Giải toán trực tuyến W | A




Vẽ đồ thị trong Oxyz plot3D(f(x,y),x=..,y=..)
Vẽ đồ thị trong Oxy plot(f(x),x=..,y=..)
Đạo hàm derivative(f(x))
Tích phân Integrate(f(x))


Giải toán trực tuyến W|A

MW

Hiển thị các bài đăng có nhãn siêu ánh sáng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn siêu ánh sáng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

CÂU CHUYỆN VẬT LÝ - Phần 2 .


 CÂU CHUYỆN VẬT LÝ - Phần 2 .

Có thể liên lạc ở tốc độ siêu ánh sáng?

  • 20 tháng 3 2015







Tốc độ ánh sáng nhanh đến nỗi nó có thể đưa bạn đi lại giữa London và New York đến 50 lần chỉ trong vòng một giây.
Với tốc độ như vậy, có lẽ bạn sẽ tự hỏi vì sao con người lại muốn phát minh ra cách thức liên lạc nhanh hơn tốc độ ánh sáng?
Do khoảng cách to lớn giữa các vật thể trong vũ trụ, các thông điệp, dù được chuyển đi ở tốc độ ánh sáng, cũng sẽ tốn nhiều thời gian.
Hiện nay, vẫn không có cách nào để liên lạc nhanh hơn như vậy mà không phá vỡ các quy luật về vật lý.
Cho đến nay, việc liên lạc ở tốc độ siêu ánh sáng là không cần thiết. Nơi xa nhất mà con người đã đặt chân đến là Mặt trăng - cách chúng ta chỉ 384.400 km.
Khoảng cách này chỉ tốn 1,3 giây để vượt qua ở tốc độ ánh sáng.
Khoảng thời gian này cũng chỉ giống như lúc tín hiệu bị trì hoãn khi bạn gọi cho ai đó ở đầu phía bên kia thế giới.

Khó khăn do khoảng cách

Thế nhưng nếu đi xa hơn - như Sao Hỏa chẳng hạn - chúng ta sẽ bắt đầu gặp khó khăn.
Sao Hỏa cách Trái Đất khoảng 225 triệu km, tức 12,5 phút ánh sáng, khiến các cuộc nói chuyện giữa Sao Hỏa và Trái Đất sẽ rất khó khăn.
Tàu vũ trụ Voyager đã vượt ra khỏi hệ mặt trời, cách Trái Đất 19,5 tỷ km.
Bất chấp khoảng cách này, chúng ta vẫn có thể nhận thông tin liên lạc từ họ, nhưng các thông điệp này thường đến trễ đến 18 tiếng.
Theo thuyết tương đối của Einstein, mọi thứ sẽ luôn như vậy, không gì có thể đi nhanh hơn ánh sáng.
Nếu con người tìm ra cách để vượt qua giới hạn này, chúng ta sẽ cần phải 'nhìn lại rất nhiều quy luật về vật lý', theo nhà nghiên cứu Les Deutsch, từ phòng thí nghiệm Jet Propulsion tại Học viện khoa học Califronia.
Les Deutsch đã dành nhiều năm thiết kế các thiết bị thông tin liên lạc xuyên vũ trụ cho Nasa.
Hầu hết các hình thức liên lạc trong vũ trụ được thực hiện qua sóng radio, vốn di chuyển ở vận tốc ánh sáng. Công nghệ liên lạc bằng laser cũng đang được nghiên cứu.





Lỗ sâu

Có lẽ chúng ta không thể tăng tốc độ liên lạc, nhưng vẫn có cách để tăng khối lượng thông tin được gửi đi từng giây.
"Một trong những điều chúng ta có thể làm là nâng tần số lên cao hơn, từ 8GHz lên 30GHz," ông Deutsch nói.
Tần số càng cao thì lượng thông tin được truyền đi mỗi giây cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, lượng thông tin gửi đi cũng có thể tăng lên bằng các phương pháp nén thông tin.
Có lẽ trong tương lai chúng ta có thể làm cho tốc độ của thông điệp có vẻ nhanh hơn.
"Theo thuyết tương đối thì có lẽ chúng ta có thể sử dụng những lỗ sâu trên vũ trụ như đường tắt", Deustch nói.
Có thể nghĩ theo cách này - nếu bạn vẽ hai chấm bất kì trên một tờ giấy thì một đường thẳng sẽ là đường ngắn nhất từ chấm này đến chấm kia.
Tuy nhiên nếu bạn gấp tờ giấy đó lại, chúng sẽ ở gần nhau hơn và một cây kim có thể đâm thủng cả hai chấm đen.
Tất nhiên là trong không gian, các lỗ sâu khó có khả năng được đặt một cách tiện lợi như vậy. Chúng có thể đẩy nhanh tốc độ một số thông điệp, nhưng không có nghĩa là thông điệp sẽ được nhận ngay tức khắc.





