Các nhà thiên văn học tại Viện công nghệ California tuyên bố phát hiện ra bằng chứng đáng tin cậy về hành tinh thứ 9 của Hệ Mặt Trời.
Các hành tinh trong hệ Mặt Trời và hành tinh bí ẩn được coi là hành tinh thứ 9

Hành tinh này vẫn chưa được đặt tên, người ta đang tạm gọi nó là "Hành tinh thứ 9" hoặc "Hành tinh X". Mặc họ vẫn chưa quan sát được hành tinh này mà chỉ dựa vào mô hình toán học, máy tính để đưa ra bằng chứng về nó nhưng đây được thông tin đáng tin cậy nhất trong 150 năm qua cho thấy danh sách các hành tinh của Hệ Mặt Trời vẫn còn chưa đủ.
Hành tinh này được cho là có kích thước cỡ sao Hải Vương, khối lượng gấp 10 lần Trái Đất, quỹ đạo cách Mặt Trời xa hơn 20 lần so với sao Hải Vương và theo dự đoán, nó mất khoảng 10.000 đến 20.000 năm để quay quanh Mặt Trời. Trước đây người ta đã dự đoán sự có mặt của nó từ cách đây nhiều thập kỷ nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu lần này đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng có độ tin cậy cao.

Hành tinh này được cho là có kích thước cỡ sao Hải Vương, khối lượng gấp 10 lần Trái Đất.

Nhà thiên văn học Mike Brown, một tác giả của báo cáo lần này cho biết: "Chúng tôi vẫn cứ âm thầm và dành thời gian 5 năm tới để tự tiếp tục quan sát với hy vọng rằng sẽ trực tiếp tìm thấy nó. Nếu tôi thật sự tìm thấy nó, đây sẽ là một phát hiện lớn và cực kỳ có ích". Được biết Brown cũng là người từng đưa ra bằng chứng dẫn tới việc loại bỏ sao Diêm Vương ra khỏi danh sách các hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời, "tuột hạng" xuống là một hành tinh lùn và từ đó, Hệ Mặt Trời chỉ còn có 8 hành tinh.
Trong nghiên cứu lần này, Brown và đồng nghiệp của ông là Konstantin Batygin đã phân tích chuyển động của những vật thể nhỏ ở ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta và phát hiện rằng chúng phải chịu ảnh hưởng của một thiên thể nào đó không nhìn thấy. Cho tới nay, chưa có ai tận mắt quan sát được hành tinh này nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng độ tin cậy của phát hiện lần này là khoảng 70%.