DANH NHÂN VIỆT .
Hai anh em - hai nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng
Vietsciences- Bình Minh 16/08/2009
Trong cộng đồng người Việt tại Pháp có hai nhà khoa học nổi tiếng cùng sinh ra trong một gia đình. Đó là ông Nguyễn Quang Riệu, nhà thiên văn học, và ông Nguyễn Quý Đạo, nhà hóa học. Cả hai đều là tiến sĩ, Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), đã từng có những công trình khoa học được giới chuyên môn đánh giá cao và có nhiều đóng góp cho cả Pháp và Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Riệu và Nguyễn Quý Đạo
Trong cộng đồng người Việt tại Pháp có hai nhà khoa học nổi tiếng cùng sinh ra trong một gia đình. Đó là ông Nguyễn Quang Riệu, nhà thiên văn học, và ông Nguyễn Quý Đạo, nhà hóa học. Cả hai đều là tiến sĩ, Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), đã từng có những công trình khoa học được giới chuyên môn đánh giá cao và có nhiều đóng góp cho cả Pháp và Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Riệu và ông Nguyễn Quý Đạo quê ở Hải Phòng. Hai ông được gia đình gửi sang Pháp du học từ khi còn trẻ. Theo lời ông Nguyễn Quang Riệu, quãng thời gian học đại học là thời kỳ khó khăn nhất đối với hai anh em ông vì lúc đó tại quê nhà đang có chiến tranh, hai ông mất liên lạc với gia đình. Để có tiền giúp hai anh em sinh sống và tiếp tục học tập ông Riệu phải vừa học vừa làm nhiều nghề, trong đó có nghề dạy kèm và trợ giảng. Bằng ý chí quyết tâm và nghị lực của mình, hai anh em ông đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó và đã tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, sau đó đoạt bằng tiến sĩ và trở thành các nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng. Ông Nguyễn Quang Riệu làm ở Đài Thiên văn Paris, đã từng công bố hàng trăm công trình khoa học nghiên cứu về các vấn đề của vũ trụ như các tia bức xạ vũ trụ hoặc các nguyên tố hóa học có khả năng dẫn đến sự sống trong dải Ngân Hà. Năm 1972 ông Riệu xác định được vụ nổ trên chòm sao Thiên Nga và đó được coi là một trong những phát hiện quan trọng trong ngành Thiên văn. Viện Hàn lâm khoa học Pháp đánh giá cao các công trình nghiên cứu của ông Nguyễn Quang Riêu. Với đóng góp đó năm 1973 ông được Đài Thiên văn Paris trao giải thưởng. Ông Nguyễn Quý Đạo cũng rất thành công trong nghề nghiệp của mình. Ông là tác giả của hơn 300 tài liệu nghiên cứu khoa học và là chủ nhân của ba bằng sáng chế, được nhiều trường đại học trên thế giới mời thuyết trình.
Có một điều đặc biệt là cả hai anh em ông Nguyễn Quang Riệu và ông Nguyễn Quý Đạo tuy sống nhiều năm ở nước ngoài nhưng vẫn nặng lòng với quê hương, đất nước. Trong các dịp trò chuyện với hai ông, tôi, người viết bài này, đã từng được nghe các ông hào hứng kể về cảm giác vui sướng của mình khi nghe tin Việt Nam chiến thắng ngoại xâm, tái lập hòa bình. Với các ông, hòa bình không chỉ mang lại hạnh phúc cho người dân trong nước mà còn tạo điều kiện để hai anh em ông về quê góp phần cống hiến cho quê hương. Sau ngày đất nước thống nhất, hai ông đều về nước rất sớm. Kể từ đó đến nay hai anh em ông Nguyễn Quang Riệu và Nguyễn Quý Đạo đã về Việt Nam nhiều lần. Ông Nguyễn Quang Riệu thì tham gia các khóa giảng dạy về vật thiên văn tại các trường đại học, nói chuyện về khoa học vũ trụ, làm việc với các cơ quan hữu quan Pháp để xin các xuất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Ông còn viết sách về thiên văn bằng tiếng Việt và xuất bản ở trong nước để phổ biến kiến thức về vũ trụ học cho mọi người. Tôi đã từng dự một buổi nói chuyện của ông, thấy ông hào hứng, say sưa nói về vụ nổ bigbang, về vũ trụ thuở sơ khai, về các hành tinh và các thiên hà với các cử tọa mà đa số đều là những người chưa biết gì nhiều về thiên văn học. Điều đó cho thấy ông Riệu say mê công việc của mình như thế nào. Dường như với ông, quan sát các vì sao, nghiên cứu đời sống bí ẩn của chúng là một niềm hạnh phúc và ông muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó cho tất cả mọi người.