Liên đới

Một trong những cách khác đang được xem xét, đó là hạt liên đới - nghĩ là các phân tử luôn có chung tính chất, dù chúng có cách nhau bao xa đi nữa.
"Nếu bạn thay đổi phân tử này, có nghĩa là bạn cũng sẽ thay đổi phân tử kia", Ed Trollope, một kỹ sư tàu vũ trụ nói.
"Có thể nói liên lạc giữa chúng ta có thể diễn ra ngay tức khắc trong tương lai bằng hạt liên đới".
Tuy nhiên điều này không hề đơn giản.
Nếu bạn có một đôi hạt liên đới, một hạt trên tàu vũ trụ và hạt kia trên Trái Đất, điều này có nghĩa là bất kỳ sự thay đổi nào đối với hạt trên tàu vũ trụ sẽ được nhìn thấy đối với hạt trên Trái Đất.
Tuy nhiên, người giám sát trên Trái Đất sẽ khó hiểu được sự thay đổi này nghĩa là gì nếu không có giải thích từ chính phi thuyền, và thông điệp này sẽ không thể đi nhanh hơn tốc độ ánh sáng.
Nếu liên lạc siêu ánh sáng là điều có thể, điều này có thể tác động to lớn đến các nhiệm vụ thám hiểm vũ trụ.
"Nếu bạn có một vệ tinh trong quỹ đạo Trái Đất, mọi liên lạc sẽ diễn ra gần như ngay tức khắc", Trollope nói.
"Nhưng nếu tín hiệu bị chậm 30 phút, điều này có nghĩa là nếu bạn thấy một trục trặc nào đó hiển thị trên màn hình, nó đã xảy ra từ 30 phút trước".
"Bất cứ mệnh lệnh nào bạn gửi đi cũng sẽ tốn thêm 30 phút nữa".
Ngày nay, tất cả những phương án như hạt cơ bản, liên đới lượng tử, vẫn không phải là cách tốt nhất để tiến đến liên lạc với tốc độ siêu ánh sáng.
Các lỗ sâu, nếu tồn tại, và nếu tín hiệu có thể đi xuyên qua chúng, có thể cho chúng ta cảm giác liên lạc ở tốc độ siêu ánh sáng.
Thế nhưng thực tế là liên lạc siêu ánh sáng vẫn là một thách thức đối với những quy luật trong khoa học ngày nay.
Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Future

 Nguồn :   http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/03/150320_will-we-ever-speak-across-galaxies_vert_fut




Internet có thể bị tiêu diệt hoàn toàn?

