhiên, trong đêm cuối cùng Dill còn ở thị trấn Maycomb mùa hè năm đó, ba đứa trẻ lẻn vào mảnh đất nhà Radley. Lũ trẻ bị bắt gặp, bị Nathan Radley bắn chỉ thiên dọa làm chúng hoảng hồn. Jem trong lúc chạy trốn làm mất cả quần, khi cậu quay trở lại để nhặt nó, cậu thấy cái quần đã được vá lại và treo trên hàng rào. Mùa đông năm ấy, Jem và Scout lại tìm thấy mấy món quà trên cái cây, dường như được Boo để ở đó cho chúng. Anh trai Nathan của Boo nói là cái cây "bị bệnh" nên dùng xi-măng trám cái hốc cây lại, nhưng khi lũ trẻ hỏi ông Atticus thì ông lại bảo là cái cây ấy chẳng có vấn đề gì cả. Jem buồn lắm, vì hiểu rằng mối liên hệ đầu tiên của chúng với Boo Radley thế là đã bị cắt đứt. Scout vì còn bé quá, nên chỉ nghĩ đơn giản là từ giờ sẽ không còn các món quà nữa.
Người cha Atticus được phiên tòa chỉ định biện hộ cho một người đàn ông da đen tên là Tom Robinson, người bị buộc tội hãm hiếp Mayella Ewell, một cô gái người da trắng. Dù cho nhiều cư dân của Maycomb chống đối thế nào, ông Atticus vẫn đồng ý biện hộ cho Tom hết sức mình. Ông Atticus hứa sẽ làm hết khả năng để bào chữa cho Tom, vì ông có một niềm tin lớn lao vào quyền bình đẳng của tất cả mọi người. Vì chuyện đó mà lũ trẻ con ông phải chịu bao nhiêu sự phỉ báng của những đứa trẻ khác, thậm chí ngay cả khi chúng đang làm lễ Nô-en trong khu nhà Landing của gia đình Finch. Những đứa trẻ khác trêu chọc Jem và Scout về việc bố chúng, gọi ông ấy là "kẻ yêu bọn mọi đen". Scout đã nổi nóng và gây lộn để bảo vệ danh dự cho cha mình, mặc dù cha cô bé đã bảo cô không được làm thế. Bà đầu bếp Calpurnia của gia đình Finch đưa lũ trẻ đến một nhà thờ của người da đen gần đó và chúng được cộng đồng người da đen chào đón nồng hậu.
Em gái ông Atticus, cô Alexandra đến sống với gia đình Finch mùa hè năm sau. Cậu bé Dill, nhẽ ra phải sống với ông cha dượng, người chẳng bao giờ quan tâm đến cậu, trốn nhà đến Maycomb và trốn dưới gầm giường cô bé Scout. Phiên tòa xử Tom Robinson bắt đầu, và khi anh bị nhốt trong nhà lao, một đám đông định xúm vào đánh chết anh. Đêm trước khi phiên tòa diễn ra, ông Atticus phải đối đầu với đám đông. Jem, Dill và Scout trốn khỏi nhà để đến chỗ ông, rồi dù ông Atticus nói gì, chúng cũng không chịu bỏ đi. Cô bé Scout nhận ra một người đàn ông trong đám đông là Walter Cunningham, cha một bạn học với cô. Cô lễ phép chất vấn ông ta về đứa con trai ông ta, làm ông xấu hổ đến mức phải giải tán đám đông.
Tại phiên tòa, lũ trẻ ngồi trên một "ban công dành cho người da màu" với những người dân da đen của thị trấn. Ông Atticus đưa ra những bằng chứng rõ ràng, cho thấy nguyên cáo, cô Mayella và bố cô, ông Bob Ewell đã nói dối, sự thực là cô Mayella đã tìm cách mồi chài Tom Robinson và bị bắt quả tang. Vết bầm trên mặt cô Mayella là do người cha đánh khi ông ta bắt gặp cô và Tom. Người cha gọi cô là con điếm và đánh cô. Mọi người nhận thấy vết bầm ở bên má trái cô Mayella, nghĩa là người đánh cô phải thuận tay trái. Ông Bob Ewell thuận tay trái, trong khi Tom thì lại bị tật ở tay trái. Mặc dù vậy, bất chấp mọi chứng cứ đều chỉ ra rằng Tom vô tội, bồi thẩm đoàn gồm toàn người da trắng vẫn kết tội anh. Anh Tom tội nghiệp tìm cách chạy trốn khỏi nhà tù nên bị bắn chết. Sau phiên tòa, niềm tin vào công lý của Jem bị lung lay dữ dội vì bản án quá bất công, cậu trở nên chán nản, nghi ngờ, vì rõ ràng Tom bị bồi thẩm đoàn kết án chỉ vì anh là người da đen.
Dù tòa đã tuyên án, Bob Ewell vẫn tức tối vì cho rằng ông Atticus và vị thẩm phán đã cười vào mũi ông ta nên ông ta thề sẽ rửa hận. Ông ta đe dọa người vợ góa của Tom, tìm cách đột nhập vào nhà ông thẩm phán, nhổ vào mặt ông Atticus ở giữa đường, rồi đánh Jem và Scout khi chúng đang trên đường về nhà từ đám rước Halloween ở trường. Sau một cuộc vật lộn ngắn ngủi trong bóng tối, Jem bị gãy tay, Bob thì biến mất, còn Jem và Scout được một người không quen biết tìm thấy và đưa chúng về nhà. Khi đó chúng mới nhận ra người đó chính là Boo Radley. Viên cảnh sát trưởng cũng đến và cho biết Bob Ewell đã bị chết do bị dao đâm vào bụng. Ban đầu ông Atticus ngờ rằng chính Jem đã đâm chết Bob, nhưng ông cảnh sát trưởng thì nhất định cho là Bob bị vấp vào gốc cây và ngã vào con dao của chính hắn mà chết. Mọi người đều đoán là chính Boo đã can thiệp vào cuộc xô xát và giết Ewell để bảo vệ lũ trẻ. Khác với điều ông Atticus nghĩ, viên cảnh sát trưởng muốn bảo vệ Boo và không muốn dân chúng phá vỡ cuộc sống ẩn dật của anh. Khi ông Atticus hỏi Scout xem cô bé nghĩ thế nào về cách giải quyết vụ việc này, cô bé trả lời, nếu không làm như vậy thì chẳng khác gì "giết con chim nhại" (vì Boo chẳng làm hại gì lũ trẻ, mà chỉ bảo vệ chúng thôi). Sau đó, Boo yêu cầu Scout đưa anh về nhà. Khi đến hiên nhà Radley, Scout nhớ lại những việc đã xảy ra, cảm thấy rất hối hận là cô và Jem không bao giờ tỏ ra thân thiện với Boo, không bao đáp lại những món quà mà Boo đã tặng cho lũ trẻ.
Dọc đường về nhà, cô hồi tưởng lại tất cả những sự kiện diễn ra trong vòng 2, 3 năm trở lại. Cô bé trở về nhà với ông Atticus và Jem, khi đó đã tĩnh tâm trở lại. Sau khi nghe ông Atticus đọc truyện "Bóng ma màu xám", cô bé nhận xét với ông Atticus là nhân vật chính trong câu truyện hóa ra là một người tốt, ông Atticus tạm biệt cô bằng câu nói: "Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi".
Yếu tố tự truyện
Bà Lee nói Giết Con Chim Nhại không phải là cuốn tự truyện mà là một minh chứng cho thấy nhà văn "nên viết về những gì họ biết và viết đúng sự thật". Dù vậy, nhiều người và sự kiện từ thời thơ ấu của bà song trùng với những quan sát của nhân vật Scout trong truyện. Cha của bà Lee, Amasa Coleman Lee, là một luật sư giống như nhân vật Atticus Finch. Vào năm 1919, ông bảo vệ cho hai bị cáo người da đen bị nghi ngờ giết người. Hai người này sau đó bị buộc tội, bị treo cổ và bị bôi nhọ; ông không tham gia vào vụ án nào nữa. Cha của bà Lee cũng biên tập và xuất bản tờ Monroeville. Mặc dù bảo thủ hơn Atticus về vấn đề chủng tộc, sau này ông đã trở nên cấp tiến hơn về điều này. Mẹ của Scout mất khi cô còn bé, còn mẹ của bà Lee mất khi bà 25 tuổi vì bị bệnh liên quan đến thần kinh. Bà Lee có người anh trai Edwin - cũng như Jem - hơn em gái mình bốn tuổi. Giống với tiểu thuyết, nhà bà Lee có một quản gia da đen hàng ngày đến chăm sóc cho gia đình.
Nhân vật Dill xây dựng trên người bạn thời thơ ấu của bà Lee là Truman Capote, được biết như là Truman Persons. Capote sống cạnh nhà Lee với dì khi mẹ đi New York giống như Dill sống cạnh nhà Scout trong mùa hè. Capote và Dill đều có trí tưởng tượng và có thể nghĩ ra những câu chuyện ly kỳ. Cả hai đều có đặc điểm chung: rất thích đọc truyện. Lúc nhỏ Lee có tính như con trai và dễ nổi nóng đánh nhau, còn Capote thì hài hước với vốn từ phong phú của mình. Lee và Capote nghĩ ra các câu chuyện và diễn kịch. Họ trở thành bạn tốt của nhau vì cả hai cảm thấy bị xa cách bởi những bạn đồng trang lứa; Capote gọi hai người là "những người tách biệt". Năm 1960, Capote và Lee cùng nhau đến Kansas để điều tra một loạt vụ giết người để làm chất liệu cho tác phẩm In Cold Blood của ông.
Phía dưới đường của gia đình Lee là một ngôi nhà luôn kín cửa; như là nhà của gia đình Radleys trong truyện. Người con trai trong gia đình dính đến rắc rối pháp lý và bị người cha giữ trong nhà suốt 24 năm để tránh bị xấu hổ. Anh bị giam hãm như thế cho đến khi bị quên lãng và chết vào năm 1952.
Sự liên hệ nhân vật Tom Robinson với thực tế không rõ ràng như các nhân vật khác. Nhiều người đoán rằng nhân vật này được xây dựng từ một vài hình mẫu. Khi Lee lên 10, một người phụ nữ da trắng gần Monroeville tố cáo một thanh niên da đen tên Walter Lett hãm hiếp cô. Câu chuyện và vụ án được cha cô tường thuật lại trên báo của ông. Lett bị buộc tội với mức án tử hình. Mức án giảm xuống còn chung thân sau khi có nhiều bức thư gởi đến tòa nói rằng Lett bị kết án oan. Anh bị chết trong tù vì lao phổi vào năm 1937. Nhiều người cũng tin rằng sự kiện ảnh hưởng bỏi vụ tai tiếng Scottsboro Boys, khi mà chín đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp hai người phụ nữ da trắng dựa trên các chứng cứ hết sức mơ hồ. Năm 2005, bà Lee nói rằng bà đã dựa trên những sự kiện khác ít được biết hơn, mặc dù vụ Scottsboro cũng cho thấy định kiến màu da của miền Nam. Nhân vật Tom Robinson còn được cho là dựa trên thiếu niên Emmett Till bị giết vì tán tỉnh một người đàn bà da trắng; vụ việc đã xúc tác cho phong trào đấu tranh dân quyền về sau.
Phong cách
Các nhà phê bình và đánh giá truyện đều lưu ý đến một trong những yếu tố đặc sắc nhất trong phong cách của tác giả Harper Lee là tài năng kể chuyện của bà, từng được khen ngợi là "tài năng hiển nhiên". Sau đó, một nhà nghiên cứu đã viết: "Harper Lee có một tài năng kể chuyện tuyệt vời. Nghệ thuật của bà là khơi dậy thị giác, cùng với các hình ảnh lưu loát và tinh tế, chúng ta được thấy một cảnh này tan vào trong cảnh khác mà không có những khớp nối chuyển cảnh." Bà Lee đã hòa quyện giọng kể chuyện của một đứa bé quan sát xung quanh mình với sự phản ánh thời thơ ấu của một phụ nữ trưởng thành, bằng cách sử dụng sự nhập nhằng của giọng kể này kết hợp với kĩ thuật tường thuật thông qua hồi tưởng về nhiều viễn cảnh rắc rối. Phương pháp tường thuật này cho phép tác giả kể một câu chuyện dễ gây lầm lẫn mà hòa trộn trong đó sự đơn giản của việc quan sát từ một đứa trẻ, với những tình huống của người lớn, được phức tạp hóa bởi những động cơ thúc đẩy bên trong và các truyền thống không thể bác bỏ được. Tuy nhiên, đôi khi sự hòa trộn đủ ảnh hưởng để khiến các nhà phê bình nghi vấn về vốn từ vựng siêu phàm và hiểu biết sâu sắc của nhân vật Scout. Cả Harding LeMay và nhà tiểu thuyết, phê bình văn học Granville Hicks đã diễn tả nghi ngờ rằng các đứa trẻ được bảo bọc như Scout và Jem sao có thể hiểu được sự phức tạp và đáng sợ trong phiên toà phán quyết cuộc đời của Tom Robinson.
Viết về phong cách và cách sử dụng tính hài hước trong câu chuyện bi thương của tác giả Lee, nhà nghiên cứu Jacqueline Tavernier-Courbin đã nói: "Tiếng cười… bộc lộ sự huỷ hoại bên dưới bề mặt đẹp đẽ, nhưng cũng bằng cách hạ phẩm giá nó; người ta khó có thể bị kiểm soát bởi những gì mà họ có thể cười vào." Vai trò của Scout là một cô bé hay đánh lại tụi con trai, ghét mặc váy và nói những từ xấu chỉ vì có vẻ vui, nhưng Tavernier-Courbin đã lưu ý rằng Lee đã sử dụng cách nói nhại, trào phúng và mỉa mai để đề cập đến những vấn đề phức tạp, đặc biệt thông qua ánh nhìn của một đứa trẻ. Sau khi cậu bé Dill hứa sẽ cưới Scout, rồi dành quá nhiều thời gian ở cùng Jem, cô bé đã suy ra cách tốt nhất để khiến cậu bé chú ý vào mình là đánh cậu ta, điều mà cô bé đã làm nhiều lần. Lee dùng giọng văn trào phúng để miêu tả ngày đầu tiên đến trường của Scout, một trải nghiệm khó chịu. Cô giáo bảo cô bé phải loại bỏ những điều gây hại mà bố Atticus đã dạy cô đọc và viết, cùng với việc cấm Atticus dạy cô thêm gì nữa. Scout cố gắng nói chuyện với thân chủ của ông Atticus, ông Cunningham, về việc cô bé hiểu về việc thừa kế theo thứ tự của ông, sau khi ông ta đến định tấn công Tom Robinson. Tuy nhiên, Lee đã giải quyết những tình huống nghiêm túc với tính hài hước mỉa mai, khi Jem và Scout tìm cách hiểu làm thế nào Maycomb vẫn còn phân biệt chủng tộc và vẫn cố gắng giữ lấy một xã hội ngay thẳng. Giọng văn trào phúng và châm biếm được dùng trong những trường hợp này được Tavernier-Courbin cho là lời giải thích cho tựa đề của quyển sách: Nhà văn Lee đang chế nhạo - đối với nền giáo dục, hệ thống tư pháp, và chính xã hội của bà thông qua việc sử dụng chúng để làm đề tài cho những bất bình đầy tính hài hước của nhà văn.