Để phổ biến các hiểu biết về khoa học thiên văn và khoa học môi trường tới nhiều người, ông viết một loạt sách khoa học thuộc loại dễ đọc bằng tiếng Việt, trong đó các cuốn như “Phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại”, “Lang thang trên dải Ngân Hà”, “Sông Ngân khi tỏ khi mờ”, “Bầu trời tuổi thơ” và “Con đương đến với những vì sao” để in và xuất bản tại Việt Nam.
Giống như anh mình, ông Nguyễn Quý Đạo cũng luôn quan tâm tới đất nước và tìm cách đóng góp công sức tài năng cho quê hương. Trong những lần về nước ông Đạo đã cùng các nhà khoa học Việt Nam thực hiện nhiều công trình khoa học có giá trị. Ông rất quan tâm đến việc đào tạo các nhân tài cho Việt Nam và đã từng kiến nghị Nhà nước mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở trang thiết bị nghiên cứu hiện đại nhằm tạo điều kiện làm việc cho các nhà khoa học trong nước, đồng thời góp phần thu hút chất xám của kiều bào cũng như chất xám của các nhà khoa học trên thế giới, mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế, đưa đến việc thực hiện các công trình nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế ngay tại Việt Nam. Ông Đạo đã được trao danh hiệu “Vinh danh nước Việt 2005”, do có nhiều đóng góp cho đất nước.
http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=90&categoryId=218&id=19504
© http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org
GS Tạ Quang Bửu, tấm gương và những lời căn dặn
Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng 31/03/2010
Trong những ngày này, khi nói đến những giải pháp giải quyết những bất cập, lạc hậu, bệnh hình thức, giả dối kéo dài trong nền giáo dục nước nhà, nhiều trí thức thường nhắc đến tấm gương và những di huấn của GS Tạ Quang Bửu (1910-1986), Bộ trưởng bộ Quốc phòng thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp và Bộ trưởng bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên, nhà bác học lớn của đất nước, một “Lê Quý Đôn thời đại Hồ Chí Minh". Đó là một nhà trí thức từ hơn 40 năm trước đã kiên tâm phấn đấu cho một nền giáo dục “thực dạy, thực học", "học đi đôi với hành" và đã sớm chỉ ra rằng đất nước không thể tiến lên được nếu không thanh toán được một nền sản xuất không có kỹ thuật và một nền kỹ thuật thiếu cơ sở khoa học, tức là nếu không sớm vươn lên một nền kinh tế tri thức như cách gọi hôm nay.
Giáo sư Bửu có sự uyên bác rất kỳ lạ. Tôi chỉ nói một khía cạnh nhỏ, đó là lĩnh vực Sinh học- một lĩnh vực khác hẳn với chuyên ngành Toán học, chuyên ngành mà ông đã lấy bằng Tú tài Toán từ năm 1929, và sau đó là những năm được đào tạo chính quy ở các Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh)...
Trong kháng chiến chống Pháp, khi bố tôi làm Giám đốc Giáo dục Liên khu X, có lần Cụ đã mang về nhà cuốn sách “Sống” và cuốn “Vui sống” do GS Tạ Quang Bửu viết, được in trên giấy dó. Tôi còn nhỏ quá nên đọc không hiểu. Sau này học đại học chuyên ngành Sinh học tôi mới có điều kiện đọc lại.
