Người yêu SAIGON .
Những hoài niệm đẹp về một Sài Gòn xưa ấy
Chỉ có người yêu Sài Gòn mới nhận ra nét đẹp xưa còn mãi trong kiến trúc, con đường, nếp sống…Sài Gòn năng động và vun vút đi. Ít người có thời gian và chịu bỏ công sức để cảm nhận Sài Gòn một cách trọn vẹn từ quá khứ đến hiện tại, qua những thứ “ngày nào cũng thấy”.
Thời gian làm nhiều thứ bị lu mờ và biến mất, nhưng lại tăng thêm sự quyến rũ, giá trị lịch sử cho những công trình. Mang vẻ đẹp độc đáo, lộng lẫy một thời, các kiến trúc như nhà hát lớn thành phố, UBND thành phố, nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố… vẫn đậm hơi thở của “hồn Sài Gòn”.
Nhà thờ Đức Bà được xây bằng những viên gạch làm tại Marseille (Pháp), để trần, không tô trát và mang màu đỏ đặc trưng
Chợ Bến Thành – biểu tượng của Sài Gòn, có trước khi người Pháp xâm
chiếm Gia Định. Cho đến nay, kiến trúc của chợ gần như vẫn nguyên vẹn
Bến đò Thủ Thiêm nay chỉ còn trong các bức hình và trí nhớ của những người dân khu vực xung quanh
Bưu điện thành phố ngày xưa không đông khách du lịch mà nhộn nhịp người đến vì công việc
Khách sạn Intercontinental
|
Từng công trình cũng có câu chuyện của riêng mình với những biến cố thăng trầm theo sự phát triển của thành phố. Ví như tiệm cà phê – bánh ngọt Givral ở ngay góc đường Lê Lợi và phố Đồng Khởi.
Givral
|
Sài Gòn, chẳng có lấy một cái hồ tự nhiên với liễu rủ, bóng cây tỏa mát. Nhưng Sài Gòn có hồ Con Rùa mang dáng vẻ hiện đại, hình khối hợp tuyệt vời với phong cách năng động của thành phố này. Bao năm qua nó vẫn hòa với nhịp thành phố, chẳng bị lệch tông chút nào.
Hồ Con Rùa với kiến trúc hòa hợp với phong cách của thành phố
|
Những con đường thoáng đãng, rộng rãi hơn của hiện tại vì lượng xe và người còn hạn chế |
Sài Gòn ngày xưa cũng ngập tràn xe máy, xe đạp và ô tô. Tuy nhiên, những chiếc Mobylette, Vélosolex, Vespa, Lambretta, Honda… khiến cho Sài Gòn xưa mang nét đẹp cổ điển, thanh tao.
Sài Gòn xưa với các dòng xe thế này là niềm mơ ước của dân chơi xe bây giờ
|
Xích lô, xe buýt khiến Sài Gòn xưa gần hơn với Sài Gòn nay
Và xe lam với tiếng nổ giòn
|
Nói đến Sài Gòn dịp tết, người ta nghĩ ngay đến đường hoa Nguyễn Huệ. Theo lời kể, kênh đào Charner nối liền với sông Sài Gòn được người Pháp lấp đi, hình thành đại lộ Charner, sau đổi tên thành đường Nguyễn Huệ.
Mỗi dịp tết về, hoa từ khắp nơi theo những con thuyền về bến gần đó được tập kết trải dài trên con đường này, khiến nó thành nơi buôn bán sầm uất, nhộn nhịp người chơi hoa, du xuân và tham quan. Dù không mua bán như trước đây, nhưng đường Nguyễn Huệ cũng là một nét rất riêng được lưu giữ lại của thành phố.
Đường Nguyễn Huệ xưa nhộn nhịp bán mua và người vãn cảnh mỗi dịp tết
|
Thậm chí có rạp mang gu riêng, không chiếu phim Trung Quốc mà chỉ hướng đến quảng bá phim đạt giải lớn với những diễn viên tài tử nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Còn các rạp như Eden hay Rex giá vé cao, chỉ thích hợp cho “con nhà giàu” hay những người có điều kiện kinh tế dư giả.