Những nhà phê bình cũng lưu ý đến những phương pháp thú vị dẫn dắt cốt truyện. Khi ông Atticus rời khỏi thị trấn, Jem đã nhốt một cậu bạn học chung giáo lý ở tầng hầm nhà thờ trong một trò chơi thử thách. Điều này đã thúc đẩy người giữ trẻ da đen Calpurnia hộ tống Scout và Jem đến nhà thờ của bà. Chuyến đi này cho phép bọn trẻ có cái nhìn vào cuộc sống cá nhân của bà, cũng như của Tom Robinson. Scout ngủ gục khi biểu diễn trong lễ Haloween và lên sân khấu chậm, làm khán giả cười ồ lên. Scout đã lúng túng và mắc cỡ đến nỗi cô bé muốn về nhà trong bộ trang phục hình bánh giăm bông của mình, và chính bộ áo này đã cứu mạng cô bé.
Thể loại
Những nhà nghiên cứu đã xếp Giết con chim nhại vào thể loại tiểu thuyết Gothic phương Nam và bildungsroman (kể về một nhân vật chính từ tuổi thơ ấu). Hình tượng nhân vật Boo Radley kỳ lạ và gần như là siêu nhiên, cùng với căn nhà của ông, bên cạnh yếu tố bất công chủng tộc gắn liền với Tom Robinson đã tạo dựng nên cảm giác về nét Gothic trong quyển tiểu thuyết. Tác giả đã sử dụng thuật ngữ "Gothic" để miêu tả kiểu kiến trúc của nhà xử án ở Maycomb và về hành động cường điệu của Dill nói về Boo Radley. Những người ngoài cuộc cũng là nhân tố quan trọng trong thể loại này. Một nhà nghiên cứu đã chỉ ra việc tác giả đã thách thức mọi chính quyền ở Maycomb: trường học và giáo viên, hệ thống tư pháp và những tổ chức tôn giáo. Thế nhưng, Scout vẫn kính trọng bố Atticus như là một con người quyền lực trên tất cả, bởi vì ông tin rằng làm theo lương tâm là ưu tiên trên hết, thậm chí ngay khi hậu quả là sự tẩy chay của cộng đồng. Dù vậy, những nhà nghiên cứu đã tranh cãi về việc phân loại quyển sách vào tiểu thuyết Gothic phương Nam, vì Boo Radley thật ra vẫn là con người, nhân từ và quan tâm đến người khác. Hơn thế nữa, trong khi nhắm đến các đề tài như chứng nghiện rượu, tội loạn luân, hãm hiếp và bạo hành chủng tộc, tác giả Lee đã viết về thị trấn nhỏ của bà và dựa nhiều vào thực tế. Bà đã xây dựng những rắc rối của bản thân các nhân vật thành những vấn đề làm nền tảng cho tất cả mọi việc.
Chủ đề
Dù quyển tiểu thuyết đã trở nên phổ biến, nó vẫn chưa nhận được sự quan tâm đánh giá như những tiểu thuyết Mỹ hiện đại mang tính kinh điển khác. Claudia Durst Johnson, tác giả của nhiều quyển sách và bài báo về Giết con chim nhại, đã viết vào năm 1994: "Trong suốt 33 năm từ lúc quyển sách xuất bản, chưa bao giờ nó là trung tâm bình luận, và quyển sách chỉ là chủ đề của 6 bài nghiên cứu văn học, mà nhiều bài trong đó chỉ dài khoảng vài trang." Một nhà văn khác đồng ý như thế vào năm 2003, rằng quyển sách là "một biểu tượng mà những cảm xúc nó tạo ra vẫn luôn mạnh mẽ đầy kỳ lạ bởi vì nó vẫn chưa được kiểm chứng."
Tác giả Harper Lee vẫn còn nổi tiếng, dù quyển sách đã xuất bản từ giữa thập niên 60. Tuy thế, bà đã đưa ra vài quan điểm về những chủ đề trong một lá thư hiếm hoi gửi cho người biên tập, mà bà viết để trả lời cho những phản ứng mãnh liệt đối với tác phẩm: "Chắc chắn một điều, Giết con chim nhại đã diễn đạt thành lời ý nghĩa của 2 vấn đề: danh dự và đạo đức, theo Cơ đốc giáo, mà đó là di sản của tất cả người dân miền Nam nước Mỹ."
Cuộc sống miền Nam và bất công chủng tộc
Khi quyển sách xuất hiện, các nhà phê bình đã chú ý đến việc nó được chia thành 2 phần, có nhiều ý kiến xung quanh khả năng nối kết 2 đoạn của tác giả. Phần đầu quyển tiểu thuyết nói về sự tò mò của những đứa trẻ về Boo Radley và cảm giác an toàn, dễ chịu của khu dân cư. Các nhà phê bình nhìn chung đã bị thu hút bởi sự quan sát của Scout và Jem đối với những hàng xóm kỳ quặc của chúng. Một nhà văn đã ấn tượng với các miêu tả tinh tế của tác giả về những cư dân ở Maycomb đến nỗi ông xếp quyển sách vào thể loại chủ nghĩa địa phương miền Nam lãng mạn. Tính đa cảm này có thể được tìm thấy trong miêu tả của tác giả về hệ thống tầng lớp ở miền Nam để giải thích hành vi của gần như mọi nhân vật của quyển tiểu thuyết. Dì Alexandra của Scout đã giảng giải về những lỗi lầm và ưu điểm của các cư dân ở Maycomb dựa trên bảng phả hệ, trong khi người dẫn chuyện miêu tả chi tiết về lịch sử nhà Finch và lịch sử của thị trấn Maycomb. Chủ đề địa phương này được phản ánh xa hơn trong sự bất lực rõ ràng của Mayella Ewell trong việc thừa nhận các hành độ của cô đối với Tom Robinson, và định nghĩa của Atticus về "người tốt" là những người có ý thức tốt, làm mọi thứ tốt nhất có thể với những gì họ có. Miền Nam nước Mỹ, bản thân vùng đó với những truyền thống và sự kiêng kỵ, dường như đã gây ảnh hưởng đến cốt truyện nhiều hơn cả các nhân vật.
Phần thứ hai của quyển sách kể về điều mà nhà phê bình sách Harding Lemy gọi là "nỗi ô nhục gặm mòn tinh thần của những người da trắng miền Nam đã được khai sáng trong vấn đề đối xử với người da đen". Trong những năm sau khi xuất bản, nhiều nhà phê bình đã xem Giết con chim nhại là một tiểu thuyết chủ yếu về các mối quan hệ chủng tộc. Claudia Durst Johnson đã nghĩ quyển sách "dễ dàng nhận thấy" là được dựng nên bởi 2 yếu tố liên quan tới chủng tộc ở Alabama: Sự việc Rosa Parks từ chối không ngồi ở phía sau xe buýt – làm nổi lên chiến dịch Montogmery Bus Boycott năm 1955, và cuộc nổi loạn năm 1956 ở đại học Alabama sau khi Autherine Lucy và Polly Myers được nhận vào học (Myers sau cùng đã rút đơn xin học và Lucy thì bị đuổi). Khi viết về ngữ cảnh lịch sử trong quyển tiểu thuyết, hai nhà nghiên cứu văn học khác đã nói: "Giết con chim nhại đã được viết và xuất bản ngay giữa thời kỳ xã hội thay đổi nổi bật nhất và nhiều tranh cãi nhất ở miền Tây kể từ cuộc Nội chiến và tái thiết. Không thể tránh khỏi, dù được bắt đầu từ giữa thập niên 30, nhưng câu chuyện vẫn kể từ quan điểm của những năm 50, với các bất bình, căng thẳng và nỗi sợ do cuộc chuyển đổi gây ra." Ảnh hưởng của quyển tiểu thuyết đối với các mối quan hệ chủng tộc ở Mỹ đã được ghi nhận như một thành công, rằng quyển sách đã "xuất hiện đúng lúc để giúp cho cuộc đấu tranh của miền Nam và quốc gia về tình trạng căng thẳng chủng tộc của luật dân quyền có bước tiến triển nhanh hơn." Việc xuất bản quyển sách gần như là một bước tiến của dân quyền mà nhiều nghiên cứu về tác phẩm và tiểu sử của Harper Lee đã miêu tả về những thời khắc quan trọng trong giai đoạn này.
Nhà nghiên cứu Patrick Chura, người gợi ý Emmett Till là hình tượng xây dựng nhân vật Tom Robinson, đã liệt kê các bất công mà nhân vật Tom đã phải gánh chịu cũng giống như Till. Ông cho rằng biểu tượng của kẻ hãm hiếp da đen đã gây hại đến hình tượng của giới nữ miền Nam dễ tổn thương và thiêng liêng. Bất kỳ vi phạm nào của đàn ông da đen mà chỉ ám chỉ là có ý định quấy rối phụ nữ da trắng trong thời gian quyển sách được viết thường dẫn đến tội chết dành cho bị cáo. Phiên toà xử Tom Robinson có bồi thẩm đoàn là các nông dân da trắng, họ đã kết tội anh dù cho các bằng chứng rõ ràng là anh vô tội, và nhiều người dân da trắng có học thức và ôn hòa khác cũng ủng hộ phán quyết đó. Hơn thế nữa, nạn nhân của nạn bất công chủng tộc trong Giết con chim nhại còn bị khiếm khuyết cơ thể, điều này khiến nhân vật đó không thể phạm tội mà anh bị tố cáo. Roslyn Siegel đã kể đến Tom Robinson như một tấm gương tiêu biểu của mô típ truyện cho các nhà văn da trắng miền Nam thường kể về người da đen là "ngu ngốc, bi lụy, không có khả năng tự vệ và phụ thuộc vào phán xét của người da trắng thay vì trí khôn của mình để cứu bản thân." Dù nhân vật Tom thoát khỏi cảnh bị hành hình kiểu linsơ, anh cuối cùng bị giết trong cảnh bạo lực thái quá khi tìm cách thoát khỏi nhà tù, lúc ấy, anh bị bắn đến 17 lần.
Chủ đề bất công chủng tộc cũng xuất hiện một cách đầy hình tượng trong quyển tiểu thuyết. Điển hình như cảnh Atticus phải giết chết con chó dại, dù đó không phải là việc cuủ ông. Nhà phê bình Carolyn Jones cho rằng con chó đại diện cho thành kiến còn tồn tại ở Maycomb, và Atticus, người đã đợi trên một con đường vắng để bắn con chó, phải đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở nơi đó mà không có giúp đỡ nào từ những cư dân da trắng. Ông cũng một mình đối mặt với nhóm người định hành hình Tom Robinson và một lần nữa một mình ở tòa án khi xét xử Tom. Tác giả thậm chí đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ từ sự cố con chó dại để miêu tả một vài cảnh trong căn phòng xử án. Nhà phê bình Jones có viết: "con chó dại ở Maycomb thật ra chính là nạn phân biệt chủng tộc đã phủ nhận quyền con người của Tom Robinson. Khi Atticus kết luận vụ việc ở phiên toà, ông thật ra đã bộc lộ một cách văn hoa nỗi căm phẫn của mình đối với bồi thẩm đoàn và thị trấn."
Dù quyển tiểu thuyết chủ yếu tập trung vào chủ đề bất công chủng tộc, nhưng những nhân vật da đen trong truyện lại không được khai thác đầy đủ như các nhân vật da trắng. Những cách miêu tả khuôn đúc về những người da đen mê tín, nhân vật Calpurnia - người dường như là một phiên bản cải tiến của dạng nhân vật "nô lệ vừa ý" làm quyển sách có vẻ không chú trọng đến nhân vật da đen. Một tác giả đã khẳng định rằng việc dùng giọng kể của nhân vật Scout góp phần khiến độc giả cảm thấy dễ chịu vì được tách ra khỏi xung đột sắc tộc.
Tuy quyển tiểu thuyết nhìn chung đã tạo ra một ảnh hưởng tích cực về các mối quan hệ chủng tộc đối với độc giả da trắng, nhưng nó cũng vấp phải nhiều tiếp nhận phức tạp từ độc giả da đen. Một lời giảng về quyển tiểu thuyết in bởi tờ báo The English Journal ghi nhận: "Điều có lẽ là tuyệt vời hay đầy sức mạnh đối với một nhóm học sinh lại dường như bị một nhóm khác hạ thấp giá trị." Một nhà chuyên môn nghệ thuật ngôn ngữ người Canada thấy rằng quyển sách được các em học sinh da trắng hưởng ứng tốt, nhưng các em da màu lại thấy nó "gây nản lòng". Một học sinh đã đóng vai Calpurnia trong một vở diễn ở trường kể lại phản ứng của em như sau: "Quyển sách là từ quan điểm người da trắng, từ quan điểm của một người phân biệt chủng tộc. Bạn không tìm thấy gì nhiều ở các nhân vật Mỹ da màu; bạn không biết về nhân cách của họ rõ…. Nhưng chắc chắn có một thông điệp đằng sau nó. Tôi biết cơ bản quyển sách nói về nạn phân biệt chủng tộc nhưng đó không phải là tất cả bạn có thể cảm nhận từ nó."
Giai cấp
Ở buổi phỏng vấn năm 1964, tác giả Harper Lee đã kể nguyện vọng của bà là "trở thành… Jane Austen của miền Nam Alabama." Hai tác giả Austen và Lee đều thách thức vấn đề xã hội đương thời và đánh giá giá trị cá nhân thông qua địa vị xã hội. Khi Scout chọc quê người bạn nghèo cùng lớp, Walter Cunningham, ở nhà mình vào một ngày nọ, Calpurnia, người đầu bếp da đen, đã mắng và phạt cô bé. Atticus tôn trọng cách xử lý của Calpurnia và sau đó ông còn chống đối lại chị của mình, dì Alexandra đáng sợ, khi bà khăng khăng muốn đuổi Calpurnia. Nhà phê bình văn học Jean Blackall đã kể ra những ưu tiên mà hai tác giả đã cùng hướng đến, đó là "sự khẳng định trật tự xã hội, sự phụ tùng, nhã nhặn và tôn trọng mỗi cá nhân mà không dựa trên vị thế của họ."
Các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ rằng sự tiếp cận tầng lớp và chủng tộc của tác giả còn phức tạp hơn "đổ lỗi thành kiến chủng tộc chủ yếu cho những "kẻ da trắng nghèo rác rưởi"… Tác giả đã trình bày làm thế nào vấn đề về giới tính và giai cấp góp phần làm gia tăng thành kiến, làm dập tắt những chống đối với trật tự đang tồn tại và làm phức tạp quan niệm của rất nhiều người Mỹ về nguyên nhân gây ra nạn kỳ thị chủng tộc." Việc sử dụng giọng dẫn chuyện từ tầng lớp trung lưu là biện pháp nghệ thuật khiến độc giả cảm thấy thân thuộc, dù cho họ có khác biệt về giai cấp hoặc bối cảnh văn hóa, và khơi dậy cảm giác nhớ quê hương. Độc giả hòa vào cách nhìn cuộc sống của Scout và Jem, từ đó gắn kết với các mối quan hệ với bà Dubose bảo thủ - người trước cuộc nội chiến, gia đình Ewell ở giai cấp thấp, và gia đình Cunninghams, cũng nghèo như thế nhưng lại hành xử ở nhiều cách khác, ông Dolphus Raymond tuy giàu nhưng bị tẩy chay, và bà Calpurnia cùng với nhiều người da đen khác. Những đứa trẻ tiếp thu lời răn dạy của bố Atticus rằng không được đánh giá người khác cho đến khi chúng đặt mình vào vị trí người đó, tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc cho những động cơ và hành vi của mọi người.