Phải nói là kỳ lạ vì GS Bửu viết ra những điều rất uyên bác ấy vào năm 1948, nghĩa là 5 năm trước khi J.D. Watson và F.H.C. Crick khám phá ra cấu trúc ADN, mở màn cho thời đại Sinh học phân tử. Thời ấy mà GS Bửu đã viết được: Ngoài chromosome (nay gọi là nhiễm sắc thể- NLD) thì tế bào chỉ chứa những hóa chất không có gì đặc sắc... Nhưng số đặc tính trong một con người lớn hơn số chromosome nhiều, nên các đặc tính ấy chỉ có thể chiếm những phần tử rất bé của chromosome: mỗi đặc tính sẽ chiếm một căn cứ gọi là gen...Một chromosome là một chuỗi gồm 2000 gen và như thế chiều dài của mỗi gen không quá 3/10000mm hay ba trăm Angstrom. Theo đó một gen dài bằng một trăm lần khoảng cách giữa hai nguyên tử trong một khí. Còn bao nhiêu khái niệm hiện đại khác mà GS Bửu ghi bằng tiếng Anh. Bất kỳ nhà Sinh học nào đọc lại cuốn sách mỏng này và nhớ rằng GS Bửu viết ra vào năm 1948 thì chỉ có thể từ ngạc nhiên đến khâm phục.
Ngày nay, khi các nhà Sinh học trên thế giới bắt đầu chuyển sang nghiên cứu Sinh học lượng tử (Quantum Biology) thì ngay trong cuốn sách rất mỏng kia GS Bửu đã khẳng định được rằng: Gen, phân tử khổng lồ, theo thuyết Delbruck, cũng là một hệ thống phải cắt nghĩa bằng những định luật của Lượng tử học. Tiếc rằng tác phẩm này GS Bửu viết bằng tiếng Việt chứ nếu không chắc hẳn phải được coi là một trong những trước tác kinh điển của giới Sinh học quốc tế, vì trong đó đã có những tiên đoán rất khoa học.
Về những uyên bác trong Toán học và Vật lý học của GS Bửu chắc chúng ta đều đã biết rõ. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết GS Bửu là người cùng KS. Phạm Quang Lễ (tức GS Trần Đại Nghĩa sau này) đã lên Thái Nguyên thử đạn bazôca của Mỹ ngay sau khi KS Lễ vừa theo Bác Hồ từ Pháp về Hà Nội. Ông không chỉ uyên bác về kiến thức mà rất tài hoa trong việc viết tài liệu phổ biến khoa học. Cái khó mà tôi cố học ở ông là: viết thế nào để ai đọc cũng thấy những cái mới nhưng ai đọc cũng hiểu được, hay ít nhiều hiểu được nội dung chủ yếu.
Sự uyên bác của GS Bửu gắn liền với tinh thần tự học suốt đời của ông. Ông chỉ có bằng Cử nhân trong tay, cho nên khi có người hỏi bằng cấp nào cao nhất mà ông có thì người ta đồn rằng ông đã trả lời là Bằng bơi lội do Hoàng gia Anh cấp.
Ông miệt mài đọc sách và chọn toàn những quyển cốt lõi nhất để đọc. Thí dụ như về Sinh học ông chọn cuốn Was ist leben? của Erwin Schrödinger qua bản dịch tiếng Đức (vì không có nguyên bản tiếng Anh). Ông thông thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga và cả chữ Hán nữa. Khi đã ở cương vị lãnh đạo cao, GS Bửu vẫn đều đặn đến thư viện khoa học để tự chọn sách mượn về đọc.
Là người lãnh đạo ngành đại học và trung học chuyên nghiệp trong 11 năm trời, GS Bửu đã đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo không chỉ cho hai ngành này mà cả cho ngành giáo dục phổ thông nữa.