Còn các rạp bình dân như Văn Cầm, Kinh Thành, Casino Đakao… thì “mềm” hơn, là điểm tới lui thường xuyên của học trò. Ngoài ra, còn vô số các rạp khác chứng kiến sự đổi thay một thời kỳ của điện ảnh như rạp Cầu Bông, Đại Nam, Cathay, Nguyễn Văn Hảo…
Bảng quảng cáo phim của rạp Eden, một trong những rạp chiếu bóng có thâm niên nhất ở Sài Gòn. Mặt trước bên đường Tự Do không có chỗ cho bảng quảng cáo lớn nên họ đặt ở mặt sau bên Nguyễn Huệ. Rạp Eden hoạt động từ thời Pháp thuộc cho đến tận năm 1975
Người Sài Gòn yêu điện ảnh từ xưa, các rạp chiếu bóng thời đó lúc nào cũng đông người đi xem
|
Trong chợ Sài Gòn, các gánh hàng rong, xe đẩy dường như vẫn thế bao năm qua, khiến đất này mang dư vị khó quên trong lòng người đến và dời đi. Vẫn những món hàng thường ngày, từ trái cây, đồ khô, đồ ăn… cảnh mua bán tấp nập nhưng gánh hàng rong, xe đẩy dường như nhẹ nhàng và thong dong hơn.
Chợ và hàng rong là điều không thể thiếu khi nhắc đến Sài Gòn. Thậm
chí, có những khu chợ mang danh tiếng của tính cách Sài Gòn như chợ Dân
Sinh, chợ Bà Chiểu…
Xe đẩy ngày xưa cũng bán những mặt hàng như bây giờ nhưng hình như mang dáng vẻ thong dong, nhẹ nhàng hơn
Sài Gòn luôn tận tình trong các dịch vụ đi kèm, tiệm hoa giao tận nơi này là một thí dụ
|
Cuộc sống của người Sài Gòn xưa cũng như Sài Gòn nay phóng khoáng và niềm nở
Sài Gòn xưa còn các cuộc thi nữ công gia chánh nhân ngày lễ như thêu, nấu ăn, viết văn…
Cảnh đánh cờ của các anh, các chú, các bác vẫn là điều quen thuộc của Sài Gòn
|
Tạ Ban
Ảnh: Sưu tầm từ Flick
Nguồn http://www.saigontrongtoi.com/nhung-hoai-niem-dep-ve-mot-sai-gon-xua-ay.html
Thứ Tư, ngày 23 tháng 7 năm 2014
Cầu Ba Cẳng của Sài Gòn xưa
“Ở vùng Quận 6 Chợ lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu
bằng sắt có hình dạng rất lạ có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào
như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận... nên người dân lấy
hình mã đặt tên, tức cầu Ba Cẳng” – trích lời nhà văn Trương Đạm Thủy.
Cầu Ba Cẳng ở Chợ Lớn, gần phía sau chợ Kim Biên nay không
còn nữa. Cầu ở đầu đoạn rạch Bãi Sậy, nay lấp thành đường Bãi Sậy và Phạm Văn
Khoẻ quận 6.
Cầu Ba cẳng nằm ở khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ, hai chân nằm
ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành và chân kia ở bến Vạn Tượng. Đoạn cuối
rạch này vẫn chưa lấp, và cầu tồn tại đến năm 1990 thì bị sập.
|
Rạch Bãi Sậy hay kênh Hàng Bàng ngày này đã lấp đến 90% trở
thành đường Bãi Sậy và đường Phạm Văn Khoẻ, Quận 6, chạy từ rạch Lò Gốm (phía
bên trái) ngang qua chợ Bình Tây, tới chỗ cầu Ba Cẳng rẽ phải một đoạn ngắn
chảy ra rạch Tàu Hủ.