Lòng dũng cảm và lương tri
Quyển tiểu thuyết đã được khen ngợi vì sự khai thác sâu sắc những hình thức khác nhau của lòng dũng cảm. Tính bốc đồng của Scout khi cô bé gây lộn với những đứa trẻ đã phỉ báng bố Atticus cho thấy nỗ lực của cô bé để bảo vệ cha mình. Dù vậy, Atticus mới là nhân vật nhân bản trung tâm của quyển sách. Ông đã dạy Jem một trong số những bài học quan trọng nhất của lòng dũng cảm. Trong đoạn văn kể về nguyên nhân ông bảo vệ Tom Robinson và miêu tả bà Dubose - người quyết tâm cai nghiện morphine, Atticus đã nói với Jem rằng lòng dũng cảm là "khi con biết con sẽ thất bại trước khi con bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra." Charles Shields, người đã viết quyển tiểu sử duy nhất của Harper Lee có độ dài bằng một quyển sách, đã đưa ra nguyên nhân giúp quyển tiểu thuyết trở nên nổi tiếng và đầy ảnh hưởng là "bài học về phẩm giá con người và sự tôn trọng người khác từ quyển sách luôn là điều cơ bản." Ông Atticus đã dạy Scout: "con không bao giờ thực sự biết một người cho đến khi con ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ", đây là một minh họa cho lương tri của ông. Cô bé đã nghĩ về lời dạy đó khi nghe Mayella Ewell khai ở toà án. Khi Mayella tỏ ra bối rối trước câu hỏi của ông Atticus là cô có bạn hay không, Scout đã nói rằng cô ấy chắc hẳn phải cô đơn hơn cả Boo Radley. Lúc cùng Boo Radley đi về nhà ông sau khi ông cứu mạng hai đứa trẻ, Scout đã đứng ở cổng nhà Radley và suy nghĩ về những sự việc diễn ra trong 3 năm qua từ góc nhìn của ông Boo. Một tác giả đã nhận xét: "bên cạnh những bi kịch, bất công và những mất mát, quyển tiểu thuyết còn đề cao lòng dũng cảm, lương tri và sự thức tỉnh của lịch sử để nhân loại trở nên hoàn thiện hơn."
Vai trò giới tính
Cũng như tác giả Lee đã khám phá sự phát triển của Jem trong việc tìm hiểu về xã hội còn bất công và phân biệt chủng tộc, Scout cũng nhận ra ý nghĩa của việc là giới nữ, và nhiều nhân vật nữ trong truyện đã tác động tới sự phát triển của cô bé. Sự khác biệt chủ yếu của Scout với cha và anh mình khiến cô bé có thể miêu tả sự đa dạng và chiều sâu của các nhân vật nữ trong quyển tiểu thuyết từ góc độ là một trong số họ và là một người ngoài cuộc. Mẫu hình giới nữ chính yếu của Scout là Calpurnia và người hàng xóm, cô Maudie, cả hai người đều mạnh mẽ, độc lập và ân cần. Mayella Ewell cũng là một tác động; Scout đã quan sát cô hủy hoại một người đàn ông vô tội chỉ để giấu đi sự khao khát của chính cô dành cho ông ta. Các nhân vật nữ đã phê bình Scout về việc thiếu đi nguyện vọng trở thành một quý cô nhiều nhất cũng là những người đã ủng hộ sự phân biệt chủng tộc và có thành kiến giai cấp. Tiêu biểu như bà Dubose, bà đã la mắng Scout vì không mặc váy, và cho rằng cô bé đang phá hoại danh tiếng của dòng họ, thêm vào đó là sỉ nhục ý định bào chữa cho Tom Robinson của ông Atticus. Bằng cách cân bằng giữa ảnh hưởng từ giới nam của ông Atticus và Jem và ảnh hưởng từ giới nữ của Calpurnia và cô Maudie, một nhà nghiên cứu đã viết: "Tác giả Lee dần dần cho thấy Scout đang trở thành một người bảo vệ quyền phụ nữ ở miền Nam, cùng với việc dùng giọng kể ở ngôi thứ nhất, bà cho thấy Scout/ Jean Louis vẫn cảm thấy mâu thuẫn về chuyện là một quý cô như bà đã từng khi còn nhỏ."
Sự vắng mặt của những người mẹ và thói ngược đãi của những người cha là một chủ đề khác của quyển tiểu thuyết. Mẹ của Scout và Jem đã qua đời trước khi Scout có thể nhớ về bà. Mẹ của Mayella cũng đã chết, còn bà Radley cũng mất trước khi Boo bị giam cầm trong nhà. Ngoài ông Atticus, những người cha trong truyện đều được miêu tả là những người bẳn tính. Có thể thấy Bob Ewell đã hành hung con gái mình, ông Radley đã giam lỏng con trai mình trong nhà đến nỗi Boo chỉ còn là một bóng ma. Bob Ewell và ông Radley đại diện cho một dạng tính khí nam giới mà Atticus không hề có, và quyển sách cho thấy những người đàn ông như thế cùng với những kẻ đạo đức giả, có thành kiến giai cấp có thể làm cho xã hội lạc lối. Ông Atticus nổi bật với hình tượng duy nhất của nam giới, mà một nhà nghiên cứu đã giải thích: "Đó là công việc của những người đàn ông đích thực, những người hiện thân cho những phẩm chất nam giới truyền thống của những cá nhân anh hùng, sự anh dũng, những kiến thức không bao giờ mất đi và sự cống hiến đối với công bằng và luân lý xã hội, để tạo nên một xã hội ngay thẳng."
Những điều luật đã được viết và chưa được viết
Giết con chim nhại còn nổi bật bởi cách quyển sách liên tưởng đến các vấn đề pháp lý, đặc biệt ở những cảnh bên ngoài phòng xử án và đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu pháp lý. Bà Claudia Durst Johnson đã chỉ ra thậm chí trong thế giới tuổi thơ của Scout và Jem, những vụ dàn xếp và thỏa thuận đã diễn ra bằng cách nhổ vào lòng bàn tay mỗi người và luật pháp đã được ông Atticus cùng hai con mình thảo luận rằng: việc Bob Ewell săn và đặt bẫy khi chưa tới mùa săn có đúng hay không? Nhiều quy tắc và luật pháp xã hội đã bị phá vỡ bởi những con người có mặt trong căn phòng xử án: Ông Dolphus Raymond đã bị đày ải bởi vì ông cưới một phụ nữ da đen và có những đứa con lai; Mayella Ewell bị cha mình đánh đập khi bị phát hiện đang hôn Tom Robinson; Boo Radley, từ lúc trở thành một con người không tồn tại, đã phải hứng chịu một hình phạt còn nặng hơn nhiều mà bất kì tòa án nào có thể đưa ra. Scout đã phá vỡ những quy tắc và phản ứng lại với chúng. Điển hình là cô bé không chịu mặc những bộ quần áo có diềm đăng ten, nói dì Alexandra là "người cuồng tín", cố bắt cô bé mặc những bộ quần áo đó. Nhà nghiên cứu Johnson cũng nói: "quyển tiểu thuyết là một bài nghiên cứu về cách Jem và Scout bắt đầu nhận thức được sự phức tạp của các quy tắc xã hội và làm thế nào hình thể của các mối quan hệ bị chi phối bởi các quy tắc đó đã thất bại hay là nuôi dưỡng những cư dân của các thế giới nhỏ bé đó."
Cái chết vô tội
Chim nhại và biểu tượng liên quan tới chúng đã xuất hiện xuyên suốt quyển tiểu thuyết. Hình tượng con chim nhại là mô típ chủ đạo cho đề tài này, lần đầu tiên xuất hiện khi ông Atticus tặng con mình một cây súng hơi vào lễ Giáng Sinh, ông cho phép chú Jack dạy chúng bắn súng. Ông đã căn dặn con mình rằng, dù chúng có thể bắn mọi con giẻ xanh mà chúng muốn, nhưng chúng phải nhớ một điều: "giết một con chim nhại là tội lỗi." Scout đã bối rối và tìm đến cô hàng xóm Maudie, người đã giải thích rằng những con chim nhại không bao giờ làm hại những sinh vật khác. Cô nói rằng chim nhại chỉ biết mang lại niềm vui qua tiếng hót, rằng "chúng không làm việc gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe." Nhà văn Edwin Bruell đã tóm tắt lại hình tượng này trong một bài viết vào năm 1964: "Giết con chim nhại là giết đi một thứ trong sáng và vô hại, cũng giống như Tom Robinson." Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra tác giả thường trở về với hình tượng con chim nhại để làm bật quan điểm nhân văn trong quyển sách.
Tom Robinson là ví dụ điển hình trong nhiều người vô tội bị hủy hoại vô tình hoặc cố tình trong quyển tiểu thuyết. Tuy thế, nhà nghiên cứu Christopher Metress đã liên kết hình ảnh con chim nhại với Boo Radley như sau: "Scout thay vì muốn phá Boo cho vui (như cô bé từng làm ở đầu quyển sách qua những vở kịch sai lệch về lịch sử của ông ta) thì cô bé đã đến gặp ông như với một "con chim nhại". Điều này cho thấy cô bé có phẩm chất tốt đẹp phải được nuôi dưỡng." Đoạn cuối quyển sách cũng thể hiện ý tưởng này ở đoạn Scout liên hệ ý nghĩa câu chuyện ông Atticus đã kể cô bé nghe với Boo Radley và Tom Robinson, qua một nhân vật bị hiểu lầm: "khi cuối cùng họ thấy cậu ta, tại sao cậu ta không làm bất cứ chuyện gì trong những chuyện đó…. Bố Atticus, cậu ta thực sự dễ thương." Và ông Atticus đã đáp: "Hầu hết con người là vậy, Scout, khi cuối cùng con gặp được họ." Quyển tiểu thuyết cho thấy sự trong sáng (và những người vô tội) bị mất đi thường xuyên đến nỗi nhà phê bình R. A. Dave cho rằng việc mọi nhân vật đã hoặc sẽ phải đối mặt với sự bại trận là điều không thể tránh khỏi, nêu lên yếu tố bi kịch cổ điển của quyển sách. Khi khai thác cách mỗi nhân vật giải quyết với thất bại của bản thân mình, tác giả đã xây dựng một khuôn mẫu để đánh giá nhân vật nào là tốt hay là xấu. Bà đã dẫn dắt người đọc qua những đánh giá đó, xen kẽ giữa sự ngưỡng mộ và châm biếm. Giọng văn châm biếm thể hiện qua nhân vật Scout khi cô bé quan sát cuộc họp của Hội truyền giáo, mà các thành viên Hội đã nhạo báng cô bé, "cho thấy một thái độ thiển cận, phân biệt đối với chủng tộc khác" trong khi trưng ra một bề ngoài "lịch thiệp, mộ đạo và đạo mạo." Ngược lại, khi ông Atticus thua vụ kiện Tom, ông là người cuối cùng rời phòng xử án, trừ hai đứa con ông và những người da đen đến tham dự ngồi ở ban công cho người da màu, tất cả họ đã đứng lên trong im lặng khi ông đi bên dưới để thể hiện sự kính trọng đối với nỗ lực của ông.
Bản dịch tiếng Việt
Tác phẩm lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt bởi Lương Minh Tâm và Phương Hiên, với nhan đề Giết chết một con chim mốc-kinh , do Nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 1973 in tại nhà máy in Thống Nhất, khổ sách 12x19 cm. Tuy nhiên bản dịch này không đầy đủ so với bản gốc.[1] To Kill a Mockingbird còn được Huỳnh Kim Oanh và Phạm Viêm Phương dịch với nhan đề tiếng Việt Giết con chim nhại, Nhà xuất bản Văn học và công ty Nhã Nam liên kết xuất bản, tháng 9 năm 2008.
Nguồn https://vi.wikipedia.org/wiki/Giet_con_chim_nhai
-------------------------------------------------------------------------------------------
Harper Lee
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Harper Lee
Harper Lee và tổng thống George W. Bush trong lễ trao Huân chương Tự do Tổng thống Hoa Kỳ tại Nhà Trắng ngày 5 tháng 11 năm 2007
Sinh 28 tháng 4, 1926
Monroeville, Alabama, Hoa Kỳ
Mất 19 tháng 2, 2016 (89 tuổi)
Monroeville, Alabama, Hoa Kỳ
Công việc Nhà văn
Quốc gia Hoa Kỳ
Ảnh hưởng bởi
Truman Capote, William Faulkner
Ảnh hưởng tới
David Watterson
Nelle Harper Lee (28 tháng 4 năm 1926 – 19 tháng 2 năm 2016), thường được biết tới với tên Harper Lee, là một nữ nhà văn người Mỹ. Bà được biết tới nhiều nhất qua tiểu thuyết đầu tay Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird). Ngày 5 tháng 11 năm 2007, Harper Lee đã được tổng thống George W. Bush trao Huân chương Tự do Tổng thống Hoa Kỳ (Presidential Medal of Freedom), huân chương cao quý nhất dành cho công dân Hoa Kỳ, vì những đóng góp của bà cho văn học Mỹ.
Vào tháng 2 năm 2015, luật sư của Lee xác nhận xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 2, Go Set a Watchman. Được sáng tác vào giữa thập niên 1950, quyển sách phát hành vào tháng 7 năm 2015 như là phần tiếp theo của Giết con chim nhại.
Tiểu sử
Nelle Harper Lee sinh năm 1926 tại thị trấn nhỏ Monroeville thuộc tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ. Bà là con út trong số bốn người con của ông bà Amasa Coleman Lee và Frances Cunningham Finch Lee.Bố của Harper Lee là một luật sư làm việc tại cơ quan tư pháp tiểu bang, trước đó ông từng là một biên tập viên tờ báo địa phương. Từ khi còn nhỏ bà đã bộc lộ niềm yêu thích văn chương, Harper Lee chơi rất thân với cậu bé hàng xóm có tên Truman Capote, người sau này cũng trở thành một trong những phóng viên và nhà văn nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại Monroeville,Lee vào học tại trường nữ sinh Huntingdon College ở Montgomery (1944–45) và sau đó theo học cử nhân luật tại Đại học Alabama (University of Alabama, 1945–50). Trong thời gian là sinh viên, Harper Lee tham gia viết bài và biên tập cho tờ báo của trường, tờ Rammer Jammer. Chưa hoàn thành hết khóa học cử nhân luật, Harper Lee đã sang Anh học một mùa hè tại Oxford rồi quay trở về New York làm nhân viên cho hãng hàng không Eastern Air Lines và BOAC.Mãi đến cuối thập niên 1950 Lee mới quyết định nghỉ việc để tập trung sức lực cho nghề viết văn.