Xin nhắc lại một số ý kiến mà GS Bửu đã từng phát biểu: Mục đích phấn đấu của chúng ta là làm cho học sinh tốt nghiệp lớp 10 phải biết làm một số việc như biến đổi đại số, giải một số phương trình đại số, tính được một số đạo hàm, vẽ một số đồ thị; còn về mặt hình học cũng phải biết làm một số động tác cần cho các chứng minh và cho việc dựng hình. Biết làm là chủ yếu còn biết nhiều về toán hoc chỉ là yêu cầu phụ và chúng ta phải làm sao cho học sinh thông qua biết làm mà biết nhiều và biết sâu...Thầy cần tránh nói sai để sau phải cải chính lại, vì cải chính chỉ xóa bỏ cái sai của thầy chứ không xóa được cái sai mà trò đã tiếp thu...Ở bậc phổ thông, bài tập nên theo sát từng đợt các bài giảng để học sinh nắm vững định nghĩa và quy tắc. Rõ ràng không cần nhiều bài tập mà cần một số ít nhưng thật tiêu biểu, nhất định phải làm được... Thần đồng toán học là một quá trình xây dựng chứ không phải là một hiện tượng bẩm sinh... Chúng ta nên kiên quyết tập cho học sinh từ bé cân nhắc trước khi viết, biết quý sự viết ít mà đúng...Hình như chúng ta chưa làm được bao nhiêu so với các lời căn dặn của GS Bửu.
Trong gần một thập kỷ phụ trách việc xây dựng và quản lý nền khoa học và công nghệ nước ta, GS Bửu cũng đã có biết bao chính kiến cơ bản và thỏa đáng. Chúng ta không thể quên những lời chỉ bảo của ông, chẳng hạn như: Kỹ thuật là nhập cảng, là bắt chước, rồi cải tiến, sáng tạo trong cái bắt chước... Tất nhiên chúng ta càng phải sáng tạo.Nhưng sáng tạo ở đâu? Sáng tạo thế nào? Sáng tạo để làm gì? Chưa thật rõ ràng lắm. Phải chăng chúng ta phải sáng tạo để nâng cao hiệu suất và chất lượng? Ý thức về chất lượng, kỷ luật và chất lượng của chúng ta còn thấp. Cứ như vậy mãi, sẽ khó mà có tiến bộ kỹ thuật, đừng nói gì đến cách mạng kỹ thuật… Chúng ta phải thanh toán càng nhanh càng tốt hiện tượng sản xuất không có kỹ thuật. Hơn nữa, chúng ta phải tiến đến thanh toán kỹ thuật không có cơ sở khoa học... Trường chúng ta phải là trường vừa học vừa làm để đào tạo ra những người vừa làm vừa học...
GS Tạ Quang Bửu có một nhân cách hết sức quý giá. Chưa bao giờ ông lo nghĩ cho riêng bản thân mình. Nghe nói ông dùng chiếc TV đen trắng cho mãi đến khi người con rể tặng ông một chiếc TV màu. Ông rất gần gũi với mọi người và biết chọn trong mỗi ngành những người giỏi để trực tiếp giao nhiệm vụ. Ông giao cho những việc rất cụ thể và tận tình hướng dẫn để có thể làm bằng được. Đi công tác địa phương ông kéo những cán bộ này đi theo và chỉ định những nhiệm vụ khoa học cần giải quyết. Càng giỏi càng khiêm tốn và càng biết tin dùng lớp trẻ. Đó là bài học không phải ai cũng có thể học được.
Giáo sư Tạ Quang Bửu đã chia tay với chúng ta 24 năm rồi, nhưng tấm gương và những lời căn dặn của ông luôn còn mãi trong những người được có dịp làm việc với ông, những học trò của ông và tất cả những ai được biết đến về tài năng và nhân cách của ông.
© http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng
Tin tức / Việt Nam
Chàng lao công gốc Việt trở thành khoa học gia không gian vũ trụ của Mỹ
Tiến sĩ Phạm Đăng Khánh.
Trà Mi-VOA
27.06.2015
Một thanh niên làm lao công cho các cửa hàng trong những khu mua sắm khi sang Mỹ tỵ nạn trở thành một nhà khoa học không gian vũ trụ của Trung tâm Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Hoa Kỳ sau 25 năm miệt mài vượt khó vươn lên.