Đây là con đường chính để đưa hàng hóa đến chợ và hàng hóa
từ chợ sau đó lại tỏa đi khắp nơi khi vận tải đường bộ còn chưa phát triển
trong nửa đầu thế kỷ 20. Ảnh. J.-C. Curtet.
|
Gần cầu Ba Cẳng, ở ngã ba rạch Bãi Sậy từ kênh Tàu Hủ và rạch
chạy đến đường Kim Biên (tiếng Quảng Đông nghĩa là Cao Miên, vì trước đây gọi
là đường Cao Miên hay rue de Cambodge) là đường Gò Công, đây là đường từ Chợ
Lớn đi xuống Gò Công (cầu Ba Cẳng có bậc đi xuống đường Gò Công).
Trụ sở và xưởng sản xuất “xà bông Việt Nam” nổi tiếng của
ông Trương Văn Bền trong những thập niên giữa thế kỷ 20 nằm ngay trên đường
Kim Biên.
|
Ngày nay rạch bãi Sậy đã hầu như bị lấp hoàn toàn. Phía
sau chợ Kim Biên vẫn còn một đoạn rạch rất ngắn khoảng 30m rộng 3m, trước đổ
ra thẳng kênh Tàu Hủ. Cầu Palikao trở thành đường Ngô Nhân Tịnh.
Cầu Ba Cẳng đã sập, không còn và rạch phía sau chợ Kim
Biên đã bị lấp. Cầu Palikao được người Pháp đặt tên theo một câu gần Bắc
Kinh, gọi là Bát lí kiều (cầu tám dặm), nơi liên quân Anh-Pháp vào năm 1860
đánh với quân nhà Thanh.
|
Cầu Ba Cẳng bắc qua rạch Bãi Sậy, gần Chợ Bình Tây, và gần
phía sau chợ Kim Biên (chợ Kim Biên chỉ mới có sau 1975, trước đó vị trí chợ
là một công viên). Chân cầu bên phải là đường Gò Công ngày nay.
|
Đây là tấm hình hiếm hoi còn sót lại của cầu Ba Cẳng, một
cây cầu chẳng có mấy quan trọng, nhưng nó đã trở thành một phần của lịch sử
Sài Gòn - Chợ Lớn xưa, với cái tên nghe thật dân dã và cũng có lắm chuyện xưa
liên quan đến nó, như chuyện "Dân chơi cầu Ba Cẳng" của nhà văn
Trương Đạm Thủy...
|
Kênh Bonard, tức rạch Bãi Sậy, Chợ Lớn, cũng được gọi là
kênh các lò gốm. Cái cẳng thứ 3 của Cầu 3 cẳng là hướng thẳng vào trục đường
Trịnh Hoài Đức. Và đúng là rạch Lò Gốm và Bãi Sậy là 2 rạch khác nhau.
Nhiều rạch xưa nay đã bị lấp, nên trên các bản đồ Sài Gòn
mới sau này không còn tìm thấy chúng. Trong phần chú thích tiếng Pháp có ghi
rõ: "Đường nhà buôn (tức là đường Nguyễn Văn Thành). Kênh Bonard, cũng
được gọi là kinh các lò gốm, là một huyết mạch thương mại chính của Chợ Lớn".
|
Đoạn cuối rạch Bãi Sậy gần Cầu Ba Cẳng, nhìn từ cầu
Palikao. Cầu Palikao là cầu qua rạch Bãi Sậy trên đường Ngô Nhân Tịnh. Gần cầu
Palikao và chợ Kim Biên hồi xưa có ngôi nhà lớn của một trong bốn người giàu
nhất Sài Gòn, đó là ông Trần Hữu Định, cũng được gọi là Bá hộ Định, người được
xếp thứ tư trong "Tứ đại Phú Gia Sài Gòn": Nhất Sĩ, nhì Phương, tam
Xường, tứ Định.
|
|
Cầu Ba Cẳng nhìn từ đường Trịnh Hoài Đức (là con đường chạy
thẳng ở cuối rạch Bãi Sậy). Đi về phía phải của Cầu Ba Cẳng trong hình này
vài chục mét là tới chợ Kim Biên ngày nay, còn về phía trái khoảng 200m là tới
Đại lộ Đông Tây và kênh Tàu Hủ.