Sự nghiệp
Sau khi hoàn thành một số truyện dài, vào cuối năm 1956 Harper Lee được tặng nguyên một năm lương với đề nghị bà dùng năm nghỉ ngơi này để sáng tác bất cứ gì mình thích.Trong vòng một năm, nữ nhà văn viết xong bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay, sau đó bà cùng với biên tập viên Tay Hohoff của nhà xuất bản J. B. Lippincott & Co. hoàn thành Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird) vào mùa hè năm 1959. Tiểu thuyết có nhiều nét tương tự như một cuốn tự truyện của chính nhà văn, nó lấy không gian một thị trấn nhỏ ở Alabama với nhân vật chính là cô bé Jean Louise "Scout" Finch, con gái luật sư Atticus Finch. Trong tiểu thuyết còn xuất hiện nhân vật Dill, bạn của Scout, với hình mẫu được lấy từ người bạn thân của Harper Lee là Truman Capote. Điều thú vị là Harper Lee trước đó cũng trở thành hình mẫu để Capote xây dựng một nhân vật trong tiểu thuyết Other Voices, Other Rooms xuất bản năm 1948 của ông. Xuất bản lần đầu tiên ngày 11 tháng 7 năm 1960, Giết con chim nhại đã nhanh chóng trở thành tác phẩm ăn khách cũng như được giới phê bình đánh giá rất cao. Harper Lee đã được trao Giải Pulitzer Văn học (Pulitzer Prize for Fiction) năm 1961 cho tiểu thuyết này. Sau khi ra đời, Giết con chim nhại đã được tái bản rất nhiều lần cũng như được chuyển thể thành phim và trở thành một trong những tác phẩm văn học đáng chú ý nhất thế kỷ 20 của văn học Mỹ.
Sau khi hoàn thành Giết con chim nhại, Lee làm trợ lý cho Capote trong chuyến đi của ông tới Holcomb, Kansas để tìm hiểu thông tin về một vụ giết người dã man nhằm viết bài cho báo The New Yorker. Tư liệu từ chuyến đi này của hai người sau đó đã được Capote sử dụng để viết tiểu thuyết xuất sắc nhất của ông, In Cold Blood (1966). Về phần Lee, mặc dù đã trở nên nổi tiếng nhờ tiểu thuyết đầu tay, bà hầu như từ chối mọi cuộc phỏng vấn hoặc xuất hiện nơi công cộng và cũng ngừng viết văn, ngoại trừ một số tiểu luận ngắn. Tiểu thuyết thứ hai của bà, The Long Goodbye, vì thế chưa bao giờ được hoàn thành. Giữa thập niên 1980, Lee cũng từng có ý định viết một cuốn sách về vụ giết người hàng loạt ở Alabama, nhưng rồi bà cũng nhanh chóng bỏ qua dự án vì không hài lòng với nó.Trong một buổi họp mặt tại Alabama năm 2008, Lee đã từ chối lời mời xuất hiện trước công chúng với lý do: "Tốt hơn là im lặng thay vì trở thành một kẻ khờ".
Vinh danh
Tháng 6 năm 1966, Harper Lee là một trong hai người được tổng thống Lyndon B. Johnson mời tham gia Ủy ban Nghệ thuật Quốc gia (Hoa Kỳ) (National Council on the Arts). Ngày 5 tháng 11 năm 2007, bà được tổng thống George W. Bush trao Huân chương Tự do Tổng thống Hoa Kỳ (Presidential Medal of Freedom), huân chương cao quý nhất dành cho công dân Hoa Kỳ, vì những đóng góp của bà cho văn học Mỹ.
Năm 2005 trong bộ phim Capote làm về quá trình tìm tư liệu và sáng tác In Cold Blood của Truman Capote, nữ diễn viên Catherine Keener đã vào vai Harper Lee. Keener đã được đề cử Giải Oscar nữ diễn viên phụ cho vai diễn này. Một năm sau đó trong bộ phim tiểu sử về Truman Capote, Infamous, đến lượt Sandra Bullock được giao khắc họa lại hình ảnh của Harper Lee.
Qua đời
Lee mất trong khi đang ngủ vào buổi sáng ngày 19 tháng 2 năm 2016 ở tuổi 89.Trước lúc nhắm mắt, bà vẫn sống tại Monroeville, Alabama.
Tác phẩm
Sách
Giết con chim nhại (1960)
Go Set a Watchman (2015)
Bài báo
"Love—In Other Words". (15 tháng 4 năm 1961) Vogue, pp. 64–65
"Christmas to Me". (tháng 12 năm 1961) McCall's
"When Children Discover America". (tháng 8 năm 1965) McCall's
"Romance and High Adventure" (1983)
Bức thư đến Oprah Winfrey (tháng 7 nă 2006), O: The Oprah Magazine
Nguồn https://vi.wikipedia.org/wiki/Harper_Lee
-------------------------------------------------------------------------------------------
9 bí mật trong cuộc đời của tác giả 'Giết con chim nhại'
Harper Lee - tác giả của “Giết con chim nhại” - chỉ
có một hành trình quen thuộc là từ nhà đi ra… tiệm giặt, vì nhà bà
không có máy giặt, cũng chẳng có máy lạnh, máy tính, điện thoại. Để viết
lách, bà vẫn dùng máy đánh chữ. Tiền, đối với bà, chỉ để làm từ thiện.
Nhà văn Harper Lee
Harper Lee - tác giả nổi tiếng của tác phẩm “Giết con chim nhại” đã
vừa qua đời ở tuổi 89. Nổi tiếng là một cây bút trí tuệ và dí dỏm, nhưng
lại rất dè dặt trước truyền thông và công chúng, Harper Lee đã đạt được
danh tiếng lớn kể từ năm 1960 khi cho ra mắt tác phẩm đầu tay - cuốn
tiểu thuyết “Giết con chim nhại”.
Tác phẩm đã lột tả thực tế phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ qua ánh nhìn quan sát của trẻ thơ. Công chúng biết tới và hâm mộ Harper Lee nhờ một tác phẩm duy nhất được công bố trong gần suốt cuộc đời bà. Tuy vậy, khi tìm hiểu về cuộc đời riêng của nữ nhà văn, cũng có rất nhiều điều bí ẩn thú vị khác khiến người ta càng thêm yêu mến bà và tác phẩm:
Sự nghiệp viết lách của Harper Lee bắt đầu từ một món quà Giáng sinh
Là con gái của một luật sư làm việc ở bang Alabama, Harper Lee chuyển tới sống ở New York để vừa làm việc vừa viết lách kể từ năm 1949. Khi đang làm nhân viên bán vé máy bay cho một hãng hàng không hồi năm 1956, hai người bạn có tên Michael và Joy Brown đã tặng cho Harper Lee một món quà Giáng sinh không thể nào quên.
Đó là một món tiền đủ để bà có thể bỏ việc và sống trong một năm mà không cần lo nghĩ đến tiền, trong một năm đó, hai người bạn muốn Harper Lee dùng để chuyên tâm vào việc viết lách. Bên cạnh món tiền là một tờ giấy nhắn: “Cậu có một năm không phải làm việc để viết nên bất cứ thứ gì cậu thích. Chúc Giáng sinh vui vẻ!”.
Harper Lee đã dùng món quà tuyệt vời đó một cách không hề phí phạm, chính trong năm này, bà đã viết nên tác phẩm nổi tiếng thế giới - cuốn “Giết con chim nhại”.
Năm 2015, độc giả trên khắp thế giới đã rất bất ngờ khi nhà xuất bản HarperCollins tuyên bố rằng Harper Lee - nữ nhà văn ẩn dật vốn luôn đặt mình nằm ngoài mọi sự quan tâm của truyền thông và công chúng - đã đồng ý cho xuất bản phần tiếp theo của cuốn “Giết con chim nhại”, đó là cuốn “Giá của tỉnh ngộ” (Go Set A Watchman) hồi năm 2015.
Sự việc này ban đầu đã gây ra khá nhiều tranh cãi trong dư luận, về cách Harper Lee khắc họa nhân vật luật sư Atticus Finch là một người phân biệt chủng tộc trong phần 2.
Hoàn cảnh cho ra mắt cuốn “Giá của tỉnh ngộ”, khi Harper Lee đã quá lớn tuổi và có nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là việc bà bị mất thính giác khá nặng, đã khiến nhiều người lo ngại về việc liệu cuốn sách này có ra mắt đúng theo ý nguyện của bà không.
Harper Lee là bạn thời niên thiếu của nhà văn Truman Capote
Harper Lee là bạn thời niên thiếu với nhà văn Truman Capote. Hai nhà văn nổi tiếng của Mỹ từng là những người bạn hàng xóm của nhau. Cha của Harper Lee đã truyền cảm hứng cho nhân vật Atticus Finch trong “Giết con chim nhại”, ngoài ra, ông còn tặng cho hai đứa trẻ một chiếc máy đánh chữ cũ để cả hai có thể cùng sử dụng và soạn thảo ra những trang văn đầu tiên.
Trong “Giết con chim nhại”, nhân vật Dill Harris - một người bạn của cô bé Scout Finch - đã được lấy cảm hứng từ Truman Capote. Harper Lee cũng là người đã trợ giúp Truman Capote trong quá trình ông sáng tác nên tác phẩm mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp của mình - cuốn “In Cold Blood” (Máu lạnh).
Tuy vậy, tình bạn giữa hai người đã dừng lại khi Truman Capote không hề đề cập tới Harper Lee trong cuốn sách của mình. Tình bạn một thời giữa họ cùng với sự ẩn dật của Harper Lee đã từng khiến người ta đồn thổi rằng Truman Capote mới thực sự là tác giả của “Giết con chim nhại”, bất kẻ sự đối lập về giọng văn và phong cách.
Khi Harper Lee cho ra mắt tác phẩm thứ hai trong những ngày tháng cuối đời, một số lời đồn thổi xuất hiện trở lại, họ cho rằng đây là cơ hội để phân tích ngôn ngữ trong hai tác phẩm nhằm làm rõ thực hư. Tuy vậy, cho tới giờ, chưa ai có thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào xác đáng cho thấy “Giết con chim nhại” không phải tác phẩm do Harper Lee thực hiện.
Trong năm qua, chính quyền bang Alabama đã tiến hành một cuộc điều tra đối với nghi vấn lạm dụng người già mà những người gần gũi xung quanh Harper Lee có thể đã gây ra đối với bà nhằm ép buộc bà cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai “Giá của tỉnh ngộ”.
Tuy vậy, kết quả điều tra cho thấy Harper Lee vẫn hoàn toàn minh mẫn trong những năm tháng cuối đời và không có chuyện bà bị lợi dụng tên tuổi để cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết không mong muốn.
Harper Lee dành cả cuộc đời để gắn bó với quê nhà của mình
Thành phố Monroeville ở bang Alabama - nơi nhà văn Harper Lee sinh ra - không chỉ truyền cảm hứng cho địa danh Maycomb trong “Giết con chim nhại” mà còn là nơi nữ nhà văn lựa chọn gắn bó trong gần suốt cuộc đời - một thành phố yên bình, tĩnh lặng.
Harper Lee là một nhân vật nổi tiếng ở Monroeville, và người dân Monroeville bảo vệ cho ý nguyện sống ẩn dật của Harper Lee “rất dữ”. Họ không cho phép ai quấy rầy nữ nhà văn của họ.
Harper Lee - nữ văn sĩ ẩn dật hàng đầu thế giới
Chỉ bằng một cuốn tiểu thuyết đầu tay duy nhất - “Giết con chim nhại” đã giúp Harper Lee trở thành tác giả danh tiếng và giàu có, tuy vậy, kể từ sau thành công lớn này, Harper Lee ngay lập tức bước vào cuộc sống ẩn dật, bà tránh né truyền thông và công chúng hơn bao giờ hết. Để gặp được bà và phỏng vấn là điều không tưởng đối với các phóng viên.
Cuộc sống của Harper Lee được biết tới là một đời sống hết sức giản dị và thanh đạm. Những thông tin về đời sống cá nhân của bà là rất hiếm, nhưng theo tờ New Yorker, Harper Lee đã kiếm được 816.448 đô la (tương đương hơn 18 tỉ đồng) tiền bản quyền từ tác phẩm của mình chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2010.
Suốt từ năm 1960 đến nay, độc giả có thể tạm tính “sơ sơ” khối gia sản kếch xù của nữ nhà văn. Tuy vậy, vì có một đời sống quá giản dị, nên bà không bao giờ cần phải chi tiêu nhiều. Bà chẳng giao du với mấy ai, cũng không đi du lịch. Chuyến hành trình mà bà thường thực hiện là… đi từ nhà tới tiệm giặt là bởi ở nhà, Harper Lee không có máy giặt.
Ngoài ra, Harper Lee còn không có điều hòa, máy tính và điện thoại di động. Đối với việc sáng tác và viết thư từ, bà vẫn sử dụng máy đánh chữ. Về gia sản kếch xù của mình, người ta được biết rằng Harper Lee vẫn âm thầm quyên góp cho nhà thờ và các tổ chức từ thiện.
Quá trình sáng tác “Giết con chim nhại” kéo dài và mệt mỏi
Harper Lee đã từng phải dành ra 6-12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để viết, bà ép mình phải viết được một trang bản thảo mỗi ngày. Harper Lee từng chia sẻ trong một cuộc đối thoại hiếm hoi với sinh viên một trường Đại học hồi cuối thập niên 1960 rằng:
“Đối lập với những gì đa phần mọi người vẫn nghĩ, không có hào nhoáng nào trong nghề viết. Thực tế, phần lớn thời gian, bạn sẽ cảm thấy đau buồn xé ruột”.
Harper Lee từng muốn nam diễn viên Spencer Tracy đảm nhận vai luật sư Atticus Finch
Về bộ phim điện ảnh cùng tên ra mắt năm 1962, Harper Lee từng viết một lá thư đề nghị nam diễn viên Spencer Tracy nhận lời đảm nhận vai diễn luật sư Atticus Finch, nhưng tại thời điểm đó, nam diễn viên đang bận rộn với những kế hoạch diễn xuất khác, vì vậy, vai diễn đã được giao cho Gregory Peck.
Sau bộ phim, Harper Lee đã chuyển sang ngưỡng mộ Peck vì anh đã đảm nhận vai diễn rất tốt. Với vai diễn ấn tượng này, Gregory Peck đã giành được tượng vàng Oscar cho Nam chính xuất sắc. Phim nhận được 8 đề cử và rinh về 3 tượng vàng.
Harper Lee thậm chí đã tặng cho nam diễn viên chiếc đồng hồ bỏ túi tuyệt đẹp của cha mình như một cách để thể hiện sự tôn vinh dành cho vai diễn của Peck. Chiếc đồng hồ có khắc dòng chữ “Tới Gregory từ Harper”. Họ đã trở thành bạn của nhau kể từ bấy giờ cho tới tận khi Peck qua đời năm 2003.
Harper Lee từng xuất hiện trên màn ảnh hai lần
Đó là trong hai bộ phim tiểu sử làm về nhà văn Mỹ Truman Capote - người bạn thuở ấu thơ của bà. Hai bộ phim lần lượt là “Capote” (2005) và “Infamous” (2006). Tình bạn giữa hai nhà văn nổi tiếng hàng đầu trong văn đàn Mỹ từ thuở ấu thơ đương nhiên là một chi tiết hay không thể bỏ qua. Trong cả hai bộ phim này đều có sự xuất hiện của nhân vật mang tên Harper Lee.
Nhận xét về hai bộ phim này, Harper Lee cho rằng “Infamous” hay hơn, nhưng “Capote” đúng với thực tế hơn. Trong “Infamous”, nhân vật Harper Lee ở tuổi trưởng thành do nữ diễn viên Sandra Bullock đảm nhiệm.
Về sau, Harper Lee đã có lần nói với đạo diễn của “Infamous” rằng: “Ông tạo nên một cô gái thật ngọt ngào, tươi sáng và gọi cô ấy là Harper Lee, điều đó khiến tôi bỏ qua cho mấy đôi tất”. Ý của Harper Lee là việc ông để nữ diễn viên Bullock đi tất trắng với giày đen - một kiểu thời trang không được lòng nữ nhà văn.