Đó là câu chuyện thành công của Tiến sĩ Phạm Đăng Khánh, cháu nội đích tôn của sử gia nổi tiếng Phạm Văn Sơn và là cháu ngoại của nhà thơ lừng danh một thời Bàng Bá Lân.
Đến Mỹ năm 1991 theo diện HO vì bố mẹ là cựu tù nhân chính trị từng làm việc cho chính phủ Mỹ trước năm 1975, chàng thanh niên 19 tuổi quyết tâm theo đuổi ‘giấc mơ Mỹ’, phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.
Ý chí kiên trì và những nỗ lực không ngừng đã mang về cho anh những thành quả đáng nể. Trong số này phải kể tới hàng trăm bài viết nghiên cứu khoa học cùng hàng chục giải thưởng của Không quân Hoa Kỳ như Huy chương Không quân về Thành tựu dân sự, Giải Kỹ sư Không quân Xuất sắc, Bài nghiên cứu Xuất sắc nhất năm. Anh cũng là thành viên phê bình trong các ủy ban luận án Tiến sĩ và Thạc sĩ tại các trường đại học Mỹ, cố vấn nghiên cứu cho các cơ quan khoa học danh tiếng của Mỹ như Cơ quan Phòng thủ Tên lửa, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng cao cấp, Hội Kỹ thuật Khoa học Quốc phòng Hoa Kỳ..v..v..
Tạp chí Thanh niên VOA hôm nay mời các bạn cùng gặp gỡ tấm gương thành công Phạm Đăng Khánh, niềm tự hào của người Việt hải ngoại.
Bấm vào đây để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn
******************************************************************************
******************************************************************************
TS. Khánh: Khi tôi đến Mỹ, mọi sự đều bỡ ngỡ về văn hóa, lịch sử, phong tục-tập quán. Khó khăn lớn nhất đối với tôi và cả gia đình là không có đủ khả năng đọc hiểu và nói tiếng Anh. Bản thân tôi phải bắt đầu lại con đường học vấn từ lớp 10. Các khó khăn về kinh tế người tỵ nạn nào cũng phải đương đầu, nhưng mình cũng phải cố gắng. Tôi cùng với em trai mỗi sáng sớm phải đi làm thêm. Sáng sớm, chúng tôi đi dọn dẹp, lau chùi các cửa hàng to trong các khu thương mại lớn. Mình làm 2-3 tiếng/ngày, và đi học cho tới 10 giờ đêm. Lên thạc sĩ, mình được học bổng. Mình biết tiết kiệm nên tiền học bổng cũng đủ trang trải các chi phí như đi lại, xe cộ, bảo hiểm.
Trà Mi: Với những cái giá đã trả để có được vị trí hôm nay, nhìn lại, anh nghiệm ra cho mình điều gì?
TS. Khánh: Tôi nghĩ mình lúc nào cũng nên luôn làm việc chăm chỉ, không được hài lòng với những gì đạt được, và con đường đó lúc nào cũng đòi hỏi những hy sinh. Chẳng hạn như vì công việc, thời gian của tôi dành cho gia đình đã bị ít đi.
Trà Mi: Tư chất ham học, nỗ lực, và sự may mắn chiếm tỷ lệ thế nào trong sự thành công của anh?
TS. Khánh: Tinh thần học hỏi và sự nỗ lực, hai tố chất này cộng lại chiếm 90%. Còn lại là do sự may mắn hay do cơ hội chính mình tự tạo nên. Những người tỵ nạn như tôi khi gặp khó khăn mà không biết cách giải quyết vấn đề và đương đầu với khó khăn một cách tích cực thì rất khó khăn. Làm sao để vượt qua và tìm phương hướng tùy thuộc vào bản thân mỗi người kèm theo các yếu tố tác động xung quanh từ gia đình.
Trà Mi: Nếu đặt tất cả những bí quyết thành công anh vừa kể vào môi trường ở Việt Nam, anh nghĩ đích đến của mình có giống ngày hôm nay không?