  • 21 tháng 3 2015




 AFP


Internet là thứ không thể phá hủy. Ít ra là chúng ta nghĩ như vậy.
Đó là lý do vì sao mỗi khi một điều gì đó có sức lan toản rộng, ví dụ như hình của Kim Kardashian, chúng ta thường đùa cợt rằng nó đang ‘huỷ diệt Internet’.
Điều này dĩ nhiên là không bao giờ có thể xảy ra. Chúng ta chỉ đơn thuần đang tìm cách để phóng đại tác động của một sự kiện nào đó.
Thế nhưng liệu Internet có thể nào bị tiêu diệt hoàn toàn? Và nếu có, liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp đó?
Một phần của câu trả lời nằm tại trung tâm giao dịch Internet London (Linx) - nơi giao dịch lưu lượng trên internet lớn nhất thế giới.
Matthew Prince, CEO của dịch vụ CloudFlare, ước tính chỉ có khoảng 30 cơ sở như Linx trên toàn thế giới.
Những toà nhà rải khắp thế giới như thế này là nơi các máy chủ từ những nhà mạng như Virgin hay Comcast kết nối để trao đổi lưu lượng.
Nếu bất kì trụ sở nào trong số này ngưng hoạt động - ví dụ như vì mất điện hay động đất, hậu quả sẽ hiển thị rõ ngay tức khác.
“Internet trong khu vực sẽ ngưng hoạt động”, ông Prince nói.
“Và nếu bạn phá huỷ cả 30 toà nhà này thì Internet sẽ ngưng hoạt động trên toàn cầu”.
Tất nhiên là viễn cảnh đó khó xảy ra. Những trụ sở Internet quan trọng như vậy thường được bảo vệ chặt chẽ, Jack Waters, giám đốc công nghệ của Level 3, nói.
“Chúng tôi có camera quan sát ở khắp nơi và áp đặt các biện pháp an ninh cần thiết. Đây là những cơ sở rất kiên cố,” ông nói.
Có lẽ việc cắt đường dây kết nối giữa những nơi này sẽ dễ dàng hơn là phá huỷ Internet?
Khó để liệt kê số lượng dây nối Internet trên toàn cầu, và những đường dây lớn nhất thường được đặt dưới lòng biển.
Trong quá khứ, đã từng xảy ra nhiều trường hợp các đường dây này bị cắt đứt do động đất hoặc do bị neo tàu chạm phải.




  Trung tâm giao dịch lưu lượng ở London

Bền bỉ

Mặc dù vậy, hậu quả của những thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng không lớn như bạn tưởng.
Hệ thống Internet được thiết kế để đạt được sự bền bỉ cao.
Paul Baran, một kỹ sư người Mỹ gốc Ba Lan, là một trong những người ngay từ những năm 60 đã tin rằng mạng lưới liên lạc cần được thiết kế để chịu đựng được cả một cuộc tấn công nguyên tử.
Ngoài Baran ra, Donald Davies, một nhà khoa học máy tính, cũng có ý tưởng tương tự.
Giải pháp của họ bao gồm việc chia nhỏ các dữ liệu và thông tin. Các mảnh nhỏ này sau đó sẽ được chuyền qua mạng lưới thông qua đường truyền nhanh nhất có thể và được ráp lại thành một khi đã đến đích.
Điều này đồng nghĩa với việc dù một đường dẫn có bị cắt, thông tin vẫn có thể tự tìm đến những đường dẫn khác.
“Đây là một strong những ý tưởng cực kỳ thông minh”, Waters nhận định.
“Chúng ta có một sự liên lạc giữa đầu này với đầu kia mà không cần quan tâm về điều gì xảy ra ở phần trung gian”.
Tất nhiên là khả năng tìm đường dẫn mới của Internet cũng có thị bị sử dụng để chống lại nó, tiêu biểu là các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (Denial of service - DDoS).
DDoS là khi một lưu lượng lớn được gửi tràn ngập đến các máy chủ, khiến chúng không thể đáp ứng nổi.
DDoS đang ngày càng trở nên phổ biến hơn và đây là mối đe doạ mà những công ty như CloudFlare phải ngăn chặn, ông Prince nói.
Hệ thống máy chủ có dung lượng cao của CloudFlare có thể “hấp thụ” khối lưu lượng xấu để giúp các trang web tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công ngày càng trở nên khó đối phó hơn.
“Chúng tôi đang chứng kiến các vụ tấn công ngày càng gia tăng về cả số lượng và quy mô,” Prince nói.
“Nó dễ thực hiện đến nỗi nhiều khi các công ty cạnh tranh cũng làm”.
Một trong những mối lo ngại lớn khác là đột nhập vào BGP. BGP là giao thức tìm đường nòng cốt trên Internet (Border Gateway Protocol).
Đây là hệ thống chọn đường cho lưu lượng Internet.
Từ lâu, BGP được cho là luôn gửi lưu lượng đến đúng hướng. Tuy nhiên những năm gần đây, lưu lượng có thể bị chuyển đi sai hướng, đồng nghĩa với việc một khối lượng lớn dữ liệu Internet có thể bị đánh cắp và sử dụng bởi một bên thứ ba.