Mỗi năm có tới 30.000 khách du lịch tới thăm thành phố Monroeville
Dù các du khách đều biết họ sẽ không bao giờ có thể gặp Harper Lee ở Monroeville, nhưng người ta vẫn muốn đi dạo trong thành phố đã truyền cảm hứng cho địa danh Maycomb trong “Giết con chim nhại”.
Trụ sở tòa án cũ của thành phố giờ đây đã trở thành một viện bảo tàng với hai triển lãm về hai nhà văn nổi tiếng sinh ra từ đây: “Truman Capote: Tuổi thơ ở Monroeville” và “Harper Lee: Trong những ngôn từ của chính bà”.
Dù bộ phim “Giết con chim nhại” (1962) không được quay tại Monroeville, nhưng người ta đã dựng lên một Monroeville giống hệt trên trường quay bởi thị trấn Maycomb giả tưởng chính là Monroeville yêu dấu của Harper Lee.
Mỗi mùa hè, vở kịch “Giết con chim nhại” lại được trình diễn trong thành phố, nửa sau của vở kịch diễn ra trong phòng xử án với những người đi xem kịch ngồi trên những băng ghế trong phòng xử án như thể họ đang được xem một phiên tòa thực sự.
Harper Lee từng hối tiếc vì đã viết ra “Giết con chim nhại”
Harper Lee từng tâm sự với nữ nhà văn Marja Mills - người từng là hàng xóm của bà trong hơn một năm, rằng: “Tôi ước gì tôi chưa từng viết ra cuốn sách đó”.
Một vài năm sau, khi có dịp gặp lại bà, nhà văn Marja Mills hỏi lại rằng bây giờ bà có còn cảm thấy hối tiếc nữa không, lúc này Harper trả lời rằng: “Đôi khi tôi vẫn cảm thấy thế. Nhưng rồi cảm giác đó nhanh chóng trôi qua”.
Tác phẩm đã lột tả thực tế phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ qua ánh nhìn quan sát của trẻ thơ. Công chúng biết tới và hâm mộ Harper Lee nhờ một tác phẩm duy nhất được công bố trong gần suốt cuộc đời bà. Tuy vậy, khi tìm hiểu về cuộc đời riêng của nữ nhà văn, cũng có rất nhiều điều bí ẩn thú vị khác khiến người ta càng thêm yêu mến bà và tác phẩm:
Sự nghiệp viết lách của Harper Lee bắt đầu từ một món quà Giáng sinh
Là con gái của một luật sư làm việc ở bang Alabama, Harper Lee chuyển tới sống ở New York để vừa làm việc vừa viết lách kể từ năm 1949. Khi đang làm nhân viên bán vé máy bay cho một hãng hàng không hồi năm 1956, hai người bạn có tên Michael và Joy Brown đã tặng cho Harper Lee một món quà Giáng sinh không thể nào quên.
Đó là một món tiền đủ để bà có thể bỏ việc và sống trong một năm mà không cần lo nghĩ đến tiền, trong một năm đó, hai người bạn muốn Harper Lee dùng để chuyên tâm vào việc viết lách. Bên cạnh món tiền là một tờ giấy nhắn: “Cậu có một năm không phải làm việc để viết nên bất cứ thứ gì cậu thích. Chúc Giáng sinh vui vẻ!”.
Harper Lee đã dùng món quà tuyệt vời đó một cách không hề phí phạm, chính trong năm này, bà đã viết nên tác phẩm nổi tiếng thế giới - cuốn “Giết con chim nhại”.
Năm 2015, độc giả trên khắp thế giới đã rất bất ngờ khi nhà xuất bản HarperCollins tuyên bố rằng Harper Lee - nữ nhà văn ẩn dật vốn luôn đặt mình nằm ngoài mọi sự quan tâm của truyền thông và công chúng - đã đồng ý cho xuất bản phần tiếp theo của cuốn “Giết con chim nhại”, đó là cuốn “Giá của tỉnh ngộ” (Go Set A Watchman) hồi năm 2015.
Sự việc này ban đầu đã gây ra khá nhiều tranh cãi trong dư luận, về cách Harper Lee khắc họa nhân vật luật sư Atticus Finch là một người phân biệt chủng tộc trong phần 2.
Hoàn cảnh cho ra mắt cuốn “Giá của tỉnh ngộ”, khi Harper Lee đã quá lớn tuổi và có nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là việc bà bị mất thính giác khá nặng, đã khiến nhiều người lo ngại về việc liệu cuốn sách này có ra mắt đúng theo ý nguyện của bà không.
Harper Lee là bạn thời niên thiếu của nhà văn Truman Capote
Harper Lee là bạn thời niên thiếu với nhà văn Truman Capote. Hai nhà văn nổi tiếng của Mỹ từng là những người bạn hàng xóm của nhau. Cha của Harper Lee đã truyền cảm hứng cho nhân vật Atticus Finch trong “Giết con chim nhại”, ngoài ra, ông còn tặng cho hai đứa trẻ một chiếc máy đánh chữ cũ để cả hai có thể cùng sử dụng và soạn thảo ra những trang văn đầu tiên.
Trong “Giết con chim nhại”, nhân vật Dill Harris - một người bạn của cô bé Scout Finch - đã được lấy cảm hứng từ Truman Capote. Harper Lee cũng là người đã trợ giúp Truman Capote trong quá trình ông sáng tác nên tác phẩm mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp của mình - cuốn “In Cold Blood” (Máu lạnh).
Tuy vậy, tình bạn giữa hai người đã dừng lại khi Truman Capote không hề đề cập tới Harper Lee trong cuốn sách của mình. Tình bạn một thời giữa họ cùng với sự ẩn dật của Harper Lee đã từng khiến người ta đồn thổi rằng Truman Capote mới thực sự là tác giả của “Giết con chim nhại”, bất kẻ sự đối lập về giọng văn và phong cách.
Khi Harper Lee cho ra mắt tác phẩm thứ hai trong những ngày tháng cuối đời, một số lời đồn thổi xuất hiện trở lại, họ cho rằng đây là cơ hội để phân tích ngôn ngữ trong hai tác phẩm nhằm làm rõ thực hư. Tuy vậy, cho tới giờ, chưa ai có thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào xác đáng cho thấy “Giết con chim nhại” không phải tác phẩm do Harper Lee thực hiện.
Trong năm qua, chính quyền bang Alabama đã tiến hành một cuộc điều tra đối với nghi vấn lạm dụng người già mà những người gần gũi xung quanh Harper Lee có thể đã gây ra đối với bà nhằm ép buộc bà cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai “Giá của tỉnh ngộ”.
Tuy vậy, kết quả điều tra cho thấy Harper Lee vẫn hoàn toàn minh mẫn trong những năm tháng cuối đời và không có chuyện bà bị lợi dụng tên tuổi để cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết không mong muốn.
Harper Lee dành cả cuộc đời để gắn bó với quê nhà của mình
Thành phố Monroeville ở bang Alabama - nơi nhà văn Harper Lee sinh ra - không chỉ truyền cảm hứng cho địa danh Maycomb trong “Giết con chim nhại” mà còn là nơi nữ nhà văn lựa chọn gắn bó trong gần suốt cuộc đời - một thành phố yên bình, tĩnh lặng.
Harper Lee là một nhân vật nổi tiếng ở Monroeville, và người dân Monroeville bảo vệ cho ý nguyện sống ẩn dật của Harper Lee “rất dữ”. Họ không cho phép ai quấy rầy nữ nhà văn của họ.
Harper Lee - nữ văn sĩ ẩn dật hàng đầu thế giới
Chỉ bằng một cuốn tiểu thuyết đầu tay duy nhất - “Giết con chim nhại” đã giúp Harper Lee trở thành tác giả danh tiếng và giàu có, tuy vậy, kể từ sau thành công lớn này, Harper Lee ngay lập tức bước vào cuộc sống ẩn dật, bà tránh né truyền thông và công chúng hơn bao giờ hết. Để gặp được bà và phỏng vấn là điều không tưởng đối với các phóng viên.
Cuộc sống của Harper Lee được biết tới là một đời sống hết sức giản dị và thanh đạm. Những thông tin về đời sống cá nhân của bà là rất hiếm, nhưng theo tờ New Yorker, Harper Lee đã kiếm được 816.448 đô la (tương đương hơn 18 tỉ đồng) tiền bản quyền từ tác phẩm của mình chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2010.
Suốt từ năm 1960 đến nay, độc giả có thể tạm tính “sơ sơ” khối gia sản kếch xù của nữ nhà văn. Tuy vậy, vì có một đời sống quá giản dị, nên bà không bao giờ cần phải chi tiêu nhiều. Bà chẳng giao du với mấy ai, cũng không đi du lịch. Chuyến hành trình mà bà thường thực hiện là… đi từ nhà tới tiệm giặt là bởi ở nhà, Harper Lee không có máy giặt.
Ngoài ra, Harper Lee còn không có điều hòa, máy tính và điện thoại di động. Đối với việc sáng tác và viết thư từ, bà vẫn sử dụng máy đánh chữ. Về gia sản kếch xù của mình, người ta được biết rằng Harper Lee vẫn âm thầm quyên góp cho nhà thờ và các tổ chức từ thiện.
Quá trình sáng tác “Giết con chim nhại” kéo dài và mệt mỏi
Harper Lee đã từng phải dành ra 6-12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để viết, bà ép mình phải viết được một trang bản thảo mỗi ngày. Harper Lee từng chia sẻ trong một cuộc đối thoại hiếm hoi với sinh viên một trường Đại học hồi cuối thập niên 1960 rằng:
“Đối lập với những gì đa phần mọi người vẫn nghĩ, không có hào nhoáng nào trong nghề viết. Thực tế, phần lớn thời gian, bạn sẽ cảm thấy đau buồn xé ruột”.
Harper Lee từng muốn nam diễn viên Spencer Tracy đảm nhận vai luật sư Atticus Finch
Về bộ phim điện ảnh cùng tên ra mắt năm 1962, Harper Lee từng viết một lá thư đề nghị nam diễn viên Spencer Tracy nhận lời đảm nhận vai diễn luật sư Atticus Finch, nhưng tại thời điểm đó, nam diễn viên đang bận rộn với những kế hoạch diễn xuất khác, vì vậy, vai diễn đã được giao cho Gregory Peck.
Sau bộ phim, Harper Lee đã chuyển sang ngưỡng mộ Peck vì anh đã đảm nhận vai diễn rất tốt. Với vai diễn ấn tượng này, Gregory Peck đã giành được tượng vàng Oscar cho Nam chính xuất sắc. Phim nhận được 8 đề cử và rinh về 3 tượng vàng.
Harper Lee thậm chí đã tặng cho nam diễn viên chiếc đồng hồ bỏ túi tuyệt đẹp của cha mình như một cách để thể hiện sự tôn vinh dành cho vai diễn của Peck. Chiếc đồng hồ có khắc dòng chữ “Tới Gregory từ Harper”. Họ đã trở thành bạn của nhau kể từ bấy giờ cho tới tận khi Peck qua đời năm 2003.
Harper Lee từng xuất hiện trên màn ảnh hai lần
Đó là trong hai bộ phim tiểu sử làm về nhà văn Mỹ Truman Capote - người bạn thuở ấu thơ của bà. Hai bộ phim lần lượt là “Capote” (2005) và “Infamous” (2006). Tình bạn giữa hai nhà văn nổi tiếng hàng đầu trong văn đàn Mỹ từ thuở ấu thơ đương nhiên là một chi tiết hay không thể bỏ qua. Trong cả hai bộ phim này đều có sự xuất hiện của nhân vật mang tên Harper Lee.
Nhận xét về hai bộ phim này, Harper Lee cho rằng “Infamous” hay hơn, nhưng “Capote” đúng với thực tế hơn. Trong “Infamous”, nhân vật Harper Lee ở tuổi trưởng thành do nữ diễn viên Sandra Bullock đảm nhiệm.
Về sau, Harper Lee đã có lần nói với đạo diễn của “Infamous” rằng: “Ông tạo nên một cô gái thật ngọt ngào, tươi sáng và gọi cô ấy là Harper Lee, điều đó khiến tôi bỏ qua cho mấy đôi tất”. Ý của Harper Lee là việc ông để nữ diễn viên Bullock đi tất trắng với giày đen - một kiểu thời trang không được lòng nữ nhà văn.
Mỗi năm có tới 30.000 khách du lịch tới thăm thành phố Monroeville
Dù các du khách đều biết họ sẽ không bao giờ có thể gặp Harper Lee ở Monroeville, nhưng người ta vẫn muốn đi dạo trong thành phố đã truyền cảm hứng cho địa danh Maycomb trong “Giết con chim nhại”.
Trụ sở tòa án cũ của thành phố giờ đây đã trở thành một viện bảo tàng với hai triển lãm về hai nhà văn nổi tiếng sinh ra từ đây: “Truman Capote: Tuổi thơ ở Monroeville” và “Harper Lee: Trong những ngôn từ của chính bà”.
Dù bộ phim “Giết con chim nhại” (1962) không được quay tại Monroeville, nhưng người ta đã dựng lên một Monroeville giống hệt trên trường quay bởi thị trấn Maycomb giả tưởng chính là Monroeville yêu dấu của Harper Lee.
Mỗi mùa hè, vở kịch “Giết con chim nhại” lại được trình diễn trong thành phố, nửa sau của vở kịch diễn ra trong phòng xử án với những người đi xem kịch ngồi trên những băng ghế trong phòng xử án như thể họ đang được xem một phiên tòa thực sự.
Harper Lee từng hối tiếc vì đã viết ra “Giết con chim nhại”
Harper Lee từng tâm sự với nữ nhà văn Marja Mills - người từng là hàng xóm của bà trong hơn một năm, rằng: “Tôi ước gì tôi chưa từng viết ra cuốn sách đó”.
Một vài năm sau, khi có dịp gặp lại bà, nhà văn Marja Mills hỏi lại rằng bây giờ bà có còn cảm thấy hối tiếc nữa không, lúc này Harper trả lời rằng: “Đôi khi tôi vẫn cảm thấy thế. Nhưng rồi cảm giác đó nhanh chóng trôi qua”.
Theo Dân trí
Nguồn http://www.tienphong.vn/van-nghe/9-bi-mat-trong-cuoc-doi-cua-tac-gia-giet-con-chim-nhai-972075.tpo
Tác giả ‘Giết con chim nhại’ qua đời ở tuổi 89
TPO -
Tờ Huffington Post dẫn nguồn tin từ trang AL.com cho biết: vì tuổi cao
sức yếu, nữ văn sĩ Harper Lee - tác giả của cuốn tiểu thuyết bất hủ
“Giết con chim nhại” đã qua đời tại quê hương Monroeville (Alabama, Mỹ) ở
tuổi 89.
Nữ văn sĩ Harper Lee
Theo tờ Huffington Post, sức khỏe nữ văn sĩ Harper Lee đã
suy giảm nghiêm trọng một thời gian dài trước khi qua đời. Bà từng bị
đột quỵ năm 2007 và sau đó gần như mất khả năng nghe, nhìn.
Thông tin nhà văn Harper Lee qua đời mới đây đã được xác nhận bởi thị trưởng thành phố Monroeville (Alabama, Mỹ) - nơi nữ văn sĩ sinh ra và sống những năm cuối đời, theo BBC.