TS. Khánh: Chị hỏi một câu rất sát thực tế. Những tố chất về nỗ lực, ham học, sự giúp đỡ của những người xung quanh thì ở trong hay ngoài nước mình đều có được, nhưng môi trường nuôi nấng nghiên cứu và các chính sách hay những khuyến khích từ các cơ quan, hội đồng khoa học rất quan trọng. Có thể trong nước đang dần dần có môi trường này nhiều hơn so với những năm trước, nhưng những điều kiện đó không thể nào bằng được bên Mỹ này.
Trà Mi: Có nhiều con đường để thành công, vì sao anh chọn theo đuổi con đường khoa học đầy cam go đòi hỏi rất nhiều kỳ công và chất xám để tiến thân?
TS. Khánh: Lĩnh vực khoa học luôn năng động, thay đổi, biến động nên tôi muốn đóng góp một phần nào đó cho hướng đi này.
Trà Mi: Thành tựu hôm nay đạt được trên đất Mỹ có ý nghĩa thế nào đối với anh, một người tỵ nạn gốc Việt?
TS. Khánh: Tôi vẫn luôn tự hào mình là người Việt Nam và đề ra mục tiêu dài hạn là hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu sáng tạo do người Việt đứng đầu hoặc các chuyên gia người Việt ở đây.
Trà Mi: Vì sao mục tiêu đó chỉ mới giới hạn ở cộng đồng người Việt ở Mỹ? Anh có bao giờ nghĩ tới mình có thể làm gì để đóng góp, giúp đỡ nơi chôn nhau cắt rốn của mình chăng?
TS. Khánh: Câu hỏi này tương đối rất khó. Bất kỳ thể chế nào muốn thu hút nhân tài về giúp nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu đất nước trân trọng sự phát triển về khoa học, thúc đẩy và động viên tinh thần nghiên cứu khoa học thì ai cũng muốn về giúp đỡ cả. Hiện nay, tôi biết vài nhân tài người Việt bên này đang hợp tác với các cơ quan hữu trách ở Việt Nam để nâng cấp giáo dục đại học. Nhân tài người Việt ở nước ngoài đang dần dần trở về hợp tác và giúp đỡ phát triển kinh tế trong nước. Tôi nghĩ nếu môi trường và các điều kiện trong nước thích hợp với các nhân tài bên này và tạo điều kiện cho họ phát triển tài năng và lương bổng gần gần với bên này thì dần dần họ sẽ trở về thôi.
Trà Mi: Theo ý kiến của Tiến sĩ, học vấn cao và vị trí lãnh đạo có phải là thước đo chính xác về sự thành công của người trẻ hay không?
TS. Khánh: Tôi nghĩ học vấn vẫn là một công cụ nhiều tiềm năng. Về tinh thần lãnh đạo, đối với giới trẻ, nếu mình có vị trí cao trong một cơ quan hay tổ chức nào đó, mình nên truyền đạt tinh thần đóng góp tích cực và tinh thần tự nguyện. Tinh thần lãnh đạo và học vấn, hai điều này phải luôn đi đôi với nhau.
Trà Mi: Một lời khuyên cho các bạn trẻ ngưỡng mộ thành quả anh đạt được, anh sẽ nói gì?
TS. Khánh: Tôi muốn gửi đến các bạn trẻ một lời khuyên đơn giản thôi, đó là phải luôn luôn làm việc tích cực, ham học và hướng tới. Đây là những bí quyết đã giúp tôi thành công. Và mình cũng không nên quên nguồn gốc gia đình của mình và bản thân mình là ai.
Trà Mi: Xin cảm ơn Tiến sĩ Khánh rất nhiều về thời gian dành cho cuộc trao đổi hôm nay.
| |
Vietsciences 10/03/2010 |
|
Bùi Trọng Liễu
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bùi Trọng Liễu (sinh 28 tháng 9 năm 1934, Ninh Bình, Việt Nam - mất 5 tháng 3 năm 2010 tại Bệnh viện Antony, ngoại ô phía Nam Paris, Pháp) là Tiến sĩ nhà nước về khoa học, ngành Toán (Docteur d’Etat ès sciences mathématiques), là nghiên cứu viên tại Direction des Etudes et Recherches de l'EDF (1959-1963) và là giáo sư đại học (Lille 1963-1969, Paris 1969-2003).[1]
Ông sinh ra trong một gia đình trí thức ở làng Nhuận Ốc, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Bố ông là Bùi Văn Thiệp, một nhà tân học, từng học Trường Bưởi và Trường Cao đẳng Pháp chính Hà Nội, ra làm quan đến chức Tuần phủ Thái Nguyên, rồi Tuần phủ Phúc Yên lúc trước Cách mạng Tháng Tám.