Trường hợp xấu nhất

"Tôi nghĩ một vụ tấn công lớn nhằm phá hủy hoàn toàn hệ thống Internet là có thể", Vincent Chan, giáo sư tại Học viện Công nghệ Massachusetts, nói.
Ông cho rằng các đợt tấn công vào cơ sở hạ tầng sẽ khó để lại những hậu quả lâu dài.
Tuy nhiên nếu tin tặc có thể tìm được một điểm yếu về phần mềm, đó sẽ là vấn đề lớn.
Chan cũng chỉ ra các phương thức gây nghẽn Internet rất khó để phát hiện.
Trong phòng thí nghiệm của mình, ông chỉ ra rằng các tín hiệu có thể bị gây nhiễu.
"Nếu bạn gây nhiễu tín hiệu ở một mức độ vừa phải, không đủ để không gây tác động lớn đến toàn hệ thống, nhưng lại vừa đủ để gây ảnh hưởng làm các tệp tin không thể đọc được", ông giải thích.
"Máy chủ sau đó sẽ liên tục yêu cầu gửi lại tín hiệu và nó có thể bị chậm lại, khoảng 1% chẳng hạn".
"Những người vận hành máy chủ sẽ không biết điều gì đang xảy ra. Họ chỉ cho rằng hệ thống đang bận hơn so với thường ngày".
Chan nghĩ rằng có một số người có thể muốn tấn công Internet theo cách này. Tuy nhiên hậu quả của các đợt tấn công này có vẻ như vẫn chưa được lường trước.
"Tôi nghĩ cần thảo luận về các vụ tấn công và việc bảo vệ mạng Internet như là một thực thể".
"Tôi nghĩ điều này chưa bao giờ được thảo luận một cách thích đáng", ông nói.
Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Future

 Nguồn :  http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/03/150321_how-to-break-the-internet_vert_fut




Chúng ta có năng lượng vô tận, nhưng vì sao vẫn chưa sử dụng?

Phản ứng tổng hợp hạt nhân ngược lại với phản ứng bên trong các nhà máy năng lượng nguyên tử, nó có thể tạo ra nguồn năng lượng vô tận.

Phản ứng tổng hợp hạt nhân chính là thứ cấp năng lượng cho Mặt trời và các vì sao – giải phóng ra một nguồn năng lượng cực lớn thông qua việc gắn các nguyên tố nhẹ lại với nhau, như hydrogen và helium. Nếu năng lượng tổng hợp này được khai thác trực tiếp trên Trái đất, nó có thể cung cấp một nguồn năng lượng sạch vô tận, dùng nước biển như là nguồn dầu chính mà không tạo ra khí nhà kính, không có nguy cơ gia tăng nhanh, và không có nguy phải đối mặt với các tai nạn thảm khốc.
Lượng chất thải phóng xạ sinh ra là rất thấp và gián tiếp, chủ yếu từ sự kích hoạt neutron của hạt nhân. Với các công nghệ hiện tại, một nhà máy năng lượng hạt nhân có thể được tái sử dụng trong vòng 100 năm trước khi bị đóng cửa.
Các nhà máy năng lượng hạt nhân ngày nay khai thác năng lượng từ hiện tượng phân hạt hạt nhân – sự phân chia hạt nhân của các nguyên tử nặng như uranium, thorium và plutonium để trở thành các hạt nhân con nhỏ hơn.



Quá trình này tự phát sinh trong các nguyên tố bất ổn định, và nó có thể được khai thác để tạo ra điện năng, nhưng nó cũng tạo ra nguồn chất thải phóng xạ rất lâu bị tiêu trừ.
Vậy tại sao chúng ta vẫn chưa sử dụng nguồn năng lượng sạch và an toàn từ phản ứng tổng hợp hạt nhân? Dù những nghiên cứu trên mảng này đã đạt được những đột phá lớn, tại sao những nhà vật lý học vẫn đặt nặng những hoài nghi về một công trình được coi là “bước đột phá của nhân loại” này?