Nelle Harper Lee (sinh ngày 28/4/1926) tại Monroeville (Alabama, Mỹ). Bà là con út trong số bốn người con của ông Amasa Coleman Lee (luật sư, biên tập viên tờ báo địa phương) và bà Frances Cunningham Finch Lee.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại Monroeville vào năm 1944, Harper Lee vào học tại trường nữ sinh Huntingdon College ở Montgomery và sau đó theo học cử nhân luật tại Đại học Alabama. Khi đang là sinh viên, Harper Lee đã bắt đầu bén duyên với nghề viết lách. Một thời gian sau, bà quyết định gác mọi việc và chỉ tập trung viết văn.
Bà được biết tới nhiều nhất qua tiểu thuyết đầu tay “Giết con chim nhại”
(“To Kill a Mockingbird”) xuất bản lần đầu vào tháng 7/1960. Với tác
phẩm này, năm 1961, tác giả Harper Lee đã được nhận giải Pulitzer vì
được ghi nhận là đã đóng góp lớn cho nền văn học Mỹ. Tiểu thuyết này
được chuyển thể thành phim năm 1962.
Phải đến 55 năm sau khi xuất bản “Giết con chim nhại”, Harper Lee mới
cho ra đời cuốn sách thứ hai trong cuộc đời cầm bút – “Go Set a
Watchman” (“Bố trí người canh gác”), một cuốn tiểu thuyết có liên quan
mật thiết với kiệt tác đầu tay của bà, hay còn được gọi là bản nháp của
“Giết con chim nhại”.
Cuốn sách được xuất bản tháng 7/2015 và ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong “Bố trí người canh gác”, nhân vật Atticus Finch đã tham dự một cuộc họp của lực lượng phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan và phản đối việc xóa bỏ phân biệt chủng tộc, tương phản hoàn toàn với hình ảnh một luật sư cao quý và luôn hết lòng bảo vệ người da đen như trong “Giết con chim nhại”.
Dù gây tranh cãi nhưng những gì Harper Lee đóng góp cho nền văn học
thế giới là không thể phủ nhận. Hình ảnh con chim nhại (mockingbird)
được bà dùng lặp đi lặp lại trong cuốn tiểu thuyết đầu tay bất hủ đã trở
thành biểu tượng của sự trong trắng và cái đẹp chống lại chủ nghĩa phân
biệt chủng tộc và lòng hận thù.
Thông tin nhà văn Harper Lee qua đời mới đây đã được xác nhận bởi thị trưởng thành phố Monroeville (Alabama, Mỹ) - nơi nữ văn sĩ sinh ra và sống những năm cuối đời, theo BBC.
Nelle Harper Lee (sinh ngày 28/4/1926) tại Monroeville (Alabama, Mỹ). Bà là con út trong số bốn người con của ông Amasa Coleman Lee (luật sư, biên tập viên tờ báo địa phương) và bà Frances Cunningham Finch Lee.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại Monroeville vào năm 1944, Harper Lee vào học tại trường nữ sinh Huntingdon College ở Montgomery và sau đó theo học cử nhân luật tại Đại học Alabama. Khi đang là sinh viên, Harper Lee đã bắt đầu bén duyên với nghề viết lách. Một thời gian sau, bà quyết định gác mọi việc và chỉ tập trung viết văn.
Harper Lee khi còn trẻ.
Cuốn sách được xuất bản tháng 7/2015 và ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong “Bố trí người canh gác”, nhân vật Atticus Finch đã tham dự một cuộc họp của lực lượng phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan và phản đối việc xóa bỏ phân biệt chủng tộc, tương phản hoàn toàn với hình ảnh một luật sư cao quý và luôn hết lòng bảo vệ người da đen như trong “Giết con chim nhại”.
Hai tác phẩm nổi tiếng nhất (và cũng là duy nhất) của Harper Lee - "Giết con chim nhại" và "Bố trí người canh gác".
Cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại” có nội dung kể về ông bố Atticus của hai anh em - Jem và Scout. Ông Atticus được chỉ định bào chữa một người tên là Tom Robinson, bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng và cuối cùng phải chịu một kết cục đau đớn chỉ vì anh là người da đen.
Sau khi tặng quà Giáng sinh cho hai anh em Jem và Scout là mấy khẩu súng hơi, ông Atticus dặn lũ trẻ là mặc dù chúng có thể “bắn bao nhiêu chim giẻ cùi xanh tùy thích”, nhưng chúng phải nhớ “giết hại chim nhại là tội ác” bởi “nó chẳng làm điều gì khác ngoài việc mang đến tiếng hót từ tận con tim cho chúng ta”.
Theo Huffington Post, BBC
Nguồn
Tác giả 'Giết con chim nhại' lại gây sốt
TP - Cuốn tiểu thuyết thứ hai của nữ nhà văn Harper
Lee ra mắt ngày 14/7, 55 năm sau Giết con chim nhại lập tức gây sốt và
cũng không ít tranh cãi.
Bìa quyển Go set a watchman.
Xuất bản Go set a watchman (Bố
trí người canh gác) được xem là hiện tượng toàn cầu, với 2 triệu bản in
lần đầu và có mặt trên 70 quốc gia. Lượng độc giả đặt hàng trước trên
Amazon cũng thuộc vào hàng kỷ lục-được đặt hàng nhiều nhất sau khi xuất
bản Harry Potter. Các hiệu sách cũng mở cửa đón khách hàng từ nửa đêm, rạng sáng 14/7. Cuốn tiểu thuyết ra đời nửa thế kỷ trước, Giết con chim nhại trở
thành một trong những hiện tượng xuất bản thành công, hơn 40 triệu bản
sách bán hết và thu hút độc giả nhiều thế hệ, là cuộc phiêu lưu của cô
bé da trắng Scout 8 tuổi sống ở thị trấn Alabama những năm 1930, chứng
kiến câu chuyện về phân biệt chủng tộc.
Go set a watchman lấy bối cảnh 20 năm sau đó với cùng những nhân vật năm xưa, nhưng giờ Scout với tên gọi mới Jean Louise Finch, 26 tuổi sống ở thành phố New York. Số phận cuốn tiểu thuyết được Harper Lee khẳng định với New York Times: “Giữa những năm 1950, tôi hoàn thành cuốn sách và tôi thấy nó sẽ thành công. Biên tập viên của tôi thích những hồi ức của Scout về tuổi thơ hơn, thuyết phục tôi viết một cuốn tiểu thuyết khác (Giết con chim nhại). Tôi mới vào nghề, nên làm điều họ nói với mình. Tôi không nghĩ là bản thảo đầu tiên này sẽ sống sót, tôi hạnh phúc khi người bạn và luật sư Tonja Carter tìm thấy nó. Sau khi chần chừ khá lâu, tôi đưa cho những người tin tưởng đọc và thật sung sướng khi theo họ, cuốn này đáng để xuất bản”.
Tờ Wall Street Journal và Guardian đăng tải năm trang của chương đầu tiên tiểu thuyết Go set a watchman vài ngày trước khi sách tới tay độc giả. Thoạt tiên cuốn tiểu thuyết có vẻ không gây chú ý: Được coi như phần tiếp theo của Giết con chim nhại, vẫn giọng kể chuyện của Scout và các nhân vật: anh trai Jeremy, ông bố là luật sư Atticus Finch. Độc giả cũng thấy được thành phố Maycomb, rất giống với phong cảnh Alabama của Giết con chim nhại. Tờ Guardian khẳng định, chỉ qua 5 trang đầu tiên, người đọc có thể tìm thấy tinh thần và phong cách Harper Lee: Sự mô tả tỉ mỉ từng chi tiết, một số lời chỉ trích xã hội, thoại sắc sảo. Có người cho rằng cuốn sách mới chỉ là bản nháp của Giết con chim nhại. Tuy nhiên, Giết con chim nhại chia hai phần gồm 30 chương, còn Go set a watchman gồm 7 phần và 19 chương. Chỉ một vài đoạn trùng nhau rất chính xác giữa hai cuốn sách chính là cảnh tả cảnh, văn hóa lịch sử của Maycomb và Alabama.
Theo nhận định của tờ báo này, cuốn sách cũng cho thấy liều lượng vừa phải sự mỉa mai, thậm chí pha lẫn tinh thần đấu tranh cho nữ quyền của Harper Lee.
Go set a watchman lấy bối cảnh 20 năm sau đó với cùng những nhân vật năm xưa, nhưng giờ Scout với tên gọi mới Jean Louise Finch, 26 tuổi sống ở thành phố New York. Số phận cuốn tiểu thuyết được Harper Lee khẳng định với New York Times: “Giữa những năm 1950, tôi hoàn thành cuốn sách và tôi thấy nó sẽ thành công. Biên tập viên của tôi thích những hồi ức của Scout về tuổi thơ hơn, thuyết phục tôi viết một cuốn tiểu thuyết khác (Giết con chim nhại). Tôi mới vào nghề, nên làm điều họ nói với mình. Tôi không nghĩ là bản thảo đầu tiên này sẽ sống sót, tôi hạnh phúc khi người bạn và luật sư Tonja Carter tìm thấy nó. Sau khi chần chừ khá lâu, tôi đưa cho những người tin tưởng đọc và thật sung sướng khi theo họ, cuốn này đáng để xuất bản”.
Tờ Wall Street Journal và Guardian đăng tải năm trang của chương đầu tiên tiểu thuyết Go set a watchman vài ngày trước khi sách tới tay độc giả. Thoạt tiên cuốn tiểu thuyết có vẻ không gây chú ý: Được coi như phần tiếp theo của Giết con chim nhại, vẫn giọng kể chuyện của Scout và các nhân vật: anh trai Jeremy, ông bố là luật sư Atticus Finch. Độc giả cũng thấy được thành phố Maycomb, rất giống với phong cảnh Alabama của Giết con chim nhại. Tờ Guardian khẳng định, chỉ qua 5 trang đầu tiên, người đọc có thể tìm thấy tinh thần và phong cách Harper Lee: Sự mô tả tỉ mỉ từng chi tiết, một số lời chỉ trích xã hội, thoại sắc sảo. Có người cho rằng cuốn sách mới chỉ là bản nháp của Giết con chim nhại. Tuy nhiên, Giết con chim nhại chia hai phần gồm 30 chương, còn Go set a watchman gồm 7 phần và 19 chương. Chỉ một vài đoạn trùng nhau rất chính xác giữa hai cuốn sách chính là cảnh tả cảnh, văn hóa lịch sử của Maycomb và Alabama.
Theo nhận định của tờ báo này, cuốn sách cũng cho thấy liều lượng vừa phải sự mỉa mai, thậm chí pha lẫn tinh thần đấu tranh cho nữ quyền của Harper Lee.
Tranh cãi trái chiều
Chi tiết đầu tiên khiến nhiều người băn khoăn là hình tượng luật sư Atticus Finch-người dũng cảm đấu tranh bảo vệ người da đen khỏi hàm oan- lại tham dự cuộc họp của tổ chức phân biệt chủng tộc Klu Klux Klan. Daily Mail cho rằng có thể xem đây là “vụ bê bối văn chương”. New York Times cho rằng các nhân vật có vẻ thù hận, giọng kể chuyện nặng nề. Los Angeles Times đánh giá cuốn sách là sự giữ lời hứa của tác giả, nhưng lại mang đến cảm giác sụp đổ. Tuy nhiên, tờ Guardian bênh vực, khẳng định cuốn sách phức tạp hơn cuốn Giết con chim nhại.
Theo Figaro, Monde
Nguồn
http://www.tienphong.vn/van-nghe/tac-gia-giet-con-chim-nhai-lai-gay-sot-885229.tpo
Tác giả “Giết con chim nhại” không bị lợi dụng
TP - Chính quyền bang Alabama (Mỹ) sau khi điều tra
kết luận, những cáo buộc cho rằng, nhà văn Harper Lee mất trí và bị lợi
dụng là vô căn cứ.
Nữ nhà văn 88 tuổi được xác định còn minh mẫn, chuẩn bị xuất bản cuốn sách thứ hai.
Các nhà chức
trách bang Alabama thông báo, khép lại các cuộc điều tra để xác định
liệu nhà văn Mỹ Harper Lee có bị lợi dụng - nhân xuất bản cuốn sách mới
nhất Go set a watchman (tạm dịch: Bố trí người canh gác). Các đại diện của Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ gặp gỡ nữ nhà văn 88 tuổi tại nhà dưỡng lão Monroeville (tiểu bang Alabama).
“Chúng tôi xác nhận rằng, qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi bà Harper Lee biết rõ rằng, cuốn sách Go set a watchman của mình sắp được xuất bản. Bà ấy muốn nó được xuất bản. Bà diễn đạt những ý muốn đó một cách hoàn toàn minh mẫn”, theo thông tin của các nhà chức trách.
Tuyên bố này chấm dứt mọi tin đồn nảy sinh hồi tháng 2 vừa rồi. Ngay khi tin nhà văn Giết con chim nhại xuất bản cuốn sách thứ hai sau 55 năm, có thư nặc danh cho rằng, nữ nhà văn trí nhớ kém và bị lợi dụng để ra sách. Chính quyền bang Alabama khẳng định lời vu khống trên là vô căn cứ.
Go set a watchman, cuốn tiểu thuyết này sẽ xuất bản tại Mỹ tháng 7 tới, do NXB Harper Collins ấn hành. Một vài thông tin hiếm hoi về nội dung cuốn tiểu thuyết: Cuốn sách kể về nhân vật nữ Scout trong tiểu thuyết Giết con chim nhại ở tuổi trưởng thành. Cô từ New York trở về thị trấn Maycomb thăm cha, đối mặt nhiều vấn đề phức tạp của bản thân. Cuốn sách hứa hẹn có nhiều đoạn hồi tưởng thời thơ ấu hấp dẫn.
Nữ nhà văn bị đột quy vào năm 2007, kể từ đó được mô tả là tàn tật. Những người thân cận khẳng định bà mất thính lực, thị lực giảm sút nhưng vẫn hoàn toàn minh mẫn. Tonja Carter, luật sư của Harper Lee tuyên bố tìm thấy bản thảo viết tay của Go set a watchman bị tác giả vứt xó. Bản thảo được viết khoảng năm 1950, trước khi viết tiểu thuyết Giết con chim nhại.
Giết con chim nhại được giải Pulitzer năm 1961, phủ cái bóng thành công quá lớn lên sự nghiệp của Harper Lee, bán hết hơn 40 triệu bản sách. Riêng năm 2014, sách bán hết hơn 400 nghìn bản. Giết con chim nhại cũng trở thành tác phẩm văn học kinh điển thế kỷ 20 của nước Mỹ.
Go set a watchman ra mắt được coi là sự kiện của ngành xuất bản ở Mỹ. Tờ Guardian đưa thông tin, cuốn sách xếp đầu bảng đặt sách sớm trên Amazon từ tháng 2/2015-thời điểm công bố xuất bản sách. Theo thông tin từ luật sư, Harper Lee hoàn thành cuốn sách ngày 3/2. Đại diện NXB Harper Collins nói rằng, cuốn sách gần như hoàn chỉnh, không cần biên tập nhiều.
“Chúng tôi xác nhận rằng, qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi bà Harper Lee biết rõ rằng, cuốn sách Go set a watchman của mình sắp được xuất bản. Bà ấy muốn nó được xuất bản. Bà diễn đạt những ý muốn đó một cách hoàn toàn minh mẫn”, theo thông tin của các nhà chức trách.