Ông sang Pháp học và lập nghiệp tại đây. Vợ ông là Colette, một người Pháp, là tiến sĩ quốc gia về toán học, phó giáo sưĐại học Paris 4. Con trai đầu là Bùi Khảo Mạc, giáo sư Đại học Compiègne. Con trai thứ hai là Bùi A Lanh, phó giáo sư Đại học Picardie (Amiens).[2]
Thuở nhỏ, bên cạnh việc học tiếng Pháp, ông còn học chữ Hán đến mức đọc hiểu bộ tiểu thuyết cổ điển Tam Quốc chí diễn nghĩa. Theo gia đình sang Pháp từ năm 1950, khi mới 15 tuổi, gần cả cuộc đời sống nơi đất khách quê người, ông vẫn sành tiếng Việt, không chỉ trong lời ăn tiếng nói ngày thường, mà cả trong văn chương nghị luận, tranh biện hay trần thuật, hồi ký, tùy bút, tiểu phẩm.[2]
Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về khoa học toán học năm 28 tuổi. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm giáo sư Đại học Lille (1963-1969), rồi giáo sư Đại học René Descartes (Paris 5) từ năm 1969 cho đến khi về hưu. Ông là một trong số rất ít người Việt sớm được công nhận chức danh giáo sư đại học ngành toán ở Pháp nói riêng, cũng như ở phương Tây nói chung.[2]
Năm 1970 ông đã trở về thăm quê hương, làm việc với Ủy ban Khoa học Nhà nước, đến năm 1981, ông làm trưởng đoàn của đoàn trí thức Việt kiều tại Pháp về nước theo lời mời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.[1]
Ngay từ năm 1988, khi công cuộc Đổi Mới vừa bắt đầu, ông đã đứng ra sáng lập Trường Đại học Thăng Long[3] tại Hà Nội, trường đại học dân lập đầu tiên trong chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không xin tài trợ của Nhà nước, về giảng dạy và quản lý theo quan niệm mới, phù hợp với yêu cầu của xã hội và tình hình quốc tế. Trong những ngày đầu, vợ chồng ông phải dành một phần tiền lương của mình ở Pháp để gửi về nước. Ông bà đã thành lập tại Pháp một Hội Tương trợ Đại học Pháp - Việt (Amitié Universitaire France-Vietnam) để quyên góp tiền bạc, vật dụng từ các cá nhân, đoàn thể bên Pháp gửi về, giúp trường trang trải các chi phí và hỗ trợ các học bổng miễn phí...[4][5].
Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]
Ông là tác giả của 4 cuốn sách đã xuất bản tại Việt Nam[1] gồm:
- Tự sự của người xa quê hương (tên cũ là Chuyện gia đình và ngoài đời), nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội 2004
- Chung quanh việc học, nhà xuất bản Thanh niên 2004
- Học gần, Học xa, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội 2005
- Học một sàng khôn, nhà xuất bản Tri thức Hà Nội 2007.
Cuốn sách thứ 5 là một tạp ký còn bỏ ngỏ, đó là Hướng về quê cũ lúc chiều tà gồm các bài báo của ông đăng trên báo.[6]
-------------------------------------------------------------------------------------------
Mục đích cuộc sống càng cao thì đời người càng giá trị.
Geothe
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Cám ơn lời bình luận của các bạn .
Tôi sẽ xem và trả lời ngay khi có thể .
I will review and respond to your comments as soon as possible.,
Thank you .
Trần hồng Cơ .
Co.H.Tran
MMPC-VN
cohtran@mail.com
https://plus.google.com/+HongCoTranMMPC-VN/about