Không như phân hạt hạt nhân, hạt nhân không tự động trải qua quá trình tổng hợp: các hạt nhân được tích điện dương và phải vượt qua được lực tĩnh điện khổng lồ của mình trước khi chúng đến được đủ gần để lực hạt nhân có vai trò gắn các hạt nhân lại với nhau phát huy tác dụng.
Trong tự nhiên, lực hấp dẫn khổng lồ của các ngôi sao là đủ lớn để nhiệt độ, độ đặc và thể tích của hạt nhân của chúng duy trì được sự tổng hợp thông qua các “kênh lượng tử” của các hàng rào tĩnh điện. Trong phòng thí nghiệm, sự xuất hiện của các kênh lượng tử là quá thấp, và do đó, hàng rào tĩnh điện chỉ có thể được vượt qua bằng cách tăng nhiệt độ các hạt nhân năng lượng – khiến chúng nóng gấp 6-7 lần nhân mặt trời.
Thậm chí cả phản ứng tổng hợp hạt nhân dễ khởi phát nhất – phản ứng kết hợp giữa các đồng phân của hydrogen như deuterium và tritium để hình thành nên helium và một neutron mang năng lượng – cũng cần đến nhiệt độ khoảng 120 triệu độ C. Ở một nhiệt độ cực cao như thế, các nguyên tử năng lượng vỡ vụn để cho ra các thành phần electron và hạt nhân của nó, tạo nên 1 thể plasma siêu nhiệt.








Việc cố định được thể plasma này đủ lâu để các hạt nhân có thể hòa trộn cùng nhau là một chiến tích không tầm thường chút nào. Trong phòng thí nghiệm, thể plasma được giam giữ nhờ vào một từ trường mạnh, được hình thành bởi các cuộc dây siêu dẫn tích điện, từ đó tạo ra một “chai từ trường” hình bánh rán nhốt thể plasma vào đó.
Các thực nghiệm về plasma hiện nay, như thực nghiệm Joint European Torus có thể giữ được plasma ở nhiệt độ dành cho mạng khuếch đại công suất, nhưng độ đậm đặc và thời gian giam giữ năng lượng (thời gian hạ nhiệt thể plasma) là quá thấp để nó có thể tự cấp nhiệt.
Nhưng quá trình này đã có một số bước tiến nhất định – những thực nghiệm hiện nay đã cho ra mắt những phản ứng có hiệu suất tốt hơn gấp 1000 lần, về nhiệt độ, độ đậm đặc của plasma và thời gian giam giữ nó, so với các thực nghiệm 40 năm trước. Và giờ chúng ta đã có những ý tưởng không tồi cho việc đẩy nhanh quy trình.
Những thay đổi hệ thống
Lò phản ứng ITER, hiện đang được xây dựng tại Cadarache miền Nam nước Pháp, sẽ khám phá về “hệ thống đốt plasma”, hệ thống mà tại đó, nhiệt năng plasma sinh ra nhờ các sản phẩm bị giam giữ sinh ra từ phản ứng hạt nhân sẽ vượt quá năng lượng nhiệt ngoại lai. Năng lượng thu được từ ITER sẽ gấp hơn 5 lần nhiệt năng ngoại lai trong các dự án kế cận, và sẽ xuất hiện trong thời gian ngắn hơn gấp 10-30 lần.
Với chi phí vượt quá 20 tỷ đô la Mỹ và được tài trợ bởi một liên minh 7 quốc gia cùng các đồng minh khác, ITER là dự án khoa học lớn nhất hành tinh. Mục đích của nó là nhằm thể hiện tính khả thi về khoa học và công nghệ trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình như tạo ra điện năng.