Tuyên bố này chấm dứt mọi tin đồn nảy sinh hồi tháng 2 vừa rồi. Ngay khi tin nhà văn Giết con chim nhại xuất bản cuốn sách thứ hai sau 55 năm, có thư nặc danh cho rằng, nữ nhà văn trí nhớ kém và bị lợi dụng để ra sách. Chính quyền bang Alabama khẳng định lời vu khống trên là vô căn cứ.
Go set a watchman, cuốn tiểu thuyết này sẽ xuất bản tại Mỹ tháng 7 tới, do NXB Harper Collins ấn hành. Một vài thông tin hiếm hoi về nội dung cuốn tiểu thuyết: Cuốn sách kể về nhân vật nữ Scout trong tiểu thuyết Giết con chim nhại ở tuổi trưởng thành. Cô từ New York trở về thị trấn Maycomb thăm cha, đối mặt nhiều vấn đề phức tạp của bản thân. Cuốn sách hứa hẹn có nhiều đoạn hồi tưởng thời thơ ấu hấp dẫn.
Nữ nhà văn bị đột quy vào năm 2007, kể từ đó được mô tả là tàn tật. Những người thân cận khẳng định bà mất thính lực, thị lực giảm sút nhưng vẫn hoàn toàn minh mẫn. Tonja Carter, luật sư của Harper Lee tuyên bố tìm thấy bản thảo viết tay của Go set a watchman bị tác giả vứt xó. Bản thảo được viết khoảng năm 1950, trước khi viết tiểu thuyết Giết con chim nhại.
Giết con chim nhại được giải Pulitzer năm 1961, phủ cái bóng thành công quá lớn lên sự nghiệp của Harper Lee, bán hết hơn 40 triệu bản sách. Riêng năm 2014, sách bán hết hơn 400 nghìn bản. Giết con chim nhại cũng trở thành tác phẩm văn học kinh điển thế kỷ 20 của nước Mỹ.
Go set a watchman ra mắt được coi là sự kiện của ngành xuất bản ở Mỹ. Tờ Guardian đưa thông tin, cuốn sách xếp đầu bảng đặt sách sớm trên Amazon từ tháng 2/2015-thời điểm công bố xuất bản sách. Theo thông tin từ luật sư, Harper Lee hoàn thành cuốn sách ngày 3/2. Đại diện NXB Harper Collins nói rằng, cuốn sách gần như hoàn chỉnh, không cần biên tập nhiều.
Theo Figaro, Actualite
http://www.tienphong.vn/van-nghe/tac-gia-giet-con-chim-nhai-khong-bi-loi-dung-844541.tpo
Tác giả ‘Giết con chim nhại’ xuất bản sách mới sau 55 năm
TPO - Tiểu thuyết gia đoạt giải Pulitzer - Harper
Lee vừa công bố hôm thứ Ba, 3/2/2015 rằng vào tháng 7, bà sẽ phát hành cuốn
sách “Go Set a Watchman”, một cuốn tiểu thuyết có liên quan vô cùng mật
thiết với “To Kill a Mockingbird”.
Kể từ khi cuốn tiểu thuyết “To Kill a Mockingbird” (“Giết con chim
nhại”) ra đời năm 1960 đến nay, trong suốt 55 năm ròng rã, các nhà phê
bình và độc giả luôn đặt câu hỏi tại sao nữ văn sĩ Nelle Harper Lee lại
không xuất bản phần tiếp theo của cuốn sách nổi tiếng này. Đồng thời bà
cũng không phát hành thêm bất cứ một cuốn sách nào.
"To Kill a Mockingbird" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và cuối cùng tính đến thời điểm hiện tại của Harper Lee. Cuốn sách đã được tái bản rất nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Và để giải đáp cho câu hỏi đó, mới đây nhà văn ẩn dật đoạt giải Pulitzer
– Harper Lee đã bất ngờ công bố rằng vào tháng 7 bà sẽ ra mắt cuốn “Go
Set a Watchman”, một cuốn tiểu thuyết có liên quan mật thiết với kiệt
tác “To Kill a Mockingbird”.
Thậm chí, dựa trên những gì Harper Lee công bố, nhiều người còn cho rằng cuốn sách mới này cũng đã được viết ngay trong những năm 50 của thế kỉ 20, nhưng sau đó rơi vào quên lãng.
Khi bắt đầu đến với với nghiệp cầm bút, Harper Lee đã viết “Go Set a Watchman”, nói về một phụ nữ có tên Scout, trở về nhà ở Maycomb, Ala. để thăm người cha của mình, Atticus.
Tuy nhiên, sau khi đọc bản thảo, biên tập viên của Harper Lee đã yêu cầu bà viết lại câu chuyện theo hướng đi sâu vào cuộc đời của Scout từ khi còn là một đứa trẻ. “Tôi là một cây bút mới,” Lee nói, “vì vậy tôi đã làm đúng như những gì được yêu cầu”.
Kết quả là cuốn tiểu thuyết “To Kill a Mocking Bird” ra đời và bán được hơn 40 triệu bản trên toàn thế giới kể từ năm 1960 đến nay. Và bản thảo “Go Set a Watchman” bị vùi trong lớp bụi mà ngay bản thân Harper Lee cũng không còn nhớ đến sự tồn tại của nó
Harper Lee cho biết: “Tôi đã không nhận ra mình vẫn còn giữ cuốn bản
thảo đó, vì vậy tôi đã rất ngạc nhiên và vui mừng khi người bạn thân
yêu của tôi - luật sư Tonja Carter phát hiện ra nó. Sau nhiều suy nghĩ
và do dự, tôi chia sẻ nó với một số ít người mà tôi tin tưởng và rất vui
khi biết họ cho rằng nó xứng đáng được công bố.”
Nhà xuất bản HarperCollins, đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản “Go Set a Watchman” cho biết họ sẽ phát hành cuốn sách này vào ngày 14/7 với số lượng 2 triệu bản.
Đồng thời, Jonathan Burnham – đại diện nhà xuất bản HarperCollins cũng đã ngay lập tức phủ nhận tin đồn cho rằng với tình trạng sức khỏe tồi tệ như hiện nay, Harper Lee không thể kiểm soát quá trình biên tập “Go Set A Watchman”.“Người hâm mộ Harper Lee chắc chắn sẽ nhận ra giọng văn riêng của bà”, Jonathan Burnham cho biết.
Tác giả Harper Lee nay đã 88 tuổi và sức khỏe đã giảm sút.
Bên cạnh đó, Burnham còn đưa ra nhận định riêng của mình khi phát biểu rằng:
“Cuốn sách mới này vượt xa với cái gọi là bản nháp của ‘To Kill a
Mockingbird’. Nó là một cuốn sách rất hay và đủ sức đứng một mình mà
không cần phải dựa theo danh tiếng của kiệt tác trước đó.”
Cuốn tiểu thuyết “To Kill a Mockingbird” có nội dung kể về ông bố Atticus của hai anh em - Jem và Scout. Ông Atticus được chỉ định bào chữa một người tên là Tom Robinson, bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng và cuối cùng phải chịu một kết cục đau đớn chỉ vì anh là người da đen.
Sau khi tặng quà Giáng sinh cho hai anh em Jem và Scout là mấy khẩu súng hơi, ông Atticus dặn lũ trẻ là mặc dù chúng có thể “bắn bao nhiêu chim giẻ cùi xanh tùy thích”, nhưng chúng phải nhớ “giết hại chim nhại là tội ác” bởi “nó chẳng làm điều gì khác ngoài việc mang đến tiếng hót từ tận con tim cho chúng ta”.
Con chim nhại (mockingbird) được dùng lặp đi lặp lại trong tác phẩm, trở thành biểu tượng của sự trong trắng và cái đẹp chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và lòng hận thù.
Cuốn sách “To Kill a Mockingbird” sau khi xuất bản đã nhận được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.
Một cảnh trong phim "To Kill a Mockingbird". Tuy là một câu chuyện được kể qua góc nhìn của cô bé Scout nhưng trong đó vẫn chứa đựng rất nhiều triết lí cuộc sống.
"To Kill a Mockingbird" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và cuối cùng tính đến thời điểm hiện tại của Harper Lee. Cuốn sách đã được tái bản rất nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Thậm chí, dựa trên những gì Harper Lee công bố, nhiều người còn cho rằng cuốn sách mới này cũng đã được viết ngay trong những năm 50 của thế kỉ 20, nhưng sau đó rơi vào quên lãng.
Khi bắt đầu đến với với nghiệp cầm bút, Harper Lee đã viết “Go Set a Watchman”, nói về một phụ nữ có tên Scout, trở về nhà ở Maycomb, Ala. để thăm người cha của mình, Atticus.
Tuy nhiên, sau khi đọc bản thảo, biên tập viên của Harper Lee đã yêu cầu bà viết lại câu chuyện theo hướng đi sâu vào cuộc đời của Scout từ khi còn là một đứa trẻ. “Tôi là một cây bút mới,” Lee nói, “vì vậy tôi đã làm đúng như những gì được yêu cầu”.
Kết quả là cuốn tiểu thuyết “To Kill a Mocking Bird” ra đời và bán được hơn 40 triệu bản trên toàn thế giới kể từ năm 1960 đến nay. Và bản thảo “Go Set a Watchman” bị vùi trong lớp bụi mà ngay bản thân Harper Lee cũng không còn nhớ đến sự tồn tại của nó
Harper Lee là một nữ văn sĩ rất kín tiếng và có đời sống ẩn dật sau khi cuốn sách "To Kill a Mockingbird" xuất bản.
Nhà xuất bản HarperCollins, đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản “Go Set a Watchman” cho biết họ sẽ phát hành cuốn sách này vào ngày 14/7 với số lượng 2 triệu bản.
Đồng thời, Jonathan Burnham – đại diện nhà xuất bản HarperCollins cũng đã ngay lập tức phủ nhận tin đồn cho rằng với tình trạng sức khỏe tồi tệ như hiện nay, Harper Lee không thể kiểm soát quá trình biên tập “Go Set A Watchman”.“Người hâm mộ Harper Lee chắc chắn sẽ nhận ra giọng văn riêng của bà”, Jonathan Burnham cho biết.
Tác giả Harper Lee nay đã 88 tuổi và sức khỏe đã giảm sút.
Cuốn tiểu thuyết “To Kill a Mockingbird” có nội dung kể về ông bố Atticus của hai anh em - Jem và Scout. Ông Atticus được chỉ định bào chữa một người tên là Tom Robinson, bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng và cuối cùng phải chịu một kết cục đau đớn chỉ vì anh là người da đen.
Sau khi tặng quà Giáng sinh cho hai anh em Jem và Scout là mấy khẩu súng hơi, ông Atticus dặn lũ trẻ là mặc dù chúng có thể “bắn bao nhiêu chim giẻ cùi xanh tùy thích”, nhưng chúng phải nhớ “giết hại chim nhại là tội ác” bởi “nó chẳng làm điều gì khác ngoài việc mang đến tiếng hót từ tận con tim cho chúng ta”.
Con chim nhại (mockingbird) được dùng lặp đi lặp lại trong tác phẩm, trở thành biểu tượng của sự trong trắng và cái đẹp chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và lòng hận thù.
Cuốn sách “To Kill a Mockingbird” sau khi xuất bản đã nhận được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.
Một cảnh trong phim "To Kill a Mockingbird". Tuy là một câu chuyện được kể qua góc nhìn của cô bé Scout nhưng trong đó vẫn chứa đựng rất nhiều triết lí cuộc sống.
Washington Post
Nguồn
http://www.tienphong.vn/van-nghe/tac-gia-giet-con-chim-nhai-xuat-ban-sach-moi-sau-55-nam-819537.tpo
20 câu nói hay nhất của nữ văn hào “Giết con chim nhại”
Dân trí .
Tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới - “Giết con chim nhại” - đã vừa qua đời ở tuổi 89. Nếu có di sản nào mà bà để lại, thì không gì khác hơn chính là trí tuệ mẫn tiệp mà bà thể hiện qua những câu chữ của mình.
Dưới đây là những câu văn, lời bình luận đáng nhớ nhất của Harper Lee qua hai tác phẩm ít ỏi nhưng vô cùng xuất sắc của bà - “Giết con chim nhại” và “Giá của tỉnh ngộ” (Go Set A Watchman - 2015), cùng một vài bài viết và bài phỏng vấn hiếm hoi bà từng thực hiện.Những câu nói chứa đựng biết bao ý nghĩa, thể hiện cách nhìn của nữ nhà văn đối với cuộc đời, con người, tình bạn, tình yêu, lẽ công bằng và sự độ lượng .
Bích Ngọc
Theo Guardian/Elle
Theo Guardian/Elle
Nguồn
http://dantri.com.vn/van-hoa/20-cau-noi-hay-nhat
Tang lễ giản dị của nữ văn hào “Giết con chim nhại”
Dân trí .Vốn là một nhà văn có lối sống ẩn dật, cả cuộc đời né tránh truyền thông và công chúng, ngay đến cả lễ tang của mình, Harper Lee cũng yêu cầu phải được tổ chức thật kín đáo, chỉ có người thân và bạn bè lâu năm được mời dự viếng.
Nữ nhà văn nổi tiếng người Mỹ Harper Lee đã được
an táng trong một tang lễ giản dị tổ chức tại quê nhà - thành phố
Monroeville, bang Alabama, Mỹ. Chỉ có những thành viên trong gia đình và
bạn bè thân thiết được báo giờ cử hành tang lễ để đến dự. Lễ tang được
tổ chức kín đáo vào chiều thứ 7 vừa qua tại một nhà thờ ở địa phương.
Phần mộ của Harper Lee nằm trong cùng một nghĩa trang nơi cha của bà -
luật sư AC Lee và chị gái của bà - Alice Lee đã được chôn cất tại đó.
Tiểu thuyết gia nổi tiếng thế giới chỉ bằng một tác phẩm đầu tay duy nhất - bà Harper Lee - đã qua đời ở tuổi 89. Harper Lee là tác giả của cuốn tiểu thuyết bán chạy suốt nhiều thập kỷ qua - cuốn “Giết con chim nhại”.
Chỉ có người thân trong gia đình và bạn bè lâu năm được báo thời gian cử hành tang lễ để có mặt tại nhà thờ. Lễ tang giản dị đã được tổ chức vào chiều thứ 7 vừa qua tại thành phố quê hương gắn bó với Harper Lee gần suốt cuộc đời - thành phố Monroeville.
Phần mộ của Harper Lee nằm trong nghĩa trang nơi cha và chị gái của bà đã được chôn cất tại đó.
Một người đàn ông đang làm nhiệm vụ đào đất cho một ngôi mộ mới nằm trong phần đất dành cho gia đình nhà Lee tại nghĩa trang.
Đây chính là nơi Harper Lee sẽ yên nghỉ.
Để đảm bảo cho lễ tang được diễn ra trong trật tự, hai
cảnh sát địa phương đã được cử tới để đứng bên ngoài nhà thờ trong lúc
tang lễ cử hành. Ông Wayne Flynt - một người bạn lâu năm của nữ nhà văn -
là người đọc điếu văn trong buổi lễ. Chính Harper Lee đã là người đề
nghị ông thực hiện điều này từ vài năm trước đây.