Hình này chụp khoảng đầu thập niên 1950, ngày nay cầu này
không còn nữa. Cái cẳng trong hình này là cẳng đi xuống đường Yunnan, tức Vân
Nam (sau 1955 là đường Vạn Tượng), còn hai cẳng kia thì bắc qua hai con đường
hai bên rạch Bãi Sậy: bên trái xuống bến Bãi Sậy, bên phải xuống bến Nguyễn
Văn Thành nơi đầu đường Cambodge (sau 1955 là đường Kim Biên).
|
Thứ Tư, ngày 20 tháng 8 năm 2014
NGÀY CHỦ NHẬT CỦA NGƯỜI SÀI GÒN
Danh Đức
La Pagode - Sài Gòn |
Tôi thuộc
thế hệ mà trong giấy khai sanh, trong mục nơi sinh còn ghi tên đường bằng tên
Tây - rue Paul Blanchy. Nói theo nam ca sĩ George Micheal trong album
"Song of the last century", tôi thuộc nửa sau thế kỷ trước.
Chẳng phải
là hoài cổ gì, song, như người Pháp có câu nói:"Paris đã không được dựng
nên chỉ trong một đêm". Sài Gòn 300 năm hơn này cũng thế. Sài Gòn như một đô
thị thực sự, mới chĩ bắt đầu chưa được 150 năm, kể từ sau khi người Pháp đỗ bộ
vào đây. Muốn hay không muốn, nếp sống đô thị của Sài Gòn này cũng xuất phát từ
một khuôn mẫu mà các ông già xưa gọi là "cô-lô-nhền" (colonial), nay gọi
là thuộc địa. Muốn hay không muốn, cái khuôn mẫu đó cũng đã tồn tại gần trăm năm,
trước khi nhường chỗ cho một hình thái đô thị khác như đáng thấy ngày nay.
Sài Gòn
khi đó vẫn còn chưa lớn rộng như bây giờ. Đường Nguyễn Văn Thoại (ngang khu chợ
Tân Bình bây giờ) vẫn rậm lá rừng cao su. Thậm chí đọan từ Lăng Cha Cả đến ngã
tư Bẩy Hiền, trên đường Hoàng Văn Thụ bây giờ, vẫn còn là khuôn viên của một
trung tâm khảo cứu nông nghiệp.
Sài Gòn
thời đó vẫn còn giữ nguyên khuôn mẫu của một thị trấn, bourg, và lối sống thị
thành, bourgeois, trong ý nghĩa của những "đô thị" nguyên thủy và thị
dân trước khi trở thành "tư sản". Một bourg ở Châu Âu quây quần quanh
tâm điểm là mái nhà thờ. Bên cạnh đó là tòa thị chánh. Ở đó sẽ có một quảng trường,
place, park. Chung quanh đó là cái quán rượu, hàng bánh mì, như là điểm hẹn của
cả thị trấn. Người Pháp đã mang cái mô hình đó vào Sài Gòn này. Với nhà thở Đức
Bà trên ngọn đồi cao nhất thành phố. Nhà Bưu Điện ở bên cạnh. Đổ dốc xuống là
rue Catinat. Quẹo trái là tòa thị chánh, Hotel de Ville, hết dốc là Nhà Hát Lớn,
Theatre municipal, quanh đó là quán xá,. Những Givral nổi tiếng với "Người
Mỹ Thầm Lặng", La Pagode, Brodard là những điểm hẹn của các "ông Tây
bà Đầm". Trong tiếng Pháp có một động từ rất dễ thương, động từ "s'endimancher"
đến từ danh từ "dimanche" (ngày Chúa nhật), nghĩa là diện đẹp để đi nhà thờ vào
ngày Chúa nhật.