Thách thức cho các kỹ sư và các nhà vật lý học là vô cùng lớn. ITER sẽ sở hữu một cường độ từ trường khoảng 5 Tesla (gấp 100.000 lần từ trường Trái đấ”, và bán kính bộ phận khoảng 6m, chứa khoảng 840 thể plasma hình khối cạnh 6m (1/3 chiều dài một bể bơi chuẩn Olympic). Nó nặng ước tính khoản 23 tấn và chứa khoảng 100.000 km sợi siêu dẫn làm từ thiếc niobi. Toàn bộ cỗ máy này sẽ được nhúng chìm vào một thiết bị làm mát nhờ vào helium lỏng để giữ cho các dây siêu dấn ở nhiệt độ chỉ hơn độ 0 tuyệt đối một vài độ.
ITER dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất ra những thể plasma đầu tiên vào năm 2020. Nhưng các thực nghiệm đốt plasma vẫn chưa sẵn sàng khởi động cho đến năm 2027. Một trong những thử thách cực lớn cần vượt qua đó là việc quan sát xem những thể plasma tự lực này có thể được tạo ra và giữ ổn định mà không làm tổn thương các tường bề mặt, (hay các mục tiêu “đánh lạc hướng” dòng nhiệt cực lớn) hay không.
Những gì thu được từ việc xây dựng và vận hành ITER sẽ giúp ích cho việc thiết kế các nhà máy tổng hợp hạt nhân tương lai, với mục đích tối cao là sử dụng công nghệ cho việc tạo ra năng lượng. Tại thời điểm này, có vẻ nhưng các nguyên mẫu của nó sẽ bắt đầu được triển khai xây dựng vào những năm 2030, và sẽ có khả năng tạo ra khoảng 1 gigawatt điện.
Thế hệ các nhà máy tổng hợp hạt nhân đầu tiên sẽ có quy mô lớn hơn nhiều so với ITER, người ta trông chờ rằng việc cải tiến trong giam giữ và kiểm soát từ trường sẽ dẫn tới hiệu quả cao hơn. Như thế, chúng sẽ có chi phí thấp hơn ITER, cũng như triển vọng về tuổi thọ lâu hơn và tác động đến môi trường thấp hơn.
Những thách thức vẫn còn đó, và chi phí giờ luôn ở trên trời. Tất cả những gì chúng ta cần làm là bắt tay vào làm việc để nhanh chóng chấm dứt cơn ác mộng khủng hoảng năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Tham khảo: businessinsider



Khoa học sẽ làm sáng tỏ Thuyết tương đối của Albert Einstein

Năm 1915, Albert Einstein công bố Thuyết tương đối tổng quát, trong đó mô tả lực hấp dẫn là một thuộc tính cơ bản của không-thời gian.

Năm 1915, Albert Einstein công bố Thuyết tương đối tổng quát, trong đó mô tả lực hấp dẫn là một thuộc tính cơ bản của không-thời gian. Ông đã đưa ra một tập hợp các phương trình mô tả sự biến dạng của không-thời gian liên quan đến năng lượng và động lượng. Tuy nhiên cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tiến hành những thử nghiệm thực tế của Thuyết tương đối, mà vẫn chỉ nghiên cứu trên lý thuyết.



Một cách nhìn khác về trọng lực
Theo Einstein thì trọng lực không phải chỉ là một lực thông thường, như những gì nhà vật lý Isaac Newton khám phá ra nó. Trọng lực có thể được coi như là một độ cong của không-thời gian do khối lượng của các đối tượng gây ra.
Bạn có thể tưởng tượng đơn giản như Trái đất quay quanh Mặt Trời, thực chất không phải là do lực hấp dẫn của Mặt Trời khiến Trái đất quay quanh nó. Mà là lực hấp dẫn của Mặt Trời quá lớn khiến cho không gian xung quanh nó bị bẻ cong, và trong khi Trái đất quay quanh Mặt Trời thì thực chất nó đang đi thẳng trong một không gian bị uốn cong.



Cách miêu tả không gian trong vũ trụ của Newton và Einstein hoàn toàn khácnhau.
Lý thuyết của Einstein cũng giải thích tính chất của các hố đen vũ trụ, nơi mà có lực hấp dẫn lớn đến mức ánh sáng không thể thoát ra khỏi nó. Cũng theo thuyết tương đối thì lực hấp dẫn cùng làm biến dạng thời gian, nơi có lực hấp dẫn càng lớn thì thời gian trôi qua càng chậm.

Thuyết tương đối của Einstein đã từng được quan sát thấy nhiều lần trong thực tế, Einstein cũng nổi tiếng với việc sử dụng lý thuyết của mình để dự đoán quỹ đạo của một số hành tinh. Ông cũng dự đoán trước hiện tượng một đối tượng mà có khối lượng đủ lớn có thể bẻ cong ánh sáng của chính nó và gây ra một hiệu ứng gọi là thấu kính hấp dẫn.


Ánh sáng có thể bị uốn cong bởi đối tượng có lực hấp dẫn rất lớn, tuy nhiên bản chất là do không gian bị uốn cong chứ không phải lực hấp dẫn làm biến dạng ánh sáng.