Năm 2006, ông Wayne Flynt từng thực hiện một bài viết có tên “Atticus
ở trong mỗi chúng ta” nhân dịp Harper Lee nhận được một giải thưởng văn
học.
Khi đó, Harper Lee đã quá yêu thích bài viết đến mức bà đã đề nghị
ông hãy đọc bài viết này như một bài điếu văn trong lễ tang sau này của
bà. Ông Flynt còn nhớ lời bà dặn rằng: “Tôi muốn ông đọc đúng bài này.
Không thêm một từ nào, không bớt một từ nào”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Flynt từng nói một cách dí dỏm rằng: “Nếu tôi đi trệch hướng dù chỉ 1o
thôi, tôi sẽ ngay lập tức nghe thấy một gióng nói như sấm rền vọng
xuống từ thiên đàng, và đấy không phải là giọng của Chúa đâu”.
Harper Lee đã qua đời trong giấc ngủ ngày thứ 6 vừa qua ở tuổi 89. Bà
đã lấy cảm hứng từ chính thành phố yêu dấu quê hương mình - Monroeville
- để xây dựng nên địa danh giả tưởng Maycomb trong cuốn tiểu thuyết
“Giết con chim nhại”.
Harper Lee trong một bức ảnh chụp năm 2015.
Tác phẩm tiểu thuyết đầu tay của Harper Lee - cuốn “Giết con chim nhại” - ra mắt năm 1960, xoay quanh chủ đề phân biệt chủng tộc và những bất công trong xã hội miền nam nước Mỹ thời bấy giờ. Tác phẩm đã ngay lập tức khiến bà được chú ý trên văn đàn thế giới, giờ đây, “Giết con chim nhại” được xem là tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ. Cuốn tiểu thuyết thứ hai - “Giá của tỉnh ngộ” (Go Set A Watchman) vừa ra mắt tháng 7/2015.
Hoa được đặt trên bức tượng khắc họa một bé gái đang đọc cuốn “Giết con chim nhại” - một tác phẩm điêu khắc tôn vinh nữ nhà văn được dựng lên tại quê nhà Monroeville của bà.
Trước thông tin về sự ra đi của nữ nhà văn, rất nhiều
chính trị gia, nhân vật nổi tiếng và các nghệ sĩ Mỹ đã thể hiện niềm
ngưỡng mộ và sự thương tiếc thông qua mạng xã hội. Tất cả họ đều nhớ đến
bà như một người đã thúc đẩy sự thứ tha, lòng độ lượng trong xã hội Mỹ -
một xã hội từng có những hố sâu ngăn cách bởi nạn phân biệt chủng tộc.
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng nói rằng: “Harper Lee đã đi
trước thời đại của bà, và tác phẩm ‘Giết con chim nhại’ thúc giục người
Mỹ phải theo kịp bà”.
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush (trái) trao Huân chương Tự do cho nữ tác giả Harper Lee hồi năm 2007.
Diễn viên quá cố Gregory Peck - người đảm nhận vai diễn luật sư Atticus Finch trong bộ phim điện ảnh cùng tên - chụp hình với nữ nhà văn Harper Lee. Họ đã trở thành bạn bè nhờ bộ phim, Lee đã rất ấn tượng với diễn xuất của Gregory.
Một tấm biển chào đón du khách đặt ở lối vào thành phố Monroeville. Trên đó còn có lời cảm ơn dành cho nhà văn quá cố.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail
Theo Daily Mail
Nguồn
http://dantri.com.vn/van-hoa/tang-le-gian-di-khong-ngo-cua-nu-nha-van-giet-con-chim-nhai-20160221122425175.htm
Harper Lee ra đi trong những tranh luận về tác phẩm mới
Nữ văn sĩ Harper Lee qua đời ở tuổi 89 khi những tranh luận về tác phẩm mới "Go Set A Watchman" của bà vẫn còn chưa ngã ngũ.
Harper
Lee điển hình cho mẫu nhà văn mà cuộc đời chỉ cần 1 tác phẩm để đời. To
Kill A Mockingbird - Giết con chim nhại là một trong những tuyệt phẩm
vĩ đại nhất của văn học thế giới thế kỷ XX. Cuốn sách xuất sắc giành
giải Pulitzer năm 1960, bán chạy chỉ sau Kinh Thánh khi lượng tiêu thụ
toàn cầu lên đến trên 40 triệu bản.
Chỉ hai năm sau khi ra
mắt, Giết con chim nhại được chuyển thể lên màn ảnh rộng và bộ phim cũng
nhận giải thưởng Oscar danh giá. Tác phẩm còn được đưa lên sân khấu
kịch Broadway.
Gần
60 năm sau khi ra mắt tuyệt tác văn chương, bạn đọc toàn cầu lại một
lần nữa được cầm trên tay tác phẩm mới của Harper Lee đó là cuốn Go Set A
Watchman ra mắt hồi tháng 7/2015. Cuốn sách được biết đến là bản nháp
của To Kill A Mockingbird với nội dung nói về các nhân vật trong câu
chuyện ở thời điểm 20 năm sau.
Go Set A Watchman đứng
đầu bảng xếp hạng best-seller tại nhiều quốc gia trong thời gian dài,
lọt vào danh sách những ấn phẩm văn học nổi bật nhất năm 2015 do nhiều
tạp chí danh tiếng bình chọn dù vẫn kém xa To Kill A Mockingbird về tầm
ảnh hưởng.
Trong Giết con chim
nhại, cô gái 6 tuổi Scout lớn lên với cha mình Atticus Finch – một luật
sư khác người khi đứng lên bảo vệ người đàn ông da màu bị két tội hiếp
dâm một phụ nữ da trắng oan ức. Còn với Go Set A Watchman, Scout lúc này
đã 26 tuổi, quay về quê nhà thăm bố mình – người lúc này đã trở nên lạc
hậu, cổ hủ và tiêu cực hơn nhiều.
Vấn đề xuất bản cuốn
sách cũng gây tranh cái lớn khi có ý kiến cho rằng bà Lee đã già yếu và
bị luật sư của mình ép tung ra cuốn sách. Cảnh sát đã điều tra và đi đến
kết luận rằng đó là cáo buộc vô căn cứ.
Tuy vậy Go Set A
Watchman vẫn không được lòng nhiều độc giả. Những fan trung thành của To
Kill A Mockingbird cảm thấy như bị phản bội, khi nhân vật Atticus anh
hùng, chính nghĩa của họ đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau 20 năm.
Ông
Charles Shields, biên tập của Harper Collins chia sẻ: “Sự thay đổi từ
nhân vật khiến người đọc hụt hẫng, họ đã quen với một Atticus Finch
chính diện. Giờ đây, với vết đen trong hình tượng nhân vật chính như
vậy, độc giả không khỏi đặt câu hỏi về những giá trị To Kill A
Mockingbird đã tạo ra cho họ trong quá khứ”.
Những năm cuối đời, nữ
tác giả đã ốm yếu do bệnh tim. Ngoài ra bà còn sống khép kín hơn, rất ít
khi tham gia phỏng vấn, giao lưu với giới báo chí. Bà qua đời ngày
19/2/2015./.
http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/harper-lee-ra-di-trong-nhung-tranh-luan-ve-tac-pham-moi-481108.vov
Harper Lee và bài ca của con chim nhại
- 22 tháng 2 2016
Harper Lee mất ngày 19/2 năm nay, như thể “con chim nhại” đã một lần ngưng tiếng, báo hiệu thế giới mất đi một nhà văn lớn.
Nhưng
với những độc giả trẻ ở Việt Nam như tôi, khi lớn lên, trong tay cầm
quyển quyển sách với hình một chú chim nhỏ, đã hiểu rằng con chim nhại
ấy sẽ không bao giờ ngừng hót trong tâm trí mình.Harper Lee chỉ xuất bản một quyển cho cả đời viết, tên “Giết con chim nhại”, và mãi đến tháng 7/2015 bà mới xuất bản một quyển thứ hai “Go set a watchmen” – đã viết từ năm 1950.
Câu chuyện của “con chim nhại” kể về cô bé Scout và anh trai Jem với bố Atticus ở thị trấn Maycomb, Alabama, Hoa Kỳ vào những năm 1930.
Cả quyển truyện là những mùa hè và đi học của cô bé Scout, anh trai Jem của em, thằng bạn Dill mỗi mùa hè đến một lần. Thế giới của ba đứa trẻ tương phản và chạm vào người lớn xung quanh chúng, với bố, chú, cô Maudie, hàng xóm bí ẩn Boo Radley, với cô giáo ở trường tên Caroline.
Trong đối thoại mỗi ngày, bé Scout hỏi bố Atticus về những điều mới mẻ quanh cô bé. Tại sao hàng xóm Boo Radley không bao giờ ra mặt, tại sao cô giáo lại bắt Scout không được học đọc trước ở nhà, tại sao Scout phải “thỏa hiệp”, không đánh bạn nữa.
Trong suốt quyển truyện, người đọc sống trong thế giới luôn lưỡng lự của một đứa trẻ, giữa chọn lựa điều gì là xấu, hay tốt, người xung quanh làm gì, và các con phải đối xử ra sao với họ.
Bố Atticus, một nhân vật được cho là tác giả Harper Lee đã lấy nguyên gốc từ hình ảnh người cha luật sư của bà, không cố gắng làm màu cuộc sống bằng vẻ tươi đẹp, trong sáng giả tạo mà các bố mẹ vẫn hay cố giữ gìn cho con cái mình.
Thay vì vậy, ông thảo luận với bọn trẻ, ông đưa ra các cam kết, nhắc lại việc chúng hứa, và chính ông cũng làm gương với lời hứa của mình.
Cuộc sống của nhà Atticus không giàu có, mẹ lại mất sớm, nhưng bố Atticus đã từng bước dạy bọn trẻ trưởng thành hơn bởi những giải thích và trách nhiệm ông dành cho bé Scout và anh trai Jem.
Khi bé Scout muốn trốn học vì liên tục bị cô giáo Caroline phạt và nói bố dạy sai, bố Atticus đã giải thích: “Nếu con học được một cách thức đơn giản, Scout, con sẽ sinh hoạt thoải mái hơn nhiều với đủ loại người. Con không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi con xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó…”
Vấn đề mà bố Atticus phải đối mặt mỗi ngày cũng phức tạp y hệt những ông bố bình thường khác. Con trai lớn cứng đầu, gây hấn với hàng xóm, bé Scout muốn trốn học, đánh nhau với bạn, có những câu hỏi không bao giờ dứt. Nhưng dần dần, đi theo cuộc phiêu lưu, người ta nhận ra Scout đã dùng chính cái lăng kính trong veo của nó, lắp thêm những lời nói của bố Atticus, tạo hình thành thế giới vừa thẳng thắn lại thật nhiều rắc rối, không thua gì người lớn.
'Lương tâm con người'
Khi bố Atticus nhận lời làm luật sư cho một người da đen tên Tom Robinson, trong vụ án anh bị cáo buộc cưỡng hiếp con gái nhà Ewell, Scout và Jem đã phải hứng biết bao những lời ác về việc bố là một luật sư “yêu bọn mọi đen”.Cuộc sống của bố con họ trở nên ngột ngạt, và cũng ở đây, bố Atticus đã chia sẻ với Scout chọn lựa của ông khi chống lại xung quanh để bảo vệ một người da đen bị phân biệt trong cộng đồng. Ông nói: “Nhưng trước khi bố sống được với người khác bố phải sống với
chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người.”
“Giết con chim nhại” là một cuộc phiêu lưu của tâm hồn trong sáng, nơi người đọc đi qua những tổn thương bé mọn trong đời sống. Ở đó, người lớn làm tổn thương trẻ con vì lời nói dối, cười nhạo nhau gây buồn rầu, hoặc chỉ muốn dùng lời ác khiến nhau bẽ mặt. Những xung động nhỏ nhặt ấy tích tụ để trở thành một vết thương lớn, khi cả cộng đồng sẵn sàng đẩy một người da đen vào chỗ chết – chỉ vì anh ta da đen.
Nhưng giữa bao điều trái ngang xảy ra ở thị trấn nhỏ có thể khiến tâm hồn đứa trẻ bị đau, Harper Lee đã không ngừng nhắc nhở: “Những con chim nhại chẳng làm gì ngoài việc đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên nhữngbẹ ngô, chúng không làm việc gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải tại sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”
Harper Lee đã tạo hình những con người với đầy đủ sắc màu sáng tối. Một người phụ nữ đã xúc phạm bố Atticus hóa ra đã là một phụ nữ khốn khổ sắp qua đời và đáng tôn trọng. Một ông Cunningham thô lỗ nghèo rớt mồng tơi hóa ra lại là một người tự trọng luôn trả nợ bằng tất cả khả năng mình có. Một “bóng ma” Boo Radley đáng sợ hóa ra lại là người dịu dàng đã lén lút cho bọn trẻ từng món quà tuổi thơ. Tất cả người lớn có thể ngập tràn sự đáng ghét khiến bọn trẻ gầm gừ, nhưng đàng sau đó, chúng sẽ luôn được bố chỉ cho thấy họ đã đàng hoàng, dũng cảm và lương thiện ra sao.
Harper Lee viết trong một câu thoại của bố Atticus: “Khi trẻ con hỏi chú điều gì thì hãy trả lời nói, vì thiện ý. Nhưng đừng bịa chuyện. Trẻ con là trẻ con, nhưng chúng có thể phát hiện sự lẩn tránh nhanh hơn người lớn, và sự lẩn tránh chỉ làm chúng bối rối.”
Câu chuyện “giết con chim nhại” dựng lên một thế giới thực thô ráp không giấu diếm trước mắt trẻ con. Ở đó có đầy đủ người lớn tàn bạo, các giấc mơ bị đánh mất, cả tổn thương đến mức Scout bật khóc hay anh trai Jem bị đánh gãy tay.
Nhưng ở đó, người ta sẽ không bao giờ ngừng tin vào lòng lương thiện ẩn trong từng góc con người. Sự dũng cảm chỉ là một điều ta phải làm vì điều lương tâm ta tin là đúng, hay chỉ là một sự bình tĩnh để nhìn nhận mọi góc độ tỏa ra từ hành động của người đối diện.
Với Harper Lee, con người có mọi lý do để hét vào mặt nhau, để hù dọa, để khác biệt, để làm tổn thương nhau, đúng như cái cách bé Scout nhìn thấy người xung quanh đối xử với bố mình và với ông người da đen bị kết án.
Nhưng cũng ở đó, bà đau đáu khôn nguôi về lời nhắc nhở “giết một con chim nhại là tội lỗi”.
Bà đã thả một con chim nhại vào tim của người đọc, để nó trong veo hót mãi trong cuộc đời bất trắc và bí ẩn này.
Tạm biệt bà, dù sao thì con chim nhại vẫn hót.
Đọc trực tuyến
http://www.truyenngan.com.vn/tieu-thuyet/kinh-dien/835-giet-con-chim-nhai.html
Download
http://www.taisachhay.com/download/giet-con-chim-nhai
PDF http://ouo.io/y5RP1H
PRC http://ouo.io/ZleTv2
EPUB http://ouo.io/ryYN2
MOBI http://ouo.io/KEo4z
-------------------------------------------------------------------------------------------
-Bậc thềm tiến vào thánh đường của trí tuệ là biết sự ngu dốt của chính mình.
The doorstep to the temple of wisdom is a knowledge of our own ignorance.
Benjamin Franklin