Người
Pháp ra đi, lớp thị dân giàu có thế chỗ. Sáng Chúa nhật, những chiếc Peugeot
203, rồi thì 403 cứ thế mà đậu chung quanh nhà thờ Đức Bà. Từng gia đình nắm
tay nhau vô nhà thờ, rồi trở ra. Trước khi lên xe ra về, cả nhà quây quần trước
hai kiosque bánh mì. Hai bên tòa nhà Bưu Điện xuất hiện hai kiosque chuyên ban
bánh mì và bánh ngọt, bên trái là quán "Nguyễn Văn Ngải", bên phải là
"quán Bưu Điện". Người sành điệu nme6 bánh mì Nguyễn Văn Ngãi hơn, nhất
là bánh mì tôm (với sauce mayonaise), và bánh baba au rhum nồng nàn mùi rượu. Một
ổ bánh mì tôm cho đứa con học hành khá nhất trong tuần, những đứa con còn lại,
học kém hơn, thì chỉ được ổ bánh mì "paté" thôi. Một điểm tâm sáng thật
"công bằng", trước khi cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm thịnh soạn của
ngày Chúa nhật. Hạnh phúc gia đình là như thế. Và ngay cả cái chất thị dân đích
thực cũng là như thế, ngăn nắp trong cả sự trù phú.
Người thị
dân Sài Gòn đích thực không hề có lối nhậu vác cả két "la de" (bia),
cả thùng "Budweiser", cả chai rượu "Cognac" ra dằn trên
bàn! (Cái kiểu uống trăm phần trăm, pha cả lít rượu và cả nón sắt đựng nước dừa
"ô kê thau!" đó chỉ dành cho cánh lính trơn, thuộc "chỉ số bóp
cò", sống nay chết mai). Họ không chỉ thưởng thức từng ngụm Cognac.
Martell cổ lùn vào Sài Gòn vào năm 1965 thay cho Martell cổ cao, từng ngụm
lade, mà còn thưởng thức cả việc được người phục vụ rót từng ly cho họ. Động từ
"Nhậu", xin lỗi, không được dùng trong giới này. Người thị dân thực sự
không tham "nhậu" bỏ bê gia đình, cho dù họ có là thương gia! Chính
vì lẽ đó, những bữa cơm gia đình vẫn là tối thượng.
Sống như
thế không có nghĩa là "Trưởng giả học làm sang". Trái lại! Tỉ như
tui ưa "gu" thuốc lá đen, tui
hút "Bastos", anh ưa "gu" thuốc thơm, anh hút Pall Mall,
Lucky Strike, tùy anh. Anh ta ưa "gu" thuốc lá the, anh ta hút
"Salem", mặc anh ta. Không ai phải mặc cảm khi hút đúng
"gu" của mình cả. Ông giáo sư, ông bác sĩ mà "ghiền" quá cũng
hút "Bastos" như mọi người.
Người thị
dân có "gia phả" biết thưởng thức tất cả trong sự thành thật với người,
trung thực với chính "cái tôi" của mình, chứ không vong thân vì gói
thuốc. Cũng như, nếu tui là công chức, nặng gánh gia đình, sáng sáng tui ra
quán hủ tíu đầu đường, uống cà phê, ăn điểm tâm (bánh bao, xíu mại, há cảo...), đâu
cần đợi đến ngày nay mới biết ăn cũng chừng ấy món mà phải tréo quai hàm đọc
thành"dim sum"! Ngày xưa Tân Gia Ba (Singapore), Hồng Kông làm sao
sánh nổi với Hòn Ngọc Viễn Đông này về sự thanh lịch.
Điều gì làm nên tính cách của thị dân? "Sự chịu chơi"? E rằng không phải. Mà
là sự thanh lịch! Thật ra, sự thanh lịch đó mất dần từ đầu những năm 70, khi mà
chiến cuộc khốc liệt đem lối sống "nhà binh" tràn đầy thành phố.
Tất cả rồi
cũng qua đi. Hào hoa, món hàng xa xỉ trong thời chiến thì nay lại trở nên lỗi
thời giữa nhịp sống công nghiệp gấp gáp thời bình. Thời nay, hiếm thấy còn một
mẩy đấng mày râu mở cửa cho phụ nữ vào, biết kèo ghế cho phụ nữ ngồi. Bỗng dưng
nhớ lại ca khúc từng đoạt giải Grammy "Where Have All The Cowboys
Gone" của nữ ca sĩ Paula Cole. Ôi, đâu rồi những đấng trượng phu!