Hiện tượng này đã từng được quan sát thấy trong vũ trụ, các nhà thiên văn học cũng dựa trên hiện tượng này để tìm kiếm những hành tinh bên ngoài dải Ngân hà, dựa trên độ lệch của ánh sáng từ một hành tinh nào đó. Độ lệch ánh sáng này chính là do có một hành tinh với khối lượng rất lớn gây ra, nó bẻ cong ánh sáng phát ra từ những hành tinh xung quanh.
Tuy nhiên chúng ta mới chỉ quan sát được các hiện tượng mà có thể giải thích bằng Thuyết tương đối. Trên thực tế các nhà khoa học vẫn chưa thể tiến hành các thử nghiệm thực tế của Thuyết tương đối này.
Thử nghiệm lý thuyết của Einstein
Các nhà khoa học cần một thử nghiệm thực tế mà có thể chứng minh lý thuyết của Einstein là đúng. Họ đã tìm đến một hiện tượng có tiềm năng nhất để tiến hành thử nghiệm, đó là một dạng sóng trong không-thời gian gọi là sóng hấp dẫn. Sóng hấp dẫn được sản sinh ra từ những sự kiện rất lớn trong vũ trụ, như một vụ va chạm của hai đối tượng có khối lượng vô cùng lớn, như hai lỗ đen hoặc hai ngôi sao neutron (những ngôi sao có kích thước không lớn nhưng dày đặc vật chất bên trong khiến cho khối lượng của chúng rất lớn).
Sóng hấp dẫn này có thể làm biến dạng không thời gian tại điểm mà nó đi qua. Giống như hiện tượng sóng biển, bạn có thể tưởng tượng mặt nước biển là không gian trong vũ trụ và sóng hấp dẫn là các đợt sóng biển. Hai điểm trên mặt nước biển có khoảng cách cố định, nhưng khi sóng biển đi qua, nó làm dâng mặt nước biển lên và khiến cho khoảng cách giữa hai điểm đó thay đổi.


Ví dụ nếu như hai hố đen va chạm với nhau trong phạm vi dải Ngân Hà, nó sẽ tạo ra sóng hấp dẫn mà nếu truyền đến Trái đất, có thể khiến khoảng cách 1 m giữa hai đối tượng bị nén lại một khoảng rất nhỏ, chỉ 1/1000 đường kính hạt nhân nguyên tử.
Do đó, các nhà khoa học đã phải chế tạo ra một chiếc máy dò bằng laser để phát hiện sóng hấp dẫn truyền đến Trái đất. Chiếc máy này có tên là LIGO và bắt đầu hoạt động từ năm 2002. Chiếc máy này sử dụng tia laser để phát hiện sự biến dạng không gian dù rất nhỏ, nếu sóng hấp dẫn đi qua Trái đất. Tuy nhiên cho đến nay LIGO vẫn chưa phát hiện được dấu vết nào của sóng hấp dẫn.



Năm 2010, chiếc máy LIGO đã bị ngừng hoạt động để nâng cấp, và một phiên bản hoàn toàn mới sẽ được ra mắt và đưa vào sử dụng trong năm 2015. Chiếc máy mới hứa hẹn sẽ phát hiện được sóng hấp dẫn trong vũ trụ, bằng cách mở rộng tầm rà soát rộng hơn.
Việc chứng minh được Thuyết tương đối có ý nghĩa rất lớn trong ngành vật lý thiên văn và vật lý nói chung, vì đây sẽ là nền móng vững chắc cho vật lý lượng tử sau này. Bên cạnh đó, với những thử nghiệm thực tế, các nhà khoa học có thể sửa đổi và bổ sung những thiếu sót trong lý thuyết của Einstein.
Tham khảo: mashable





-------------------------------------------------------------------------------------------
Mục đích cuộc sống càng cao thì đời người càng giá trị.

Geothe

*******

Blog Toán Cơ trích đăng các thông tin khoa học tự nhiên của tác giả và nhiều nguồn tham khảo trên Internet .
Blog cũng là nơi chia sẻ các suy nghĩ , ý tưởng về nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau .


Chia xẻ

Bài viết được xem nhiều trong tuần

CÁC BÀI VIẾT MỚI VỀ CHỦ ĐỀ TOÁN HỌC

Danh sách Blog

Gặp Cơ tại Researchgate.net

Co Tran