Nguồn http://vuisongmoingay.blogspot.com
Sài Gòn, một thế kỷ sau
Đầu thế kỷ 20 đàn ông Nam bộ không còn búi tóc củ hành
nên nghề cắt tóc ra đời; giày dép bắt đầu phổ biến làm xuất hiện nghề
sửa giày… Ngày nay trên vỉa hè vẫn còn ông thợ hớt tóc dạo, người thợ
sửa giày lâu năm… Không còn hình ảnh lam lũ chân đất áo bà ba như xưa,
nhưng trong mưu sinh người Sài Gòn ngày nay vẫn giữ những nét văn hóa cơ
bản của đầu thế kỷ 20.
Từ những năm 1910-1930, nam giới đã không còn búi tóc
củ hành mà bắt đầu cắt tóc ngắn. Theo đó, nghề hớt tóc dạo đường phố ra
đời. Đến nay, các tiệm cắt tóc, salon tóc đã chuyên nghiệp hơn, tích hợp
nhiều dịch vụ tiện ích, nhưng thỉnh thoảng đâu đó trên vỉa hè đường phố
Sài Gòn, dưới những bóng cây mát vẫn còn những người thợ cắt tóc bình
dị, với những dụng cụ hành nghề rất đơn giản, nhỏ gọn.
Là phương tiện vận chuyển tiện lợi, taxi bắt đầu xuất
hiện ở Sài Gòn – Chợ Lớn vào khoảng cuối những năm 40 và thịnh hành
những năm 50 của thế kỷ 20. Trong ảnh là chiếc taxi năm 1970 (ảnh trên)
và hiện nay (ảnh dưới).
|
Sài Gòn xưa có hàng nước, quán cóc bán trà đá, trà
chanh…thì trên phố Sài thành hiện nay cũng phổ biến gánh hàng, bàn giải
khát với đủ loại nước có ga, nước chanh, sâm lạnh, nước dừa…
|
Nghề đưa thư ở Sài Gòn bắt đầu phát triển từ đầu thế kỷ
20, chủ yếu là bằng chân, do các đoàn người vận chuyển từ nơi này đến
nơi khác, chỉ một số ít thư được vận chuyển bằng xe. Khi đó đất phương
Nam còn nhiều rừng rậm thú dữ nên nghề đưa thư khá nguy hiểm. Ngày này
nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, máy móc thiết bị hiện đại nên
việc thông tin liên lạc đã nhanh chóng, tiện lợi hơn nhiều lần.
|
Hình ảnh chiếc xe đẩy bán hủ tíu dạo gắn liền với văn
hóa ẩm thực Sài Gòn hơn 100 năm nay. Những chiếc xe bán hủ tíu đến nay
gần như vẫn còn giữ nguyên cách buôn bán lề đường, đặc biệt là là tiếng
gõ “lách cách” đặc trưng. Ngày nay vẫn còn những tiệm bán hủ tíu trên 50
năm tuổi như các tiệm của người Hoa ở khu Chợ Lớn, trên đường Triệu
Quang Phục (quận 5), đường Gia Phú (quận 6),…
|
Gánh hàng rong đã có từ rất lâu đời, và trở thành một
nét văn hóa đặc trưng rất Sài thành. Trải bao thăng trầm dâu bể của thời
cuộc, gánh hàng rong ngày nay không khác xưa là mấy, vẫn đơn sơ quà
vặt, bình dị những tiếng rao.
|
Nghề sửa giày bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, cho
đến nay đã trở thành một trong những nghề thủ công lâu đời nhất tại Sài
Gòn. Sửa giày được xem là một nghề khá nhàn nhã, thu nhập không cao
nhưng ổn định, bất cứ khi nào cũng có việc để làm. Ngày nay, nghề sửa
giày ít nhiều đã bị mai một, nhưng vẫn có thể bắt gặp những người thợ
già đang miệt mài đóng giày trên hè phố, nhất là ở các đường Lê Thánh
Tôn, Hai Bà Trưng (quận 1)…
|
Theo VnExpress
-------------------------------------------------------------------------------------------
-Bậc thềm tiến vào thánh đường của trí tuệ là biết sự ngu dốt của chính mình.
The doorstep to the temple of wisdom is a knowledge of our own ignorance.
Benjamin Franklin